Chỉ sau khi mở bán vài phút, website của Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đã thông báo hết vé trận Việt Nam - Philippines vào ngày 6/12 tới. Hầu hết khách hàng đều cho rằng không thể truy cập được vào trang đặt vé này, trong khi lượng người thông báo mua được rất ít ỏi.
'Phần mềm tệ nhất'
Ông Đỗ Cao Bảo, Phó tổng giám đốc FPT, chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực CNTT, đánh giá sau trải nghiệm mua vé VFF rằng đây là "phần mềm tệ nhất trong tất cả phần mềm đã sử dụng 34 năm qua".
"Đến sinh viên năm 3 cũng không làm ra cái phần mềm tệ đến thế", ông nhận xét.
Ông Bảo đánh giá: người dùng đã "trải qua cuộc xếp hàng online vào hệ thống cũng gian khó như xếp hàng ở sân Mỹ Đình mua vé trực tiếp".
Hàng nghìn người hâm mộ tập trung bên ngoài hàng rào sân vận động quốc gia Mỹ Đình để chờ đến giờ được mua vé. |
Ông cho biết đã không dưới 20 lần trải qua bước kiểm tra xem người hay robot với ít nhất 50 lần trả lời ít nhất 50 lần trả lời câu hỏi xem cái ảnh ấy là gì (xe bus, xe đạp, đèn đường, cứu hoả... và bằng tiếng Anh.
Lọt vào vòng trong rồi, chọn được mệnh giá, chọn số vé mua, khai báo đủ các thứ, đến phần thanh toán, quay tít thò lò đến 3 phút sau trả lời không kết nối được với máy chủ. Đến khi làm lại thủ tục mua vé thì báo tên này, số điện thoại này, email này đã có người mua, và đề nghị email liên hệ...
Ông cho rằng trải nghiệm mua vé VFF là nỗi buồn cho giới phần mềm Việt Nam.
Người dùng đã "trải qua cuộc xếp hàng online vào hệ thống cũng gian khó như xếp hàng ở sân Mỹ Đình mua vé trực tiếp".
"Không thể đổ lỗi cho đường truyền", anh Nguyễn Phi, một kỹ sư công nghệ thông tin tại Hà Nội, nhận định.
Anh cho rằng băng thông của website quá yếu nên nhanh chóng gây ra hiện tượng nghẽn. Khi nghẽn, yêu cầu của người truy cập thường bị hỏng do đó không thể đặt vé.
Anh Phi lấy ví dụ trường hợp này giống như một cái cửa hẹp mà có quá nhiều người muốn đi qua, gây ra quá tải. Kỹ sư dự đoán có thể VFF đã đặt riêng 2 máy chủ (server), một để lưu trữ website và một để lưu cơ sở dữ liệu. Hơn nữa, băng thông yếu hoặc đã bị làm nhỏ lại nên kết nối với cơ sở dữ liệu đặt vé chậm hơn rất nhiều so với tốc độ tải website.
Thông báo mà người hâm mộ thường gặp trong khi mua vé sáng 28/11. |
“Có nhiều giả thiết được đưa ra như tránh DDOS để chiếm hữu băng thông và quyền ưu tiên đặt vé; tránh bị trùng lặp dữ liệu hoặc sự cố ghi nhận vé trong khi máy chủ bị quá tải. Tuy nhiên bên hệ thống vẫn báo về "vé đã hết hoặc đang chờ..." là do chương trình đã gộp chung lỗi không kết nối được máy chủ với thông báo kín vé. Do đó gây ra tình trạng "mới 5 phút đã bị hết vé", anh Phi nói.
Giải pháp được vị kỹ sư này được ra là VFF nên thuê các dịch vụ của các nhà cung cấp dữ liệu lớn trong ngắn hạn vì họ có thể xử lý được vấn đề băng thông. Thứ hai là nên đặt riêng máy chủ đối với mỗi dãy số ghế, mỗi khán đài hoặc dải series vé. Như vậy sẽ hạn chế được tình trạng quá tải.
