Sáng 8/6, Thường trực Ủy ban nhân dân TP.HCM và Trưởng ban tiếp công dân Trung ương sẽ có buổi làm việc với 31 hộ dân Thủ Thiêm về việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm (KĐTMTT), quận 2.
Ông Huỳnh Cách Mạng, Phó chủ tịch UBND TP.HCM và ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng ban tiếp dân Trung ương, sẽ chủ trì buổi gặp mặt này tại Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị quận 2, nơi mà gần 1 tháng trước, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã gặp các cử tri địa phương này.
Những người dân mang theo hồ sơ pháp lý, bức xúc, nước mắt đè nén nhiều năm tới buổi tiếp xúc cử tri hôm 9/5. Ảnh: Tùng Tin. |
Trước đó, chiều 9/5, người dân Thủ Thiêm đã có buổi tiếp xúc với Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, gồm ông Phan Nguyễn Như Khuê, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Trịnh Ngọc Thúy.
Một số người mang theo bản đồ quy hoạch 1/2.000 của khu đô thị mới Thủ Thiêm trưng trước hội trường. Nhiều vấn đề bức xúc được người dân đưa ra: Chính sách đền bù không thỏa đáng, đất không nằm trong ranh quy hoạch vẫn bị thu hồi,...
Cơ sở pháp lý nào thu hồi đất của dân?
Đây là câu hỏi được đặt ra nhiều nhất tại cuộc gặp chiều 9/5, bởi những người dân Thủ Thiêm, cũng là vấn đề họ đã yêu cầu được làm rõ trong nhiều năm qua.
Theo đó, nguyên nhân khiếu nại của hơn 60 hộ dân liên quan đến khu đô thị mới Thủ Thiêm đều vì họ cho rằng đất của họ không thuộc diện tích dự án, nhưng vẫn bị thu hồi. Nhiều gia đình có nhà, đất bị cưỡng chế mà không nhận được quyết định nào.
"Bà Quyết Tâm ơi, tôi khổ quá rồi", gương mặt nhăn nheo bà Nguyễn Thị Dung (phường Bình An) nhớ lại nhà bà 88,9 m2, có sổ đỏ, nằm ngoài ranh quy hoạch, bị cưỡng chế lúc 8h sáng 1-3-2012.
"Tôi chưa từng nhận được quyết định thu hồi đất, chưa từng nhận đồng bồi thường nào. Từ một người có nhà, có đất, có công việc kinh doanh, cuối đời, tôi trắng tay, hàng ngày phải đi ăn xin, ngửa tay mong được bố thí từng đồng. Tôi đã mất tất cả", Dung nói.
Theo lời bà Nguyễn Thị Dung (phường Bình An), từ một người có nhà, có đất, có công việc kinh doanh, giờ đây bà trắng tay, phải đi ăn xin. Ảnh: Tùng Tin. |
Cử tri Lê Thị Hồng Vân (ngụ đường Lương Định Của, phường Bình Khánh) từng đi khiếu kiện 36 lần, từ trung ương đến địa phương về các vấn đề nhà đất. Theo bà Vân, căn nhà của bà không nằm trong quy hoạch, nhưng vẫn bị thu hồi và bà không nhận được quyết định thu hồi đất.
Bà Nguyễn Thị Tám (phường Bình Khánh) hỏi: Không có bản đồ, lấy căn cứ nào đập nhà tôi? Tôi đã nhiều lần hỏi vì sao đập nhà tôi dù không có quyết định thu hồi đất?
Nhiều năm trước, có những người dân ngơ ngác khi căn nhà của mình "bỗng" nằm gọn trong khu vực bị giải tỏa dù nằm ngoài ranh quy hoạch, rồi bị "bứng" đi gọn gàng. Bao năm qua, họ cần mẫn đi gõ cửa từng cánh cửa công quyền, nhưng câu hỏi này vẫn chưa ai trả lời: Dựa vào cái gì mà đập nhà tôi?
Chính sách đền bù không thỏa đáng
10 năm trước, bà Đoàn Ngọc Thủy (ngụ Khu phố 1, phường Bình An) được hứa hẹn bồi thường 330 triệu đồng cho mảnh đất 1.000 m2, thêm hỗ trợ tái định cư 170 triệu đồng. 10 năm sau, gia đình bà vẫn chưa nhận được số tiền này.
"Dù số tiền vào thời điểm này đã rớt giá quá nhiều, nhưng chúng tôi cũng không yêu cầu thêm vì nghĩ quyên đất cho thành phố phát triển. Vậy vì sao 10 năm qua vẫn chưa chuyển tiền, mà đất đã thu của chúng tôi từ lâu?", bà Thủy đặt câu hỏi.
