TS Trần Công Trục là nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, từng có thâm niên công tác trong các vấn đề liên quan chủ quyền, biên giới, biển đảo.
Những tác phẩm ông viết về đề tài này đều có giá trị khoa học, góp phần phục vụ cuộc đấu tranh bảo vệ các quyền hợp pháp của Việt Nam. Trang viết của ông không né tránh sự thật mà luôn đi thẳng vào vấn đề.
Lãnh thổ Việt Nam: Lịch sử & pháp lý được TS Trần Công Trục biên soạn dựa trên vốn kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn suốt nhiều năm trong nghề. Cuốn sách truyền đạt thêm thông tin, hiểu biết thiết thực cho bạn đọc, đồng thời là hồi chuông đến thế hệ trẻ đang gánh vác sứ mệnh đấu tranh, gìn giữ sự toàn vẹn của lãnh thổ ngày nay.
Sách Lãnh thổ Việt Nam: Lịch sử & pháp lý do Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông ấn hành. Ảnh: Minh Trang. |
Gắn bó với biển, đảo quê hương
Ở tuổi “xưa nay hiếm”, TS Trần Công Trục vẫn miệt mài nghiên cứu với tư cách một chuyên gia độc lập, tiếp tục lên tiếng, đóng góp ý kiến của mình vào công cuộc gìn giữ từng tấc đất, biển đảo của dân tộc.
Ông sinh ra ở vùng cửa sông Nhật Lệ “gió Lào cát trắng”, tỉnh Quảng Bình. Từ thuở nhỏ, ông đã có nhiều kỷ niệm với sông, biển quê hương. Sau này, những kỷ niệm ấy chuyển hóa thành tình yêu, khiến ông luôn nặng lòng với biên giới, biển đảo.
Trong lời tựa sách, tác giả viết: “Biển, đảo quê hương luôn gắn bó với máu thịt của tôi. Tiếng sóng biển gầm thét dữ dội đã trở thành khúc ca bi hùng, bất hủ ngân mãi trong tim tôi kể từ khi cất tiếng khóc chào đời và đó còn là một lời hiệu triệu thiêng liêng của núi sông bờ cõi mà tôi khắc cốt ghi lòng để sống và hành động xứng đáng là con dân đất Việt”.
Cuốn sách đem đến cho độc giả những thông tin về sự phân chia, hiện trạng biên giới lãnh thổ đất liền, cũng như trên biển của nước ta qua ba chương: Lãnh thổ Việt Nam trên đất liền; lãnh thổ Việt Nam trên biển và bất đồng, tranh chấp trên Biển Đông.
Ngay từ phần mở đầu, tác giả nêu một số khái niệm về lãnh thổ, biên giới, quá trình hình thành và những nguyên tắc xác định biên giới quốc gia cũng như phương thức, quy trình giải quyết tranh chấp đất liền giữa các nước láng giềng.
TS Trần Công Trục. Ảnh: Hồng Duy. |
Biển Đông là dòng máu “nóng” chảy mãi
Để hoàn thiện cuốn sách, tác giả Trần Công Trục đã tìm tòi, suy nghĩ để cho ra đời một tác phẩm vừa có giá trị khoa học, vừa mang tính thiết thực. Với ông, Biển Đông là dòng máu “nóng” chảy mãi.
Ông cho rằng khi xử lý những tranh chấp về lãnh thổ, hai bên phải thực hiện trên tinh thần cầu thị, hợp tác để cùng nhau khảo sát thực địa, tìm ra giải pháp thực tế nhất. Pháp lý cũng là một kênh nên áp dụng song song với hoạt động đàm phán. Mặt khác, cũng phải lưu ý đến phương diện kinh tế của hai quốc gia có tranh chấp.
“Hiện nay, chúng ta phải đấu tranh trên các phương diện pháp lý, kinh tế; tuyên truyền lịch sử, văn hóa, khoa học kỹ thuật; đòi hỏi chúng ta phải tập trung nguồn lực trí tuệ, kiến thức, thông tin, nhận định rõ ràng và sáng suốt của cộng đồng người Việt Nam trong và ngoài nước, tập hợp sức mạnh cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đất nước”, tác giả viết.
Khi xử lý những tranh chấp về lãnh thổ, hai bên phải thực hiện trên tinh thần cầu thị, hợp tác để cùng nhau khảo sát thực địa, tìm ra giải pháp thực tế nhất.
TS Trần Công Trục
TS Trần Công Trục nhấn mạnh: “Muốn tránh chiến tranh, chúng ta phải tránh bằng trí tuệ, hiểu biết và ứng xử khéo léo chứ không phải nhân nhượng vô nguyên tắc hay chạy đua vũ trang, kích động hận thù”.
Theo đó, điều đáng sợ nhất trong các cuộc tranh chấp chính là sự thiếu hiểu biết, nhận thức và đánh giá sai lầm. Bởi vậy, để bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, cần bắt đầu từ việc thay đổi nhận thức và đánh giá đúng đắn của mỗi người dân.
Bên cạnh đó, những trang sách của TS Trần Công Trục còn hướng tới những phân tích về mặt lịch sử, pháp lý và tranh chấp trên Biển Đông, nhằm cung cấp tới người đọc hiểu biết cơ bản về tình hình lãnh thổ Việt Nam từ quá khứ tới hiện tại. Qua đó, mỗi người sẽ có thêm ý thức trong việc đấu tranh, bảo vệ chủ quyền.
TS Trần Công Trục (1943, Quảng Bình) là người đầu tiên ở châu Á dịch Công ước Luật Biển 1982 của Liên Hợp Quốc - UNCLOS 1982.
Ông từng là Phó trưởng đoàn đàm phán cấp Chính phủ về Biên giới với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, đồng thời là Trưởng nhóm chuyên viên về biên giới đất liền, vịnh Bắc Bộ, các vấn đề trên biển; Trưởng đoàn đàm phán cấp Chính phủ về biên giới với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào; Trưởng đoàn đàm phán cấp Chính phủ về biên giới với Vương quốc Campuchia.
Một số đầu sách ông là chủ biên hoặc tham gia biên soạn, thẩm định, hiệu đính như: Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông (2012); Kỷ yếu Hoàng Sa (2013); 100 câu hỏi đáp về biển, đảo dành cho tuổi trẻ Việt Nam (2014); Hỏi - đáp về Luật Biển Việt Nam và Luật Biển quốc tế (2014); Sự kiện Giàn khoan 981 và tham vọng của Trung Quốc độc chiếm Biển Đông (2015)...
Ngoài ra, ông còn có hàng nghìn bài báo, công trình nghiên cứu đăng trên các tạp chí và các trang báo về biên giới, biển đảo. Trong số đó, một số công trình đoạt Giải thưởng Giải Báo chí quốc gia.