Theo số liệu thống kê chính thức, số vụ phạm tội của những người ở độ tuổi 65 trở lên ở Hàn Quốc đã tăng 45% trong vòng 5 năm qua. Những hành vi phạm tội nghiêm trọng như cưỡng hiếp, giết người, phóng hỏa hay trộm cắp đã tăng 70%, từ khoảng 1.000 vụ vào năm 2013 lên tới 1.800 vụ vào năm 2017.
Vào tháng 11, một người đàn ông ở tuổi thất thập đã bị bắt vì cáo buộc hành hung người đưa thư. Lý do ông này đưa ra là vì bưu kiện đến trễ. Khi cảnh sát có mặt, họ phát hiện người đàn ông này quên rằng chính mình đã nhận bưu kiện 2 ngày trước đó.
Vào tháng 8, một người khác cũng ở độ tuổi 70 đã giết công chức nhà nước và làm bị thương một hàng xóm do tranh cãi liên quan đến sử dụng nguồn nước. Trước đó vào tháng 4, một phụ nữ 69 tuổi bị cáo buộc đã đổ thuốc trừ sâu vào nồi lẩu cá chuẩn bị được phục vụ ở một lễ hội làng.
Làn sóng tội phạm tóc bạc
Hơn 14% dân số Hàn Quốc nhiều hơn 65 tuổi, khiến quốc gia này trở thành một "xã hội già" theo định nghĩa của Liên Hợp Quốc.
Mặc dù tuổi thọ của nhóm này đang được cải thiện, rất nhiều người trong số họ không thể tự nuôi sống bản thân khi già đi. Khoảng 60% số người già ở Hàn Quốc không đủ điều kiện tham gia vào chương trình trợ cấp quốc gia. Hệ thống này phải tới tận năm 1988 mới được giới thiệu và đến cuối những năm 1990 mới trở thành bắt buộc. Theo thống kê, trong năm 2017 có khoảng một nửa số người già ở Hàn Quốc sống ở mức tương đối nghèo khổ.
Nhân viên nhà tù áp giải một phạm nhân cao tuổi tại nhà tù Nambu, Seoul. Ảnh: CNN. |
Giáo sư kiêm nhà nghiên cứu tội phạm tại đại học Dongguk ở Seoul, ông Cho Youn Oh cho rằng: "Không có công việc nào để người già có thể đóng góp cho xã hội, họ cảm thấy bị xa rời và điều này có thể dẫn đến xu hướng ác cảm với những người khác, sự trầm cảm và hành vi không thân thiện".
"Việc cảm thấy bị cô lập và không có gì để mất khiến họ mất kiểm soát và hành xử thiếu thận trọng. Những người có sự kết nối với xã hội thông qua mối quan hệ gia đình và ở nơi làm việc có xu hướng tự kiểm soát tốt hơn, điều đó có thể ngăn họ khỏi các hành vi phạm tội".
Tù nhân cao tuổi
Thậm chí hệ thống nhà tù Hàn Quốc cũng đang phải chật vật để đối phó tình trạng này. Những tù nhân cao tuổi thường mang theo một loạt vấn đề sức khỏe, từ mất trí nhớ, ung thư đến các vấn đề về thận, và phải được cách ly khỏi những người tù khác.
Phó giám đốc nhà tù Nambu ở Seoul, ông Lee Yun Hwi nhận định: "Họ không chỉ yếu hơn về mặt thể chất so với các tù nhân trẻ tuổi, khi người già bị giam cùng người trẻ, khả năng xảy ra tranh cãi cũng lớn hơn vì khoảng cách thế hệ và khác biệt văn hóa".
Tại khu số 2 của nhà tù Nambu, nơi giam giữ những phạm nhân lớn tuổi, phóng viên CNN nhìn thấy những chiếc xe lăn, cân sức khỏe và một thiết bị đo huyết áp được đặt ở khu vực sinh hoạt chung.
