Tổ ĐBQH TP.HCM gồm ông Phan Nguyễn Như Khuê, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Trịnh Ngọc Thúy đang tiếp xúc cử tri quận 2, hàng chục phóng viên các cơ quan truyền thông đến đưa tin. Những vấn đề dư luận và người dân Thủ Thiêm quan tâm:
- Bản đồ quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP.HCM) tỉ lệ 1/5.000 kèm theo quyết định số 367 ngày 4/6/1996 của Thủ tướng là văn bản pháp lý về quy hoạch dự án này nhưng đến nay còn giá trị?
- Quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm được điều chỉnh qua các thời kỳ đã làm thay đổi nhiều khu chức năng, cơ cấu sử dụng đất so với ý định ban đầu.
- 4 trục đường chính trong khu đô thị Thủ Thiêm có tổng chiều dài gần 12km được đầu tư với chi phí hơn 12 nghìn tỷ đồng.
- Ba vấn đề người dân Thủ Thiêm muốn làm rõ: Địa giới của dự án. Chính sách đền bù giải tỏa, tái định cư. Khiếu nại của người dân chậm được các cơ quan tiếp nhận, kéo dài từ năm này qua năm khác.
Khu đô thị mới Thủ Thiêm dù đã được phê duyệt quy hoạch gần 20 năm, được kỳ vọng trở thành trung tâm tài chính, thương mại tầm cỡ quốc tế, từng mất nhiều năm giải tỏa, di dời khoảng 15.000 hộ dân, tiêu tốn gần 30.000 tỷ đồng để chi trả bồi thường, tái định cư của thành phố, nhưng tới nay vẫn chưa thành hình hài.
Quá trình xây dựng cũng xảy ra nhiều tranh chấp, liên quan việc xác định ranh quy hoạch, dẫn đến kiện tụng kéo dài nhiều năm nay.
-
-
Người dân Thủ Thiêm chờ gặp đại biểu Quốc hội
Từ 13h, nhiều người dân đã đến Trung tâm bồi dưỡng chính trị quận 2, để chờ đợi được gặp đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM. Ảnh: Phước Tuần.
-
Người dân mang bản đồ ra treo giữa Buổi tiếp xúc cử tri
Trước khi buổi tiếp xúc cử tri diễn ra, một số người dân mang theo bản đồ quy hoạch 1/2.000 của khu đô thị mới Thủ Thiêm trưng trước hội trường. Nhiều người bức xúc vì những kiến nghị, khiếu nại dù đã gửi tới nhiều cấp lãnh đạo nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng. Ảnh: Tùng Tin.
-
Chủ tịch HĐND TP.HCM trấn an người dân
Trước buổi gặp gỡ cử tri quận 2, nhận thấy nhiều người dân mang theo các bức xúc về việc quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP.HCM xuống tận nơi trấn an. Bà lắng nghe chia sẻ của những người dân và khẳng định chưa bao giờ quên việc giải quyết an sinh xã hội cho người dân quận 2; đặc biệt là những người bị ảnh hưởng bởi dự án quy hoạch. Bà cho biết những vấn đề thuộc thẩm quyền của chính quyền thành phố, quận đều cố gắng giải quyết ngay. Trong buổi gặp gỡ hôm nay, bà mong muốn được lắng nghe bức xúc của người dân. Ảnh: Tùng Tin.
-
Nhà nằm ngoài ranh quy hoạch bị cưỡng chế?
Gặp Zing.vn trước buổi tiếp xúc, bà Nguyễn Thị Mai (57 tuổi, phường An Phú) cho biết rất bức xúc khi nhà nằm ngoài ranh giới quy hoạch của Thủ tướng phê duyệt năm 1996 nhưng vẫn bị cưỡng chế. Bà mỏi mòn kêu oan suốt nhiều năm qua nhưng vẫn chưa được cơ quan chức năng giải quyết.
Cũng như bà Mai, nhiều hộ dân đã chuẩn bị rất nhiều bản đồ, tài liệu, quyết định nhiều năm qua, chuẩn bị đối chất với đoàn ĐBQH TP.HCM và cơ quan chức năng trong buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh: Phước Tuần.
-
Buổi tiếp xúc cử tri quận 2 bắt đầu
14h10, buổi tiếp xúc cử tri quận 2 của đại biểu Quốc hội bắt đầu. Người dân đến tham dự buổi gặp mặt rất đông, hội trường gần như không còn chỗ trống. Ảnh: Tùng Tin.
