Việt Nam dù có đường biên giới giáp Trung Quốc vẫn khống chế được số ca nhiễm virus corona ở mức thấp, thông qua các biện pháp cách ly, truy dấu người bệnh, xét nghiệm và tuyên truyền, theo nhận định trên bài viết ngày 9/4 của Guardian.
Tờ báo Anh ghi nhận Việt Nam đang sử dụng nhiều hình thức nghệ thuật, từ phát hành tem thư, những bài hát khuyến cáo rửa tay đúng cách và hạn chế giao tiếp xã hội, tranh cổ động mang "tinh thần thời chiến" để tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19.
Bộ tem "Chung tay phòng, chống dịch Covid-19" được phát hành ngày 31/3. Ảnh: Bộ Y tế. |
"Sau khi chính phủ kêu gọi người dân ở nhà để phòng chống dịch Covid-19, tôi lướt trên mạng xã hội và thấy vẫn còn nhiều người tụ tập, ra đường, ngồi ở quán cà phê, nhà hàng. Tôi muốn làm một điều gì đó có khả năng lan tỏa, nâng cao nhận thức và tạo động lực để mọi người hành xử đúng đắn", Le Duc Hiep trả lời Guardian về trang cổ động với thông điệp "Ở nhà là yêu nước" do anh thực hiện.
"Tôi chọn phong cách tranh tuyên truyền vì nó thân quen với người Việt Nam và phong cách này luôn gợi lên tinh thần yêu nước", anh chia sẻ.
Bộ Y tế cùng Tổng công ty Bưu điện Việt Nam vừa qua đã phối hợp với họa sĩ Phạm Trung Hà thiết kế bộ tem "Chung tay phòng, chống dịch Covid-19". Tác phẩm cũng được thực hiện với phong cách tinh thần "thời chiến". Một mẫu tem khắc họa hình ảnh nhân viên y tế tiến hành xét nghiệm, sau lưng là hình ảnh nắm đấm tượng trưng cho lòng quyết tâm và bền bỉ.
Tranh tuyên truyền của họa sĩ Lưu Yên Thế về phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: Guardian. |
Chính phủ Việt Nam cũng kêu gọi họa sĩ trên khắp cả nước đóng góp tranh vẽ cổ động chống dịch Covid-19. Họa sĩ Lưu Yên Thế, 73 tuổi, dù đang chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác vẫn góp sức với 2 mẫu thiết kế gửi về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
"Tôi quyết định tham gia dự án để góp sức cùng mọi người trong cuộc chiến này. Nếu chúng tôi không thể đóng góp ở tuyến đầu, họa sĩ có thể đóng góp bằng cách truyền tải thông tin qua tranh vẽ tuyên truyền", ông nói, theo Guardian.
Những thông điệp như vậy, cùng với việc hành động từ sớm và truy dấu ca nhiễm đã giúp Việt Nam tránh mức độ bùng phát dịch đang diễn ra tại châu Âu, đồng thời giữ số ca nhiễm chỉ dừng ở hàng trăm, Guardian nhận định.
Chiến lược được Việt Nam sử dụng là quyết liệt cách ly mọi trường hợp có liên hệ gần với ca nhiễm mới phát hiện.
Theo số liệu của Bộ Y tế tính đến ngày 9/4, Việt Nam đã tiến hành hơn 110.000 xét nghiệm, trong đó có 251 mẫu dương tính và 109.873 mẫu âm tính.
Tổng số trường hợp tiếp xúc gần ca nhiễm hoặc nhập cảnh từ vùng dịch được theo dõi sức khỏe (cách ly) là hơn 77.000 người, trong đó cách ly tại nhà và nơi lưu trú có hơn 48.800 trường hợp. Các biện pháp hạn chế giao tiếp xã hội đã có hiệu lực từ ngày 1/4.