Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết đoạn băng ghi âm liên quan tới vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi chứa những chi tiết “ghê rợn” và đã khiến quan chức tình báo Saudi Arabia bị sốc.
“Chúng tôi mở băng ghi âm vụ ám sát cho những ai muốn nghe. Cơ quan tình báo của chúng tôi không che giấu bất cứ thứ gì. Chúng tôi mở đoạn băng cho tất cả, gồm Saudi Arabia, Mỹ, Pháp, Canada, Đức, Anh”, ông nói với phóng viên trên đường trở về Ankara tối 12/11, sau lễ kỷ niệm 100 năm ngày kết thúc Thế chiến 1 ở Pháp.
“Đoạn ghi âm thật kinh hoàng. Quả thật, trong khi nghe, quan chức tình báo Saudi Arabia bị chấn động tới mức phải thốt lên rằng: ‘Người này chắc chắn đã sử dụng heroin, chỉ những kẻ hút chích rồi mới làm được chuyện đó’”, Guardian dẫn lời ông Erdogan.
Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cho biết đã chia sẻ bằng chứng ghi âm với nhiều nước khác. Ảnh: AFP. |
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nêu rõ nước này “đang kiên nhẫn đợi” Thái tử Mohammed bin Salman làm sáng tỏ thêm về cái chết của nhà báo Khashoggi, người bị giết khi tới lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul để làm giấy tờ ly hôn hồi tháng 10. Theo các điều tra viên, thi thể của nhà báo có thể đã bị phân mảnh và phi tang bằng axit.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng duy trì quan điểm cho rằng nhóm sát thủ bay từ Riyadh đến Istanbul để sát hại ông Khashoggi theo lệnh của quan chức cấp cao trong chính quyền Saudi Arabia.
Ngày 12/11, Tổng thống Erdogan tái khẳng định với tờ Yeni Safak rằng hoàng gia Saudi có liên quan đến vụ sát hại nhưng ông không nghĩ Vua Salman, người mà ông “kính trọng vô hạn”, đứng sau tội ác này.
“Cần phải đưa kẻ ra lệnh ám sát ra ánh sáng”, ông Erdogan nói.
Sự kiện tưởng niệm nhà báo Jamal Khashoggi được tổ chức ở Istanbul hôm 11/11. Ảnh: Getty. |
Theo nguồn tin của New York Times, trong đoạn băng, Maher Abulaziz Mutreb, thủ lĩnh nhóm sát thủ và cũng là nhân viên an ninh thường tháp tùng Thái tử Mohammed, đã nói qua điện thoại rằng “hãy bảo với ông chủ của các người” là nhiệm vụ đã hoàn tất.
Theo nhân viên tình báo Thổ Nhĩ Kỳ, người ở đầu bên kia điện thoại là cấp dưới của thái tử. Quan chức tình báo Mỹ cũng cho rằng “ông chủ của các người” ám chỉ thái tử.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau là nhà lãnh đạo đầu tiên xác nhận bằng chứng ghi âm của Thổ Nhĩ Kỳ là có thật. Ông nói với phóng viên tại Paris rằng quan chức Canada đã được cho nghe đoạn băng.
Trong lúc đó, truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ đăng ảnh chụp X-quang hành lý của nhóm sát thủ khi rời Istanbul tại sân bay Ataturk. Các bức ảnh cho thấy trong hành lý có kim tiêm, máy khử rung tim, kéo, bộ đàm, súng bắn ghim và thiết bị phá sóng điện thoại.
Hình ảnh cho thấy hành lý của nhóm người từ Riyadh đến Istanbul hôm 2/10 có chứa kim tiêm, và điện đàm. Ảnh: Sabah. |
Từ khi vụ việc xảy ra, Thổ Nhĩ Kỳ liên tục tiết lộ nhỏ giọt những chi tiết điều tra và bác bỏ nhiều “phiên bản” lý giải không thỏa đáng của Saudi Arabia.
Sau hai tuần phủ nhận mọi mối liên hệ với sự biến mất của nhà báo Khashoggi, Saudi Arabia khẳng định ông chết trong một vụ ẩu đả. Tuy nhiên, nước này sau đó lại thay đổi, thừa nhận vụ sát hại đã được lên kế hoạch trước.
Việc nhà báo Khashoggi biến mất đã châm ngòi cho cuộc khủng hoảng ngoại giao lớn của Riyadh, một lần nữa làm dấy lên những tranh cãi xung quanh nước này về các thương vụ vũ khí, nhân quyền và cuộc chiến ở Yemen. Tuy nhiên, các nước phương Tây hầu như không mạnh tay với Saudi.