-
Đề nghị lấy thêm ghế cho người dân ngồi
Chủ tịch HĐND TP.HCM yêu cầu dừng cuộc gặp mặt vài phút để bộ phận an ninh trật tự mời những người dân đang đứng chờ bên ngoài hội trường được vào trong ngồi. "Bên ngoài hình như còn rất nhiều người, xin mời bà con vào trong ngồi. Nếu thiếu chỗ thì lấy thêm ghế để bà con ngồi". Ảnh:Tùng Tìn.
-
Rất đông phóng viên có mặt tại buổi tiếp xúc cử tri
Hàng chục phóng viên các báo, đài có mặt tại buổi đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri quận 2 từ khá sớm. Buổi gặp mặt diễn ra đúng vào thời điểm các vấn đề về quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm "nóng" trở lại, thu hút sự chú ý của truyền thông. Ảnh: Phan Công.
-
Bắt đầu phần cử tri chất vấn đại biểu Quốc hội
Các cử tri bắt đầu đặt câu hỏi. Nhiều vấn đề về tranh chấp đất đai được người dân gửi tới đại biểu Quốc hội. Ảnh: Phan Công.
-
Bức xúc dự án 87 ha phường An Phú
Bà Nguyễn Thị Mão (đường Lương Định Của, phường An Phú) thắc mắc về dự án 87 ha tại phường An Phú. Bà cho rằng có những dấu hiệu bất thường khi dự án ban đầu được phê duyệt diện thích thu hồi đất là 87 ha; tuy nhiên, sau đó TP lại nâng diện tích quy hoạch lên trên 88 ha và ra hàng loạt quyết định thu hồi đất. Ngoài ra, giá đền bù thời điểm 1997 là 4 triệu đồng/m2; dự án "giậm chân" đến 18 năm và đến nay giá đền bù vẫn không thay đổi, như vậy là gây thiệt hại cho gia đình bà. "18 năm, nếu tôi lấy tiền gửi ngân hàng, lãi đã hơn rất nhiều rồi, trong khi gần 20 năm qua, tiền đề bù vẫn không thay đổi", bà Mão nói.
Trong khi đó, bà Tuyết (đường Lương Định Của) cho biết nhà của bà được đền bù 18 triệu/m2 và hiện đất này thuộc dự án khu đô thị Sala. Mới đây, khi bà gọi đến công ty nhà đất để hỏi mua nhà gần nơi ở cũ, thì được thông báo đất trên đúng con đường này bán với giá 350 triệu/m2 và đã bán hết. Nếu gia đình bà muốn mua, phải chờ cuối năm 2018. Ảnh:Tùng Tin.
-
36 lần đi kiện, xin trở về Thủ Thiêm
Cử tri Lê Thị Hồng Vân (ngụ số 22 đường Lương Định Của, Bình Chánh, quận 2) cho biết bà đã khiếu kiện 36 lần, từ trung ương đến địa phương về các vấn đề nhà đất. Theo bà, căn nhà của bà không nằm trong quy hoạch, nhưng vẫn bị thu hồi, mà không có quyết định thu hồi đất. Gia đình 6 người phải ở thuê trong một căn nhà dột nát, gần sập, rất nguy hiểm. Bà yêu cầu trả lại căn nhà đã bị thu hồi để gia đình được ổn định cuộc sống.
Tương tự, bà Lê Thị Ngọc Nga (ngụ C11/1 Lương Định Của) cho biết tháng 9/2007, căn nhà bà bị cưỡng chế dù trước đó, bà không nhận được quyết định thu hồi đất.
Bà Đặng Thị Bích Ngọc (ngụ B12/12, Lương Định Của, khu phố 1, Bình An) cũng cho biết căn nhà của gia đình bị cưỡng chế và đưa hộ bà đi tái định cư. Bà đặt câu hỏi: "Nhà tôi có sổ đỏ, giấy tờ đầy đủ, sau khi cưỡng chế thì đưa tôi về nơi tái định cư ở chung cư, yêu cầu đóng thêm 800 triệu mới được sở hữu. Trước đây chúng tôi sống ở căn nhà 2 mặt tiền, cũng là nơi mua bán kiếm sống, giờ chúng tôi vào chung cư, làm sao buôn bán?"
