Năm 1962, Sơn “lều chõng” vào Quy Nhơn, học nghề “gõ đầu trẻ”.
Quy Nhơn là một thành phố biển đầy nắng và cát, cùng với vài dãy phố lèo tèo, mà Sơn thường khoe với mấy bạn bè ở Huế rằng mình vừa đến một nơi “chó ăn đá, gà ăn muối”. Thực ra, đây là một thành phố biển vô cùng thơ mộng nếu được xây dựng một cách đàng hoàng.
Lúc bấy giờ, có hai vị trí để phơi trần phận người ở Trịnh Công Sơn như một vật bị ném vào hoàn cảnh: Đấy là căn gác trọ đìu hiu của anh và biển cả mênh mông hàng ngày vẫn mở ra trước mắt, muôn đời khiến người ta cần đến một “tâm hồn chị em” để cùng nhau chia sẻ nỗi cô đơn, “biển một bên và em một bên” như trong bài thơ của Trần Đăng Khoa bây giờ.
Giữa lúc ấy, Trịnh Công Sơn may mắn gặp được B.Kh., người con gái nhỏ nhắn dễ thương của xứ biển Nha Trang cùng vào Sư phạm Quy Nhơn. Và sự đồng cảm giữa hai người trước biển đã đem lại một tình khúc đẹp tuyệt vời của Trịnh Công Sơn, có lẽ là một tình khúc hiếm có đã để lại một nỗi âu yếm muôn vàn cho những người yêu nhau về sau. Đó là bài hát Biển nhớ, mà Đinh Cường đưa vào một bức tranh với biển và giai nhân hòa nhập vào nhau trong một màu xanh mênh mông, đối diện với một con dã tràng màu đỏ.
Chính phố biển Quy Nhơn đã phân định rõ hai nội dung trong âm nhạc của Trịnh Công Sơn: Đằng này là nỗi cô đơn của phận người, và đằng khác là những tình khúc. Cho đến ngày cuối của cuộc đời, Trịnh Công Sơn vẫn trung thành với hai chủ đề ấy.
Dĩ nhiên thôi, vì thân phận và tình yêu là những chủ đề không bao giờ kết thúc. Thời kỳ học tập ở Sư phạm Quy Nhơn, ban đầu Trịnh Công Sơn sống chung cùng mấy người bạn đều là những người hoạt động âm nhạc nổi tiếng ở Huế, sau đó, anh tách ra một mình trong một căn gác hiu hắt buồn, với một chỗ nằm đơn chiếc, lộng gió, và cùng với một chiếc màn buông chùng luôn luôn đầy những bài hát đang viết, những cuốn sách đang đọc, và nhiều khi cả một cây guitar.
Thời kỳ này, Sơn sáng tác rất đều tay. Thường buổi tối ngồi uống cà phê với bạn bè, Sơn dùng những mảnh giấy của bao thuốc lá và một que diêm chấm vào mực viết nhạc lên đó, cũng giống như Bach với những bản thánh ca trong những quán cà phê vùng Leipzig, cứ như thế, những bài hát của Trịnh Công Sơn được viết ra dưới ánh đèn vàng, và tiếng sóng đập vào kè đá; Biển nhớ, Nhìn những mùa thu đi, Nắng thủy tinh, Dã tràng ca, Ông tiên vui, Ông mặt trời...
Đặc biệt nhất là bài Dã tràng ca, lúc đầu có tên là Trường ca dã tràng. Đây là lần đầu tiên, và là lần duy nhất anh viết trường ca, với tư tưởng chủ đạo rằng, con người tồn tại trong một không gian đầy bão tố và sóng biển dữ dội: “tôi dìu tôi đi giữa trời lên bão tố, dã tràng hai tay với tháng năm chờ”.
Và may ra tình yêu còn đem lại cho anh một chỗ ẩn náu cuối cùng giữa cuộc đời: “Còn gì đâu còn gì đâu mà không thương nhau”. Trường ca dã tràng được các bạn nam nữ sinh viên dàn dựng thành một màn đồng ca hoành tráng trong lễ ra mắt của trường sư phạm, và sau đó được tác giả tái hiện trong những ca khúc nhỏ lẻ, ví dụ như các đoản khúc số 8 và số 11 đều được nhắc lại trong ca khúc Gọi tên bốn mùa sau này, vốn là một nét yêu thích đặc trưng của Trịnh Công Sơn.
