BBC đưa tin ông Yasin Aktay, cố vấn của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, khẳng định “kết luận hợp lý duy nhất” là những kẻ sát hại nhà báo Saudi Arabia ở Istanbul đã tiêu hủy thi thể “nhằm xóa bỏ mọi vết tích”.
“Lý do họ cắt xác ông Khashoggi là để phi tang dễ dàng hơn. Giờ chúng ta thấy rằng họ không chỉ phân xác thành nhiều mảnh mà còn làm nó bốc hơi”, ông Aktay nói với tờ báo Thổ Nhĩ Kỳ Hurriyet Daily.
Nhà báo Jamal Khashoggi bị sát hại tại lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ hôm 2/10. Ảnh: Getty. |
Lời khẳng định trên được đưa ra sau khi bà Hatice Cengiz, vợ chưa cưới của ông Khashoggi, kêu gọi các nhà lãnh đạo trên thế giới “đưa thủ phạm ra trước công lý” trong bài viết được đăng trên 5 tờ báo, trong đó có Guardian và Washington Post.
Trong bài viết, bà Cengiz kể rằng ông Khashoggi đã mua nhà để hai người cùng lập gia đình và bày tỏ “nỗi thống khổ” từ khi ông Khashoggi bị giết một cách “dã man”.
Jamal Khashoggi là nhà báo thường lên tiếng chỉ trích chính quyền Saudi Arabia. Ông bị sát hại tại lãnh sự quán nước này ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ hôm 2/10. Theo BBC, nhiều nguồn dẫn lời Thái tử Mohammed bin Salman nói với phía Mỹ rằng thái tử coi nhà báo Khashoggi là một tín đồ Hồi giáo nguy hiểm.
Tuy nhiên, Saudi Arabia bác bỏ thông tin trên, khẳng định hoàng gia không liên quan tới vụ sát hại nhà báo và tuyên bố “quyết tâm tìm ra tất cả sự thật”.
Nhóm pháp y Thổ Nhĩ Kỳ khám xét lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul hôm 15/10. Ảnh: AFP.
|
Hiện chưa có thông tin chính xác về phương thức nhà báo bị giết. Dẫu vậy, hôm 31/10, công tố viên Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố ông Khashoggi bị siết cổ ngay khi bước vào lãnh sự quán và xác bị phân thành nhiều mảnh “theo kế hoạch định trước”.
Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ trước đó dẫn nhiều nguồn cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đang có băng ghi âm chứng minh ông Khashoggi bị tra tấn trước khi sát hại.
Về phía Saudi Arabia, nước này nhiều lần thay đổi cách lý giải vụ việc. Ban đầu, họ nói ông Khashoggi đã rời lãnh sự quán, nhưng sau đó thừa nhận ông bị giết, khẳng định vụ sát hại được lên kế hoạch và do “nhóm sát thủ” tiến hành.
18 nghi phạm đã bị Saudi Arabia bắt. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ muốn nước này trao trả các nghi phạm để xét xử tại Thổ Nhĩ Kỳ. Tuần trước, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã trao đổi với Vua Salman. Hai bên nhất trí tiếp tục phối hợp điều tra.
Cảnh sát thu thập bằng chứng tại lãnh sự quán Saudi Arabia. Ảnh: AFP. |
Tuy vậy, Saudi Arabia đang phải đối mặt với làn sóng phẫn nộ từ cộng đồng quốc tế, khiến quan hệ giữa Saudi Arabia và nhiều nước căng thẳng.
Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt nhận định vụ sát hại ông Khashoggi là hành vi kinh hoàng. Hôm 31/10, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian gọi đây là “tội ác” và “ghê tởm”. Ông khẳng định Pháp “không phụ thuộc vào quan hệ kinh tế với Saudi Arabia” và có thể sẽ áp đặt lệnh trừng phạt.
Trong lúc đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết không “hài lòng” với lời giải thích của Saudi Arabia. Tuy nhiên, ông cũng nói không muốn từ bỏ các thỏa thuận mua bán vũ khí với nước này.
Thu hồi visa là một trong những hành động trừng phạt đầu tiên của Mỹ đối với quốc gia Trung Đông. Dẫu vậy, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho hay “sẽ còn nhiều tuần nữa” trước khi Mỹ có đủ thông tin để quyết định áp trừng phạt với các cá nhân dính líu tới vụ sát hại.