Ông Ngô Hùng Phong (khu phố 3, An Khánh, quận 2) cùng cảnh ngộ, rưng rưng đứng lên xin được trở về đất cũ. Ông nói gia đình bao đời sống ở đất Thủ Thiêm, giờ nơi này giá đất lên, "thay da, đổi thịt", thì người dân bản địa bị đưa đi nơi khác tái định cư, không hưởng được quyền lợi. Ảnh: Tùng Tin.
-
10 năm chưa được đền bù
Bà Nguyễn Thị Tám (ngụ Lương Định Của, Bình Khánh, quận 2) có nhà bị cưỡng chế 7 năm trước. Bà cho rằng nhà của bà không nằm trong ranh quy hoạch, nhưng vẫn bị cưỡng chế. "Đến bây giờ, thành phố nói bản đồ quy hoạch 1/5.000 thất lạc, thì bản đồ cựu Chủ tịch TP.HCM lưu trữ ở đâu ra? Và nếu bản đồ mất, thì lấy căn cứ nào thu hồi nhà tôi? Tôi đã hỏi nhiều lần, vì sao đập nhà tôi dù không có quyết định thu hồi đất?", bà Tám đặt câu hỏi.
Nhà bà Huỳnh Hồng Loan (khu phố 1, Bình An) bị giải tỏa từ năm 2009. Tuy nhiên, theo chia sẻ của bà, thời điểm đó, gia đình bà không được mời lên làm việc, không có thông báo cưỡng chế, không được tái định cư do không đủ điều kiện. Bà yêu cầu làm rõ quy trình làm việc.
Bà Đoàn Ngọc Thủy (khu phố 1, phường Bình An) nhớ lại hộ bà nhận được quyết định thu hồi, cưỡng chế đất vào năm 2007 với giá bồi thường là 330 triệu đồng cho 1.000 m2. Gia đình bà được hứa hẹn sẽ nhận thêm hỗ trợ để tái định cư là 170 triệu đồng. Thế nhưng, gia đình bà Thủy vẫn chưa nhận được số tiền này. "Dù số tiền vào thời điểm này đã rớt giá quá nhiều, nhưng chúng tôi cũng không yêu cầu thêm. Tuy nhiên, vì sao 10 năm qua vẫn chưa chuyển, mà đất đã thu của chúng tôi từ lâu?".
Ảnh: Tùng Tin
-
Nghĩ xây công trình Nhà nước, thực tế lại phân lô bán nền
Bà Phạm Thị Bạch Tuyết (đường Lương Định Của) nói với các đại biểu Quốc hội việc dân bám đất, bám phố không đi vì quá trình đền bù, giải tỏa còn nhiều điểm chưa rõ ràng. Diện tích đất của bà Tuyết rộng 3.787 m2, trong quá trình quy hoạch, bà được thông báo tiền đền bù là 150.000 đồng/m2, nhận về khoảng 571 triệu đồng. "Chúng tôi tưởng làm công trình Nhà nước thì sẵn sàng cống hiến đất cho Nhà nước. Nhưng thực tế lại xây nhà cao tầng, phân lô bán nền, bán nhà. Khiến dân Thủ Thiêm có những người đến chết không còn nhà để làm đám ma", bà Tuyết bức xúc.
Ông Đặng Văn Tuyền (ngụ khu phố 1, phường Bình An) cho biết căn nhà của là hộ cuối cùng bị phá dỡ tại khu phố 1. Ông cùng một số người dân ở phường Bình An và Bình Khánh nằm ngoài ranh quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm nhưng bị cưỡng chế, thu hồi. "Tôi từ trụ cột gia đình, nay mất nhà, mất việc, cả gia đình bị đẩy ra khu tạm cư nhếch nhác nhiều năm nay. Khi phê duyệt quy hoạch, lãnh đạo thành phố muốn người dân được hưởng lợi trước nhất, nhưng chính chúng tôi bây giờ lại khổ cực như thế này", ông chia sẻ.
Ảnh: Tùng Tin
-
-
Đồng tiền làm biến dạng quy hoạch Thủ Thiêm
Bà Nguyễn Ngọc Mỹ (phường An Khánh) cho hay hơn 10 năm nay, gia đình bà đã gửi hàng trăm đơn, gặp gỡ hàng chục lãnh đạo Nhà nước, cùng nhiều người dân Thủ Thiêm đi khiếu nại, khiếu kiện,... nhưng chưa nhận được sự giải quyết nào.
Theo đó, bà cho rằng Quyết định 367-TTg của Thủ tướng là quyết định mang tính nhân văn, phân rõ khu vực trung tâm và tái định cư cho người dân Thủ Thiêm, chứ không phải lấy thêm đất của dân ngoài ranh, còn phần tái định cư phân bổ rải rác nhiều nơi như sau này.
