Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

‘Người trẻ đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông'

Chiều 23/4, trong khuôn khổ Hội sách trực tuyến quốc gia 2020, PGS.TS Trần Công Trục đã có buổi giao lưu, chia sẻ về vấn đề chủ quyền Biển Đông.

Trong buổi tọa đàm, TS Trần Công Trục đã nhấn mạnh vai trò của ngành xuất bản và báo chí trong việc tuyên truyền vai trò của Biển Đông đến với nhân dân, giúp mọi người nâng cao hiểu biết và ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo.

TS Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, là người đầu tiên ở châu Á dịch Công ước Luật Biển 1982 của Liên Hợp Quốc - UNCLOS 1982. Ông đã xuất bản nhiều cuốn sách, tài liệu liên quan đến chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông. Trong đó có những cuốn đáng chú ý như: Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông, 100 câu hỏi về Biển Đông, Kỷ yếu Hoàng Sa…

Người trẻ cần đấu tranh khoa học, hiểu biết

Trong buổi giao lưu, TS Trần Công Trục đã phân tích một số vấn đề cơ bản cho thấy sự căng thẳng của tình hình Biển Đông trong thời điểm hiện tại.

Ông khẳng định căng thẳng của Biển Đông không chỉ nằm ở âm mưu của Trung Quốc, mà còn là sự tranh chấp của nhiều quốc gia.

Van de Bien Dong anh 1

TS Trần Công Trục.

“Theo quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, Luật Biển Việt Nam năm 2012, vùng biển nước ta được quy định thành 5 vùng: Nội thủy nằm bên trong đường cơ sở; lãnh hải có chiều rộng 12 hải lý; vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa có chiều rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở; riêng thềm lục địa có thể kéo dài ra tới 350 hải lý”.

Từ đó, ông khẳng định việc Việt Nam đấu tranh về hành động vi phạm của Trung Quốc hoàn toàn có cơ sở pháp lý, phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển - UNCLOS 1982, với Luật biển Việt Nam và với phán quyết của tòa trọng tài năm 2016 khi Philippines kiện Trung Quốc giải thích và áp dụng sai UNCLOS 1982, phủ nhận yêu sách "đường lưỡi bò" của Bắc Kinh.

Khi nhấn mạnh những kiến thức quan trọng trên, TS Trần Công Trục cũng chia sẻ ông trông cậy vào thế hệ trẻ của Việt Nam trong công cuộc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.

Bằng kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu của mình, ông nhắn nhủ: “Những người trẻ cần tìm hiểu kiến thức cẩn trọng để có được hiểu biết chính xác xung quanh vấn đề lãnh thổ quốc gia, từ đó xây dựng phương án thích hợp, khách quan và khoa học. Các bạn trẻ đừng chỉ hiểu biết một cách đại khái, qua loa rồi hành động tự phát, gây hoang mang, chia rẽ trong xã hội”.

Ông đề nghị người trẻ theo dõi một cách chặt chẽ và luôn cảnh giác với những chính sách của Trung Quốc trong tình hình hiện tại. Để làm được việc ấy, TS Trần Công Trục đã nhấn mạnh vai trò của các NXB cũng như các phương tiện truyền thông báo chí.

Xuất bản và báo chí đóng vai trò quan trọng

Trong buổi tọa đàm, TS Trần Công Trục khẳng định mỗi chúng ta muốn bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông thì cần phải có nguồn tri thức mạnh mẽ, khoa học. Xuất bản chính là một trong các kênh quan trọng giúp cho mỗi người có khả năng tiếp cận, bồi dưỡng tri thức, hiểu biết đúng đắn và chính xác.

Van de Bien Dong anh 2

Sách Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông của TS Trần Công Trục cung cấp nhiều kiến thức quan trọng xoay quanh vấn đề chủ quyền Biển Đông.

Trong khi xuất bản đem lại nguồn tri thức, hiểu biết thì báo chí là kênh truyền thông hiệu quả, giúp mọi người có khả năng tiếp cận thông tin chính xác, nhanh chóng, tiện lợi nhất.

Báo chí đồng thời là kênh tuyên truyền giúp nâng cao tình yêu đất nước, giúp lan tỏa lòng yêu nước đến với đông đảo người dân mọi miền.

Sách, báo cũng chính là vũ khí đấu tranh cần thiết trong quá trình bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.

“Cần phải đầu tư kinh phí cho các học giả, chuyên gia để xuất bản thêm nhiều cuốn sách có sức thuyết phục về chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông. Đồng thời, có thể tạo điều kiện để dịch và phát hành các ấn bản của chúng ta ra nước ngoài, giúp thế giới tiếp cận với kiến thức đúng đắn về chủ quyền biển đảo của Việt Nam”, TS Trần Công Trục nói.

Ông cho rằng đây là những phương án thực tiễn hợp lý, cần phát triển trong thời điểm hiện tại để có thể đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông của Việt Nam.

Hội sách trực tuyến quốc gia đầu tiên khai mạc vào ngày 19/4, kéo dài tới giữa tháng 5, với chủ đề “Đọc sách, nâng cao trí tuệ, vượt qua nỗi lo dịch bệnh”.

Đây là hội chợ sách trực tuyến quốc gia đầu tiên do Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông quyết định, Cục Xuất bản, In và Phát hành (Cục Xuất bản), NXB Thông tin & Truyền thông cùng sự hỗ trợ của một số đơn vị công nghệ.

Tất cả đơn vị tham gia đều có gian hàng riêng với đầy đủ công cụ hỗ trợ bán hàng và tương tác trực tuyến với khách, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao hình ảnh quảng bá thương hiệu và hỗ trợ phát triển kinh doanh trong mùa dịch Covid-19.

Thủy Vũ

Bạn có thể quan tâm