Ai vận hành website bán vé cho VFF?
Hệ thống bán vé của VFF được vận hành bởi GMO-Z.com RUNSYSTEM. Công ty này thành lập năm 2005 (tiền thân là Công ty RUNSYSTEM) do ông Ngô Văn Tẩu, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc điều hành là người đại diện pháp luật. Đây là công ty hoạt động trong lĩnh vực gia công phần mềm cho thị trường Nhật Bản.
Trên website, doanh nghiệp này tự giới thiệu là công ty thuộc Tập đoàn GMO Internet Nhật Bản, tập đoàn gồm 89 công ty thành viên và có cổ phiếu niêm yết tại thị trường chứng khoán Tokyo.
Doanh nghiệp này đang đăng ký tên miền, web-hosting, chứng thư số (SSL)… tại Việt Nam thông qua 2 thương hiệu chính là Z.com và Tenten.vn.
Số lượng người thực sự mua được là bao nhiêu?
Đây vẫn là con số bí ẩn và gây ra nhiều hoài nghi cho người hâm mộ. Theo thông tin được VFF công bố, khoảng 25.000 vé dự kiến được bán qua kênh online trong trận Việt Nam - Philippines.
Thế nhưng, dù hệ thống treo hầu hết thời gian, chỉ sau vài phút, người dùng đã nhận được thông báo toàn bộ số vé đã bán hết.
Nhiều người hoài nghi lượng vé thực sự được bán ra. Khảo sát cho thấy hầu hết người dùng không thể truy cập vào website chứ chưa nói đến chuyện có thể đặt vé online.
Rất ít người mua vé thành công trận Việt Nam - Philippines. Ảnh: Hiếu Công. |
Kỹ sư công nghệ thông tin cho rằng VFF bán hết vé hay chưa thì chỉ có kỹ thuật vận hành website mới biết được. Có người đưa ra giả thiết khả năng VFF đã bán hết vé trận Việt Nam - Philippines và đóng server ngay từ đầu.
Trên một số mạng xã hội, nhiều người còn kêu gọi Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50), Bộ Công an, vào cuộc để thống kê truy xuất lại kết quả đặt vé thành công qua các website chính thức xem số lượng thực tế là bao nhiêu. Như vậy sẽ thấy VFF có thực sự làm việc minh bạch hay không, có phụ lòng người hâm mộ hay không.
Có hết tình trạng phe vé?
Tại trận đấu vòng bảng Việt Nam - Malaysia, lượng vé được VFF phân phối qua nhiều kênh như bán online, bán trực tiếp và thông qua đường công văn. Tuy nhiên, tình trạng phe vé diễn ra một cách lộng hành. Nhiều cặp vé được chào giá bán lại gấp 2-5 lần giá của ban tổ chức.
Với số lượng lớn vé bán ra bằng đường online lần này, nhiều người tỏ ra hoài nghi liệu VFF có thực sự giải quyết được tình trạng phe vé. Nhất là khi lượng bán vé thành công trong đợt mở bán sáng 28/11 có thực sự minh bạch, liệu có lượng vé nào tuồn vào tay của những người phe vé hay không.
Về lâu dài, một số người hâm mộ đề xuất VFF nên để cho nhiều đơn vị bán vé thay vì chính mình bán trực tiếp như hiện nay, qua đó có thể tạo sự minh bạch và không sợ phe vé.
Theo đó, VFF chỉ cần yêu cầu giá trần của từng loại vé bán ra, có quy định cụ thể thủ tục, số lượng điều kiện người mua vé rồi “bán buôn” cho những đơn vị phân phối.
Các đơn vị phân phối sẽ làm nhiệm vụ bán vé theo đúng giá trần mà VFF quy định, từ đó tạo ra một thị trường minh bạch, cạnh tranh và độ phủ rộng.