"Trong chia sẻ của cựu Chủ tịch TP.HCM Võ Viết Thanh, ông nói đồng tiền đã làm biến dạng quy hoạch Thủ Thiêm, tôi đồng ý với ý kiến này. Bởi từ khi được Thủ tướng phê duyệt, quy hoạch Thủ Thiêm còn dở dang, đất được giao cho nhiều nhà đầu tư xây dựng nhà ở thương mại. Còn nhà tôi bị thu hồi, được bồi thường chỉ 200.000 đồng/m2", bà Mỹ cho hay. Ảnh: Tùng Tin.
-
Người dân Thủ Thiêm tranh micro bày tỏ bức xúc
Tại buổi gặp mặt các đại biểu Quốc hội, rất nhiều cử tri bức xúc, phát biểu ý kiến về việc khiếu nại đền bù đất bị rơi vào hư không, không nhận được câu trả lời thỏa đáng. Theo quy định, mỗi cử tri chỉ được nói 5 phút, nhưng nhiều người bức xúc xin được nói thêm. Trong khi đó, những người chờ đợi được phát biểu nóng ruột, sợ hết thời gian nên tranh micro.
Trong hình, một nữ cử tri bức xúc xin thêm thời gian để trình bày. Ảnh: Tùng Tin.
-
Cử tri nghi ngờ có dấu hiệu tham nhũng trong dự án quy hoạch Thủ Thiêm
Bà Nga (phường Bình An) cho hay gia đình bà ở Thủ Thiêm nhiều năm nay, muốn bám đất và mong nơi này phát triển, nhưng "chúng tôi chờ quá lâu vẫn không có gì thay đổi". Bà đặt câu hỏi: Ai chỉ đạo đập nhà của dân, chuyển tài sài của dân, rồi đền bù rẻ mạt cho dân. Bà nghi ngờ có dấu hiệu tham nhũng trong dự án quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm và đề nghị phải điều tra, xét xử và tử hình những kẻ tham nhũng.
Ông Nguyễn Hoàng Vân (phường Bình An) đề nghị giữ lại nhà thờ Thủ Thiêm khi thực hiện quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm. Điều này cũng nằm trong kế hoạch của bản thiết kế đầu tiên được Thủ tướng phê duyệt vào năm 1996, cũng như không giải tỏa những nơi mang tính tâm linh của người dân, như nhà thờ, đình, chùa,...
Ông Vân kể: Gia đình ông nhận được quyết định thu hồi đất, giải tỏa và được thông báo hơn 2 lần. Tuy nhiên, đến nay nhà ông vẫn chưa được giải tỏa. Nhưng đó chưa phải là điều may mắn đối với ông. Ông Vân cho biết hiện chung quanh nhà cử tri này là công trường, đường xá đã bị phá, trời nắng thì bụi, trời mưa thì nước ngập nhà, hư hỏng hét đồ đạt. "Ai mong ở lại, nhưng nhà tôi lại mong được giải tỏa. Tôi không muốn rời đất, nhà ở bao nhiêu năm nay, nhưng cuộc sống hiện nay nguy hiểm quá".
Ảnh: Tùng Tin.
-
Làm rõ con đường chưa đầy 12 km trị giá 12.000 tỷ đồng
Bà Nguyễn Thị Kim Phượng (khu phố 1, phường Bình An) nói như trên trong buổi gặp mặt các đại biểu Quốc hội. Theo đó, năm 2012, nhà bà bị cưỡng chế, không được đền bù, 4 người trong gia đình trở thành vô gia cư, phải chia nhau ở 4 nơi. Hiện nay, bà Phượng vẫn dựng chòi ở lại nền nhà cũ để bám đất.
"Người dân Thủ Thiêm chưa nhận được thành quả ở Thủ Thiêm", cử tri Nguyễn Tiến Hịnh (phường Thành Mỹ Lợi) nói.
Ông chia sẻ vào năm 2012, gia đình ông nhận được quyết định thu hồi đất. Nghĩ đây là việc mở rộng trung tâm thành phố, xây dựng khu đô thị mới, gia đình ông đồng ý chuyển tới nơi tái định cư. Ông được đền bù 2 triệu đồng/m2 và phải bù thêm 40 triệu đồng/m2 mới có thể vào được nơi ở mới. "Thành phố giải thích nơi này có thang máy, ở trung tâm nên đắt tiền. Chúng tôi đâu có cần và nếu cần thì lấy đâu ra từng ấy tiền mà mua chung cư để ở?".