Dù sao, hai khuynh hướng lớn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã được phác thảo trong bản trường ca ấy, mà Trịnh Công Sơn sẽ theo đuổi suốt đời.
Nhạc sĩ Văn Bình, bạn cùng học với Trịnh Công Sơn ở Trường Sư phạm Quy Nhơn có nhận xét: “Trường ca Tiếng hát dã tràng là kho lưu trữ ta thường bắt gặp lại trong dòng ca khúc của Trịnh Công Sơn sau này ví như Lời buồn thánh, Đóa hoa vô thường”.
Hình ảnh nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sử dụng trên bìa cuốn Trịnh Công Sơn và cây đàn lyre của hoàng tử bé. |
Năm 1964, Trịnh Công Sơn tốt nghiệp Sư phạm Quy Nhơn và được bổ nhiệm lên dạy học ở Trường sơ học Bảo An, ở B’lao tỉnh Lâm Đồng. Trường này chỉ gồm ba lớp, mỗi lớp chừng vài chục em, hầu hết là con em dân tộc ít người ở địa phương.
Trường ở gần một ngôi nhà thờ, mà ngày nào Sơn cũng nghe vang lên điệu chuông báo tử, chiêu hồn cho những người lính chết trận, mỗi lần đi đến trường, Sơn còn phải đi qua một nghĩa địa đầy những cánh quạ đen chực ăn xác chết. Chính hình ảnh những con quạ đen xúm xít ở nghĩa địa, tiếng chuông báo tử của ngôi giáo đường, và tiếng “con chim chiến tranh” ảm đạm trong những đêm sương ở B’lao đã đánh thức trong tâm hồn anh tình cảm chống chiến tranh trong hàng loạt những bài hát nổi tiếng đương thời.
Có lần, một người bạn cùng phòng của Sơn bị tử nạn về mìn, xe đưa tang lại cán phải mìn lần thứ hai. Trịnh Công Sơn rơi vào tâm trạng gần như hoảng hốt về sự tàn nhẫn của chiến tranh, đã viết bài Ngụ ngôn mùa đông. Lần khác, anh thấy tử thi một cô du kích nằm chết trên đá bên vệ đường, hai cánh tay trần buông thõng như vẫn cố níu lấy cuộc đời.
Nhưng cũng ở B’lao có một cô gái dáng e ấp đi qua trước cửa phòng anh để đi đến giáo đường, để lại hình bóng dịu dàng của cuộc đời trong nhạc phẩm Gọi tên bốn mùa. Những niềm vui như vậy cũng thật hiếm hoi đối với tâm hồn của một người trẻ tuổi đầy tài hoa, háo hức vào đời như Trịnh Công Sơn.
Chính trong những cơn say loáng thoáng niềm vô vọng, một mình thui thủi đi trên những triền dốc rừng núi, giống như số phận của Cao Bá Quát ở Sơn Tây những ngày lãnh chức giáo thọ phủ Quốc Oai, Trịnh Công Sơn thấu triệt hết trò chơi trắng trợn của định mệnh đã ném lên trán anh, và muốn dồn anh vào chân tường của sự cùng đường, và từ đó, tâm hồn anh dậy lên một cơn giận tràn hông chống lại cuộc chiến.
Thời kỳ dạy học ở B’lao, Trịnh Công Sơn đã cho ra đời hàng loạt tác phẩm mang tên Phúc âm buồn, Chiều một mình qua phố, Gia tài của mẹ, Người hát bài quê hương, Người già em bé, Người con gái Việt Nam da vàng. Có thể nói, những ngày sống ở B’lao đã đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc đời sáng tác của Trịnh Công Sơn, đẩy anh chìm sâu vào tận đáy máu lửa của lịch sử, để trở thành một nhạc sĩ phản chiến gắn liền với số phận của dân tộc.