Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tình ca là chỗ ẩn náu cuối cùng của Trịnh Công Sơn trong cuộc đời

Tình ca đã chiếm lĩnh gần như trọn vẹn sự nghiệp âm nhạc Trịnh Công Sơn. Ông trở thành nhạc sĩ không có tuổi viết tình ca cho nhiều thế hệ.

Tình ca đã chiếm lĩnh gần như trọn vẹn sự nghiệp âm nhạc Trịnh Công Sơn, và là, như tác giả đã nói trong bài Trường ca dã tràng, chỗ ẩn náu cuối cùng của anh trong cuộc đời.

Trong tình ca Trịnh Công Sơn, luôn luôn hiện ra hình bóng của những cô gái thùy mị dịu dàng, ý thức rằng hai bàn tay ngà ngọc của họ dùng để đỡ đầu cho niềm tuyệt vọng của linh hồn anh. Và những người con trai thì chí tình trong tình yêu, luôn quan tâm đến từng chút vui buồn, từng sợi tóc bay nơi người con gái yêu dấu.

Bao nhiêu tháng năm đã trôi qua dưới chân những cây cầu mà những người yêu nhau đã đi qua, và vào thời điểm nào cũng có một thế hệ mới của những thiếu nữ líu lo hát tình ca dưới bóng cây đàn lyre êm dịu của Trịnh Công Sơn; nói như thơ Nguyễn Trọng Tạo: “Nàng là con của Diễm xưa”. Trịnh Công Sơn trở thành nhạc sĩ không có tuổi viết tình ca cho bấy nhiêu thế hệ.

Được như vậy, trước hết rõ ràng là nhờ có sức chuyển tải mạnh mẽ của nhạc điệu. Theo lời chứng của Nguyễn Đắc Xuân khi viết về tiểu sử Trịnh Công Sơn, anh còn tìm gặp ông Phạm Trung Thành ở B’lao.

Ông Thành là người “được đào tạo để chơi violin trong ban nhạc lễ của nhà thờ Bảo Lộc”. Ông Thành có nói: “Ca khúc của Trịnh Công Sơn, ca từ hay mà nhạc cũng hay”. Ở đâu có sự chân thành và tính giản dị thì ở đó có âm nhạc đích thực.

Phải thừa nhận rằng, nhạc điệu của Trịnh Công Sơn không có những biến tấu phức tạp, nhưng cực kỳ chân thành và giản dị, dễ đến với mọi người. Những bài hát như Diễm xưa, Hạ trắng, Biển nhớ, Huyền thoại mẹ... đã chứng tỏ phong cách riêng của Trịnh Công Sơn.

Nếu chỉ cần một bài để đại diện cho tất cả sự nghiệp âm nhạc của mình, thì Phạm Duy có Tình ca, Văn Cao có Thiên thai; và Trịnh Công Sơn không có bài nào như thế cả. Nhưng Trịnh Công Sơn có đến 600 ca khúc, tất cả đều hay và không lặp lại nhau, tất cả làm thành một khối ngọc liên thành.

Tinh ca Trinh Cong Son anh 1

Tranh họa sĩ Đinh Cường in trong sách. Nguồn: NXB Trẻ.

Cái giá trị biệt lập của âm nhạc Trịnh Công Sơn được minh chứng sau đây qua tiếng nói của Frank Gerke, một giảng viên Đại học Bonn (CHLB Đức): “Người bạn này rất thích nhạc Trịnh Công Sơn và đã tặng cho tôi một băng cassette mang tên Sơn Ca 7. Tôi mở lên và lần đầu tiên nghe được nhạc Trịnh Công Sơn qua giọng hát Khánh Ly. Tôi mê ngay mặc dù không hiểu ý gì cả”.

Nhưng chính ca từ của Trịnh Công Sơn mới khiến người ta lạ lùng, và dành cho Trịnh Công Sơn một vị trí đặc biệt trong nền âm nhạc Việt Nam, một vị trí dành cho nhà thơ, giữa những nhà thơ hàng đầu của Việt Nam thời tiền chiến, cả bây giờ cũng thế.

Ca từ của Trịnh Công Sơn chính là vấn đề khiến cho ai nấy đều băn khoăn tự hỏi không biết nguồn thơ của Trịnh Công Sơn kiếm từ đâu ra ngoài thần cảm bí ẩn của những con người thời nhà Đường.

Ca từ của Trịnh Công Sơn ướt đẫm chất thơ, đến độ nhà thơ kiêm nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo đòi bóc phần nhạc để giới thiệu phần ca từ của từng bài như những bài thơ độc lập.

Đành rằng trong ca từ, có một vài chỗ Trịnh Công Sơn cũng sử dụng mỹ từ pháp như một biện pháp tu từ học, đặc biệt là gán cho những hư từ một ý nghĩa dễ hiểu đối với mọi người ví dụ:

"Tôi nghĩ quanh đây hồ như"

(Đêm thấy ta là thác đổ)

Tôi xin phép mở một ngoặc đơn ở đây. Câu hát này cũng làm ta nhớ đến một câu thơ Kiều của Nguyễn Du: “Mai sau dù có bao giờ”.

Hai chữ đầu ghép thành một bất định từ, chỉ tương lai, bốn chữ sau ghép thành một bất định từ khác, cũng chỉ một thời gian heo hút. Đây quả là một câu thơ tuyệt diệu của Nguyễn Du, đến hai thế kỷ sau mới xuất hiện trở lại trong nhạc Trịnh Công Sơn. Tôi đóng ngoặc.

Trong bài Nguyệt ca, cũng với thi pháp tương tự, dù không dùng hư từ, nhưng tác giả bỏ lửng câu nói, khiến cho ca từ chợt trở nên bâng khuâng:

"Từ khi em là nguyệt, cho tôi bóng mát thật là".

(Nguyệt ca)

Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng mỹ từ pháp các loại không phải là một hiện tượng nổi bật trong ca từ Trịnh Công Sơn, giống như phong cách ăn mặc của anh, vốn không thích sự diêm dúa.

Tưởng chừng như Trịnh Công Sơn thiếu dụng công để sử dụng mỹ từ pháp. Thật ra, vẻ “bình thường” của ca từ Trịnh Công Sơn chính là tuyệt chiêu của một tay bút lão luyện.

Trong từ ngữ của truyện võ lâm hiện đại, người ta thường dùng hình tượng “kiếm nhập thân”. Khi kiếm pháp đạt đến trình độ thượng thừa thì dù anh cầm một hòn sỏi trong tay ném ra, lập tức hòn sỏi có tác dụng như một đường kiếm, ấy là “kiếm nhập thân”. Với Trịnh Công Sơn, có thể gọi là “nhạc nhập thân”.

Hoàng Phủ Ngọc Tường / NXB Trẻ

SÁCH HAY