Nhân viên cứu hộ đưa một người bị thương trong vụ nổ bom giữa trung tâm Bangkok tới bệnh viện. Ảnh: Bangkok Post |
Dịch vụ du lịch hoàn hảo, thời tiết dễ chịu cùng chi phí phải chăng khiến Bangkok là điểm đến lý tưởng cho du khách trong và ngoài khu vực. Theo Telegraph, nhiều du khách châu Âu cũng như khách du lịch các nước châu Á chọn đây là điểm dừng chân khi đến Thái Lan.
Tuy nhiên, vụ nổ bom phía trước đền thờ lừng danh Erawan làm rung chuyển trái tim Bangkok cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Vụ khủng bố cướp đi mạng sống của ít nhất 22 người và làm gần 100 người khác, bao gồm nhiều du khách người nước ngoài, bị thương. Dù Thái Lan nhiều lần chìm trong bất ổn nhưng thủ đô Bangkok hiếm khi trở thành mục tiêu của các vụ tấn công.
Trọng vụ tấn công ngày 17/8, những kẻ khủng bố đã đặt bom khu vực được coi là tâm điểm du lịch của Bangkok, nơi có hàng loạt trung tâm mua sắm lớn, khách sạn sang trọng cùng công trình tôn giáo nổi tiếng. Không lâu sau vụ nổ, cảnh sát tiếp tục phát hiện và vô hiệu hóa những thiết bị nổ chưa hoạt động nằm xung quanh khu vực.
Là một trong những quốc gia đầu tiên phản ứng trước vụ nổ bom, Bộ Ngoại giao Anh đã khuyến cáo công dân về “mối đe dọa” từ khủng bố ở Thái Lan. “Bom và lựu đạn đã được sử dụng để tấn công bừa bãi những khu vực du khách trong và ngoài nước thường xuyên ghé thăm (ở Thái Lan)”, cơ quan Ngoại giao Anh cảnh báo.
Kể từ năm 2004, các cuộc tấn công xảy ra hàng ngày ở miền nam đất nước, bao gồm đốt phá, đánh bom và đấu súng. Mục tiêu của các vụ tấn công là thường dân, lực lượng an ninh, các tòa nhà chính phủ, khách sạn, trung tâm thương mại, trường học, cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, bao gồm cả đường ray tàu hỏa.
Năm 2010, những kẻ khủng bố tiến hành vụ 2 vụ đánh bom chợ đêm ở Chiang Mai, miền Bắc Thái Lan và một vụ nổ ở bãi đậu xe dưới lòng đất tại Trung tâm mua sắm Koh Samui đầu năm nay. Bangkok cũng phải hứng chịu các vụ đánh bom trong năm 2012 khiến 5 người bị thương. Trong tháng 2 vừa qua, hai quả bom nhỏ phát nổ gần lối vào trung tâm mua sắm Paragon Sian, cách hiện trường vụ tấn công hôm 17/8 khoảng 500 m.
Tuy nhiên, chính phủ các nước chưa đưa ra cảnh báo đối với công dân muốn đi tới Bangkok. Các chuyến bay đến và đi khỏi Thái Lan vẫn hoạt động như thường lệ.
Du khách sẽ quay lưng với Thái Lan?
Một nạn nhân thiệt mạng trong vụ nổ bom ở thủ đô Thái Lan. Ảnh: Bangkok Post |
Tom Vater, chuyên gia về du lịch Bangkok, cho biết: “Sau vụ việc hồi tháng 2, an ninh ở Bangkok đã được thắt chặt. Tuy nhiên, vụ nổ ngày 17/8 tồi tệ hơn về cả quy mô và tác động. Hiện tại, cảnh sát đã được triển khai xung quanh khu vực xảy ra vụ đánh bom và cũng là trung tâm thu hút khách du lịch của Bangkok nhưng điều này sẽ không đủ để trấn an du khách”.
Theo ông Vater, niềm tin của du khách với Bangkok nói riêng và Thái Lan nói chung phụ thuộc nhiều vào hành động và cách thức thể hiện của chính phủ. Việc bắt giữ thủ phạm hay truy quét tổ chức đứng sau vụ khủng bố có thể là cách hiệu quả nhất để lấy lại sự ủng hộ của du khách.
Tuy nhiên, vụ nổ đẫm máu hôm 17/8 sẽ buộc nhà chức trách tăng cường an ninh ở Bangkok. Cùng với đó, sự hiện diện của binh sĩ vũ trang trên đường phố gây ra những ảnh hưởng đáng kể tới du lịch Bangkok nói riêng và cả Thái Lan nói chung dù nó giúp du khách an toàn hơn.
“Mất khách” không chỉ là nỗi lo của chính phủ Thái Lan. Các công ty lữ hành và khách sạn cũng đang nỗ lực để đảm bảo sự an tâm của khách. Frances Geoghegan, người phụ trách một công ty lữ hành của Anh, đã liên lạc với tất cả khách hàng để trấn an họ sau khi vụ nổ xảy ra.
Theo lời Geoghegan, một số khách sạn ở Bangkok cũng làm rất tốt nhiệm vụ an ủi và đảm bảo an toàn cho du khách khi quả bom phát nổ. Đây là yếu tố then chốt nhằm ngăn phần lớn khách du lịch cắt ngắn kỳ nghỉ ở Bangkok khi khủng bố xảy ra.