Bà Nguyễn Ngọc Thanh (chủ căn hộ 134 Lương Định Của) cho hay gia đình gầy dựng được căn nhà có diện tích 59 m2 tốn gần 50 cây vàng, chỉ được đền bù 94 triệu đồng. Rồi bà được cho tái định cư nhưng phải đóng thêm 800 triệu mới được mua một căn chung cư tái định cư. "Thử hỏi như vậy có vô lý không?", bà Thanh nói.
Nhiều năm ôm bức xúc, bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết cho biết hơn 3.000 m2 đất của gia đình chỉ được đền bù 150.000 đồng/m2, bằng tiền mua ba tô phở. Cả nhà và tài sản gắn liền trên đất cũng được đền bù rẻ mạt.
Thanh tra dự án Thủ Thiêm
Tới lượt mình phát biểu hôm 9/5, bà Trần Thị Mỹ (77 tuổi, phường An Khánh) nói giọng khổ sở: "Cho tôi nói đi, tôi sắp chết rồi, tôi cần phải nói". Khuôn viên giải tỏa của gia đình bà gồm đất, nhà nhưng chỉ được bồi thường 200.000 đồng/m2.
"Tôi rất tâm đắc với ý kiến của cựu chủ tịch UBND TP.HCM Võ Viết Thanh khi ông nói đồng tiền đã làm biến dạng quy hoạch Thủ Thiêm", bà Mỹ nói về thực tế hơn 22 năm sau khi được Thủ tướng phê duyệt, quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm vẫn còn dở dang, chưa hoàn chỉnh. Còn đất khu đô thị mới lại được giao cho nhiều nhà đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại.
"Phải làm rõ với nhân dân về 'con đường dát vàng' chưa đầy 12 km nhưng 'ngốn' hết 12.000 tỷ đồng ở khu đô thị mới Thủ Thiêm", cử tri Nguyễn Tiến Hịnh (phường Thành Mỹ Lợi) đề nghị hôm 9/5.
Nhiều vấn đề bức xúc suốt nhiều năm được người dân nói ra hết trong cuộc tiếp xúc chiều 9/5. Ảnh: Tùng Tin. |
Cử tri Nguyễn Thị Hà (khu phố 1, phường Bình An) thắc mắc: Trách nhiệm giám sát của Hội đồng nhân dân TP.HCM trong việc quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm như thế nào? Tại sao có đầy đủ các cơ quan chức năng, cơ quan giám sát nhưng vẫn xảy ra những chuyện khó hiểu ở Thủ Thiêm 20 năm qua?
"Có bàn tay sắt nào 'thò' vào vấn đề ở Thủ Thiêm hay không? Chúng tôi nhận được lời khuyên hãy chờ đợi và hy sinh nhưng con cháu chúng tôi không thể hy sinh được? Người dân Thủ Thiêm không được hạnh phúc, nhưng chúng tôi nói với nhau rằng đã chờ 20 năm rồi, hãy chờ thêm thời gian nữa. Chắc chắn người dân ở đây sắp có được kết quả mong muốn rồi", bà Hà nói.
Tham gia khiếu kiện nhiều năm nay, ông Đoàn Văn Phương (ngụ Lương Đình Của) thẳng thắn nói nếu cơ quan chức năng làm cho ra các sai phạm ở Thủ Thiêm, chắc chắn sẽ có tham nhũng, lợi ích nhóm. Ông đề nghị đưa sự việc lên Quốc hội, Bộ Chính trị, Ban bí thư giải quyết.
Không lường trước việc cử tri sẽ đến quá đông và có quá nhiều ý kiến, Quận 2 bố trí căn phòng khá nhỏ và chỉ có rất ít thời gian cho từng người chia sẻ. Ảnh: Tùng Tin. |
Tại buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội hôm 9/5, người dân đề nghị cơ quan chức năng làm rõ các vấn đề liên quan tới cơ sở pháp lý để thành phố thực hiện quy hoạch, thu hồi nhà đất để tiến hành dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Chiều 29/5, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết sau kỳ họp Quốc hội, ông sẽ gặp bà con Thủ Thiêm.
Khu đô thị mới Thủ Thiêm dù đã được phê duyệt quy hoạch gần 20 năm, được kỳ vọng trở thành trung tâm tài chính, thương mại tầm cỡ quốc tế, từng mất nhiều năm giải tỏa, di dời khoảng 15.000 hộ dân, tiêu tốn gần 30.000 tỷ đồng để chi trả bồi thường, tái định cư của thành phố, nhưng tới nay vẫn chưa thành hình hài.
Quá trình xây dựng cũng xảy ra nhiều tranh chấp, liên quan việc xác định ranh quy hoạch, dẫn đến kiện tụng kéo dài nhiều năm nay.