Ngoài ra, sau hơn 15 năm dự án khởi động, người dân chưa thấy quảng trường, khu vui chơi, bệnh viện, trường học,... ở đâu, mà chỉ thấy mọc lên nhà cao tầng, villa. Ông Hịnh đề nghị phải có thanh tra dự án quy hoạch đô thị mới Thủ Thiêm.
Cuối cùng, ông Hịnh đề nghị phải làm rõ với nhân dân về "con đường dát vàng" chưa đầy 12 km nhưng "ngốn" hết 12.000 tỷ đồng ở khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Ảnh: Tùng Tin.
-
Thêm thời gian tiếp xúc cử tri
Theo thông báo, buổi gặp mặt giữa đại biểu Quốc hội với cử tri quận 2 sẽ kết thúc vào 16h30, những tới 17h30, tổ đại biểu vẫn tiếp tục lắng nghe và ghi nhận ý kiến của người dân về vấn đề quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ảnh: Tùng Tin.
-
-
'Chúng tôi đau khổ quá lâu'
18h30, buổi tiếp xúc cử tri trở nên "nóng" khi người dân tiếp tục trưng ra bản đồ Thủ Thiêm 1/10.000 với các đại biểu Quốc hội. Phó trưởng Đoàn ĐBQH TP.HCM Phan Nguyễn Như Khuê xuống tận nơi xem bản đồ này. Đây là sơ đồ điều chỉnh các khu vực không bán nhà thuộc quyền sở hữu nhà nước, tỷ lệ 1/10.000.
"Chúng tôi muốn qua bản đồ này để khẳng định nhà, đất của mình nằm ngoài ranh quy hoạch. Nếu Nhà nước cần đất mở rộng thành phố, xây dựng đô thị mới, chúng tôi đồng ý. Nhưng 20 năm qua, chưa thấy cái gì thành hình, tất cả chỉ bán đất, phân lô, xây chung cư,... Chúng tôi đã đau khổ quá lâu", cử tri Nguyễn Hồng Quang đau đáu nói.
Ảnh: Tùng Tin
-
'Chúng tôi chờ 20 năm rồi'
Cử tri Nguyễn Thị Hà (khu phố 1, phường Bình An) đặt câu hỏi: Trách nhiệm giám sát của Hội đồng nhân dân TP.HCM trong việc quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm như thế nào? Tại sao có đầy đủ các cơ quan chức năng, cơ quan giám sát nhưng vẫn xảy ra những chuyện khó hiểu ở Thủ Thiêm 20 năm qua?
"Việc cưỡng chế các công trình của Nhà nước, cưỡng chế nhà dân, những đơn khiếu kiện của người dân rơi vào im lặng, đền bù không thỏa đáng,... nhiều năm dài đã khiến người dân Thủ Thiêm quá đau khổ", bà Hà nói.
Cử tri này cho hay từ năm 2014 đến nay, bà cùng khoảng 30 hộ dân khác liên tục ra Bắc vào Nam để khởi kiện, nhưng vẫn chưa nhận được kết quả gì.
"Có bàn tay sắt nào 'thò' vào vấn đề ở Thủ Thiêm hay không? Chúng tôi nhận được lời khuyên hãy chờ đợi và hy sinh nhưng con, cháu của chúng tôi không thể hy sinh được? Người dân Thủ Thiêm không được hạnh phúc, nhưng chúng tôi nói với nhau rằng đã chờ 20 năm rồi, hãy chờ thêm thời gian nữa. Chắc chắn người dân ở đây sắp có được kết quả mong muốn rồi", bà Hà nói.
Ảnh: Tùng Tin.
-
-
Cảm ơn Tổng bí thư đã đưa 'lò củi' vào TP.HCM
19h, cử tri Lê Văn Lung (khu phố 1, phường Bình An) tha thiết: "Thời gian quá lâu, tôi chỉ mong được trở về nhà ở, còn tội lỗi của ai, truy cứu ai, đó là việc của chính quyền". Ông cho hay sau nhiều năm căn nhà bị cưỡng chế, người dân đã vừa mệt mỏi, vừa chán nản. Bộ bản đồ vừa qua mà thành phố nói mất, nếu tìm được rồi thì xem lại, rồi trả đất cho dân.
"Hãy xem lại tập bản đồ mà cựu Chủ tịch Võ Viết Thanh cung cấp, rồi giải quyết cho dân", ông Lung nói.
