Một nhà sưu tập tranh ở Hà Nội có tên H. L mua năm bức tranh từ nhà sưu tập Bảo Khánh. Từ một sự việc tình cờ, anh mới được biết cả 5 bức tranh trị giá hơn 200 triệu đồng là tranh giả, tranh mạo danh.
Trong đó, ba bức tranh ký tên Trần Lưu Hậu, Hoàng Hồng Cẩm, Phạm An Hải được xác định là tranh giả. Hai bức còn lại ký tên họa sĩ Phạm An Hải, nhưng thực chất là tranh của họa sĩ Nguyễn Rô Hùng.
Họa sĩ Nguyễn Rô Hùng khi biết chuyện đã khẳng định hai tác phẩm mạo danh Phạm An Hải kia chính là của mình. Anh còn đưa ra bức ảnh chụp tác phẩm tại xưởng của mình trước đó.
Một trong 2 bức tranh của Rô Hùng khi còn ở xưởng, sau này bị xóa chữ ký, và mạo danh Phạm An Hải. |
Anh cho biết hai tác phẩm được vẽ vào tháng 10/2016. “Hai tác phẩm được bán cho anh Bảo Khánh, có chữ ký của tôi hẳn hoi, giờ lại thấy có người đăng lên và có chữ ký của họa sĩ Phạm An Hải”.
Họa sĩ Rô Hùng cho biết anh bán tranh cho ông Bảo Khánh qua một người bạn giới thiệu. Ông Bảo Khánh tới mua tranh rất nhanh, cuộc giao dịch trong vòng vài phút. Vì tin nhau là chính nên họ không làm hợp đồng, chứng nhận mua bán tranh.
Họa sĩ Nguyễn Rô Hùng bảo, anh rất bức xúc khi tranh của mình bị xóa chữ ký để đề tên người khác, nhưng đang lo làm triển lãm cá nhân nên không muốn bị ảnh hưởng bởi các việc khác. Trước tiên, Rô Hùng đưa thông tin về tranh giả, mạo danh ra để mọi người cùng biết mà tránh.
“Rất may là tôi mới chỉ bán hai tranh cho ông Bảo Khánh. Nhưng đằng sau hai bức tranh của tôi là câu chuyện gì? Liệu có những trường hợp nào tương tự không? Tôi muốn mọi người cùng vào cuộc để tìm hiểu” – họa sĩ Rô Hùng nói.
Họa sĩ Phạm An Hải – người bị nặc danh trên tranh – tỏ ra tức giận. Anh bảo muốn vạch mặt người đã gán tên mình vào tranh của người khác.
Một bức tranh giả danh Phạm An Hải. |
Ông Bảo Khánh – người bán các bức tranh giả, nặc danh – cũng thừa nhận ba bức tranh đề tên Phạm An Hải đều là tranh mạo danh, tranh giả. Trao đổi với Zing.vn, ông Bảo Khánh khẳng định mua tranh của họa sĩ Nguyễn Rô Hùng qua một người bạn trung gian, chứ không mua trực tiếp từ họa sĩ.
“Tôi là người chơi tranh thôi, chứ không buôn bán gì. Người mua tranh là thằng cháu, chẳng qua là anh em chơi với nhau thì trao đổi” – ông Bảo Khánh phân trần.
Khi được hỏi sẽ xử lý thế nào khi xác định các bức tranh ông bán cho anh H. L là tranh giả, nhà sưu tập Bảo Khánh bảo sẽ thu hồi lại tranh, và trả lại tiền cho người mua. Ông Khánh tiết lộ, ba bức tranh giả danh Phạm An Hải có giá rẻ: “Khi bán, đã bảo anh ấy (người mua H. L - pv) rồi, đó là tranh trôi nổi, cộng cả ba bức lại là khoảng 20 triệu”.
Sự việc tranh Rô Hùng bị xóa chữ ký để mạo danh tranh Phạm An Hải không phải là trường hợp hy hữu của làng nghệ thuật. Vào năm 2016, một sự việc tương tự cũng xảy ra, khi họa sĩ Thành Chương phát hiện bức tranh của mình bị xóa chữ ký, rồi đề tên họa sĩ Tạ Tỵ. Họa sĩ Thành Chương lên tiếng mạnh mẽ, nhưng tới nay sự việc vẫn chưa được giải quyết. Các vụ việc cho thấy sự ngang nhiên trong hoạt động làm giả và buôn bán tranh giả ở nước ta.