Một ngày thứ ba bình thường ở khu số 2 bắt đầu vào lúc 9h, với những bản nhạc hết sức vui nhộn được phát với âm lượng lớn trên hệ thống loa. Khoảng 30 phạm nhân cao tuổi mặc quần áo xanh và giày trắng di chuyển đến nhà thể chất để tham dự lớp aerobic.
Giáo viên aerobic hướng dẫn những phạm nhân cao tuổi tập thể chất tại nhà tù Nambu, Seoul. Ảnh: CNN. |
Ca khúc có tựa đề "Tuổi già thì làm sao" vang lên và giáo viên aerobic bắt đầu hướng dẫn các phạm nhân di chuyển sang hai bên, duỗi chân và thực hiện động tác đá. Tất cả đều diễn ra như một bộ phim quay chậm, nhưng với nhiều phạm nhân, những người dành phần lớn thời gian trong phòng giam nhỏ hẹp, đây là một phần rất quan trọng trong ngày.
Ông Park, một phạm nhân 71 tuổi cho biết: "Tôi nghĩ việc này sẽ tốt cho trí nhớ, và tôi cũng cho rằng nó giúp hàn gắn cảm xúc". Người đàn ông này đến nhà tù Nambu từ 2 năm trước và cho rằng tỷ lệ phạm tội gia tăng của người cao tuổi đến từ nguyên nhân thiếu việc làm và thiếu sự hỗ trợ cho người già.
"Tỷ lệ phạm tội gia tăng khi người ta không có tiền", ông Park nói.
Một phạm nhân khác, ông Noh, 70 tuổi, mong rằng xã hội Hàn Quốc thể hiện sự chăm sóc tốt hơn với những người già.
Ông Noh sinh ra vào thập kỷ 1940 khi sự hỗn loạn và bất ổn bao trùm bán đảo Triều Tiên, vùng đất này mới được giải phóng khỏi phát xít Nhật nhưng ngay lập tức rơi vào một cuộc nội chiến, khiến hàng triệu gia đình bị chia cắt và hàng trăm nghìn người trở thành mồ côi.
Ông Noh cho rằng thế hệ của mình đã phải trải qua một trong những thời kỳ khó khăn nhất trong lịch sử Hàn Quốc, nhưng vẫn bị bỏ rơi bởi xã hội.
Tìm kiếm giải pháp
Việc tái hòa nhập cộng đồng trở thành một vấn đề nan giải với rất nhiều phạm nhân. Khoảng 30% số người già sau khi ra tù tiếp tục có hành vi phạm tội, cao hơn so với con số trung bình 20%.
Khu số 2 nhà tù Nambu được phóng viên CNN miêu tả là giống một bệnh viện hơn là một trung tâm giam giữ, với xe lăn và các thiết bị y tế được đặt ở hành lang. Ảnh: CNN. |
Ông Cho, nhà nghiên cứu tội phạm, cho rằng một mạng lưới hỗ trợ xã hội có thể tạo ra sự khác biệt trong việc ngăn chặn các hành vi phạm tội tái diễn. Với việc Hàn Quốc đang trên đường gia nhập Nhật Bản để trở thành "xã hội siêu già" vào đầu năm 2025, ông Cho nhận định công chúng phải thấu hiểu tình trạng khó khăn hiện tại của những người cao tuổi, qua đó các chính sách hỗ trợ sẽ nhận được sự ủng hộ rộng rãi hơn.
Đến lúc này, đối với một số phạm nhân thì nhà tù trở thành nơi an toàn nhất cho họ. Khi nhiều người tù cao tuổi được thả, họ không có nơi nào để đi hay ngủ và không có tiền để ăn, theo lời ông Noh.
Ông Noh cho rằng mình vẫn còn may mắn vì có vợ con ở bên ngoài để hỗ trợ, người đàn ông này cho biết: "những tù nhân đã bị giam giữ 10 đến 15 năm cảm thấy sợ hãi khi được thả, bởi vì họ không có nơi nào để đi".