Bà Lê Thị Sáu (đường Lương Định Của, phường Bình An) chia sẻ: "Cảm ơn Tổng bí thư đã đưa 'lò củi' vào TP.HCM". Bà cho biết từ một khu phố đông đúc người ở, con đường nhà bà giờ đây chỉ còn vài hộ gia đình trụ lại giữ nhà, giữ đất. Cử tri này mạnh dạn mời các đại biểu Quốc hội tới xóm nhà bà, nơi trời nắng thì rác thải hôi thối, trời mưa thì nước ngập.
"Có những gia đình chỉ còn 2 ông bà già, chỉ cần mưa xuống là ngập hết, không thể đi đâu được, ai muốn vào thăm cũng khó. Vậy thì sống chết ra sao, ăn uống thế nào có ai biết?", bà Sáu đau đáu.
-
Người dân ngất xỉu
19h30, bà Lê Thị Thảo bật khóc rồi ngất xỉu sau khi trình bày những bức xúc của mình về vấn đề nhà bị cưỡng chế thu hồi. Nhiều người xung quanh liên tục thoa dầu, đánh cảm cho người phụ nữ này.
Bật khóc trong buổi gặp mặt, ông Trần Kim Long (phường Bình Khánh) cho biết: năm 2007, trong một lần ông đi vắng, khi trở về đã thấy nhà bị giải tỏa. Trước đó, ông không được nhận quyết định giải tỏa, chưa từng được tiếp xúc về vấn đề giải tỏa, chưa từng nhận được giấy tờ bồi thường hay số tiền bồi thường, cũng chưa từng ký bất cứ giấy tờ nào. Quá bức xúc, ông Long đi khiếu kiện và được hứa hẹn sẽ giải quyết. Những hơn 10 năm qua, vấn đề của ông vẫn chưa được giải quyết. Ông cùng con trai hiện phải đi ở nhà thuê, không có công ăn việc làm vì không có giấy tờ, hộ khẩu rõ ràng.
Ảnh: Tùng Tin.
-
Người dân Thủ Thiêm rơi nước mắt
Quá bức xúc vì những vấn đề về dự án quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm chưa được giải quyết và kéo dài nhiều năm, nhiều người dân bật khóc.
"Lại một mùa mưa nữa lại tới, lại một mùa ngập úng, mưa dột. Không biết chúng tôi có chờ đợi được nữa không. Ai cũng muốn dân kiên nhẫn, nhỏ nhẹ, nhưng chúng tôi sắp không thể chịu đựng được nữa", cử tri Hương phát biểu.
Ảnh: Tùng Tin.
-
-
Đại biểu Quốc hội tổng hợp 4 ý kiến của người dân Thủ Thiêm
20h30, buổi gặp gỡ cử tri quận 2 kết thúc. Trước đó, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP.HCM cho biết đã lắng nghe hơn 50 ý kiến, và tập hợp được 4 vấn đề:
- Cơ sở pháp lý nào để thành phố tổ chức thu hồi đất của người dân;
- Chính sách, cơ sở nào để lập hồ sơ đền bù cho người dân. Theo các ý kiến, việc đền bù chưa đúng quy định pháp luật, chưa chính xác, cần làm rõ vấn đề này để đảm bảo quyền và lợi ích cho người dân;
- Đề nghị các đại biểu Quốc hội báo cáo với Quốc hội, cần có thanh tra toàn diện dự án quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm, đặc biệt là vấn đề về 4 con đường "dát vàng" có giá thi công cao, thanh toán bằng quỹ đất giá lớn;
- Yêu cầu đại biểu HĐND thành phố bảo vệ quyền của người dân, thực hiện đúng luật pháp.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm khẳng định sẽ đưa tất cả những góp ý được nhận ngày hôm nào về báo cáo với Bí thư, yêu cầu UBND TP.HCM có báo cáo với bán Thường vụ và có câu trả lời với người dân.
"Với câu hỏi của các bà con là có giám sát dự án hay không? Có chứ, nhưng chưa làm hết được, chưa làm đầy đủ được như ý bà con, đó là cái thiếu sót của các đại biểu. Bà con hỏi có ray rứt không? Có ray rứt. Chính quyền có những vấn đề lớn mà làm chưa thấu đáo, nhân dân chưa đồng tình, còn khiếu nại, thì rất buồn, nhưng chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục làm", Chủ tịch HĐND TP.HCM nói.