Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

INFOCUS

Nguyên chủ tịch TP.HCM: 'Đồng tiền làm biến dạng quy hoạch Thủ Thiêm'

"Thủ Thiêm giờ có hàng loạt nhà cao tầng, bất kể mật độ dân số. Phát triển đô thị phải vì dân, phải xem mật độ dân số, xây dựng có phù hợp với hạ tầng", ông Võ Viết Thanh đau đáu.

quy hoach Thu Thiem anh 1

"Thủ Thiêm giờ có hàng loạt nhà cao tầng, bất kể mật độ dân số. Phát triển đô thị phải vì dân, phải xem mật độ dân số, xây dựng có phù hợp với hạ tầng", ông Võ Viết Thanh đau đáu.

Trong thời gian còn tại chức, ông Võ Viết Thanh - Phó chủ tịch UBND TP.HCM phụ trách quản lý đô thị, Quyền Chủ tịch UBND TP.HCM (giai đoạn 7/1996-8/1997), Phó bí thư Thành ủy kiêm Chủ tịch UBND TP.HCM (08/1997-17/05/2001) - là người trực tiếp đi khảo sát, tìm hiểu tình hình Thủ Thiêm, ký tờ trình gửi Thủ tướng phê duyệt quy hoạch xây dựng khu đô thị mới và  trình bày trước Chính phủ về nội dung quy hoạch.

Trong buổi trao đổi với Zing.vn, ông Thanh nói nhiều về thời gian phôi thai dự án khu đô thị Thủ Thiêm, kỳ vọng nơi đây trở thành một trung tâm đáp ứng được nhu cầu phát triển thương mại, tài chính, dịch vụ, văn hóa,... hàng đầu của cả nước và quốc tế. Trên tất cả, ông chia sẻ mong muốn người dân Thủ Thiêm phải là đối tượng đầu tiên được hưởng lợi từ khu đô thị mới  này, nhưng đến nay vẫn chưa đạt được.

Người dân Thủ Thiêm phải được hưởng lợi đầu tiên

-  Thưa ông, bối cảnh thúc đẩy thành phố quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm và kỳ vọng cho khu đô thị mới này thế nào?

- Chủ trương quy hoạch Thủ Thiêm bắt đầu từ năm 1992. Hồi đó, khu vực này còn chưa tách ra khỏi quận Thủ Đức. Lãnh đạo thành phố mong muốn xây dựng được một khu đô thị mới, hiện đại. Chúng tôi làm rất công phu, chi tiết, đi tới từng quận huyện, các lãnh đạo họp rất nhiều lần, thời gian chuẩn bị hơn 3 năm.

Đồ án này sau khi được tập thể thành phố thông qua, trong đó có UBND TP.HCM, chúng tôi lập kế hoạch, rồi thống nhất với Bộ Xây dựng, trình ra Bộ Chính trị. Sau khi có ý kiến của Bộ Chính trị, Thủ tướng mới ra văn bản 367.

Chúng tôi kỳ vọng nơi đây sẽ trở thành trung tâm tài chính, thương mại tầm cỡ quốc tế, thậm chí là đô thị đẹp nhất khu vực Đông Nam Á. Thành phố cũng hướng đến công dân Thủ Thiêm, đó là đối tượng đầu tiên được hưởng lợi từ chính mảnh đất của mình, nên họ phải được ưu tiên tái định cư tại chỗ để đảm bảo đời sống, kế sinh nhai. Vì vậy, thời đó chúng tôi cố gắng giữ khu chợ Thủ Thiêm, chùa, nhà nhờ.

Cựu Chủ tịch TP.HCM Võ Viết Thanh nói về quy hoạch Thủ Thiêm "Cách đây 4-5 năm, tôi từng hỏi thẳng người đứng đầu thành phố là tại sao lại đập hết nhà dân như vậy, trong khi thu hồi chỉ 20-30 ha", ông Võ Viết Thanh nói.

- Việc lập quy hoạch khu đô thị mới này trong thời gian bao lâu và do ai thực hiện?

- Việc xem xét, chuẩn bị bắt đầu từ năm 1992, các đồ án quy hoạch được thông qua vào năm 1995 và Thủ tướng ký văn bản pháp lý vào năm 1996. Ban đầu, thành phố giao cho tôi, lúc đó đang là Phó chủ tịch UBND TP.HCM phụ trách quản lý đô thị. Tôi giao xuống cho Văn phòng Kiến trúc sư Thành phố, ở đây là Kiến trúc sư trưởng Lê Văn Năm; anh Vũ Hùng Việt, Giám đốc Sở Xây dựng, trực tiếp triển khai.

Việc chuẩn bị rất lâu, chúng tôi phải đi hết Thủ Thiêm, xem nền đất, khảo sát hiện trạng, xem người dân đang dùng điện, nước ra sao, có những công trình gì nằm ở đây... rồi mới lập đồ án quy hoạch. Trước khi Bộ Chính trị và Thủ tướng thông qua, chúng tôi đã trình bày 13 tấm bản đồ 1/5.000.

Sau này, trên cơ sở những bản đồ đó, thành phố mới lập thêm những bản đồ khác. Những dự án sau này mang tính cục bộ, mới phát sinh thêm bản đồ 1/2.000, 1/500.

- Trong quy hoạch năm 1996 được Thủ tướng phê duyệt, khu đô thị mới Thủ Thiêm có quy mô thế nào?

- Khi tôi trình bày dự án quy hoạch, tổng diện tích Thủ Thiêm là 930 ha. Khi làm, tôi đã phải tính toán chi tiết. Đơn cử như việc giữ lại bao nhiêu ha kênh rạch, cây xanh, cảnh quan; khu tái định cư cho người dân nằm ở đâu, bao nhiêu ha; còn lại bao nhiêu đất để xây dựng các công trình...

Thật ra lãnh đạo cấp trên không đi quá vào chi tiết, như cắm mốc ở đâu, địa phận ở đâu, mà làm theo tổng thể thành phố trình lên.

Thời điểm đó chỉ có Chủ tịch nước Lê Đức Anh, trong lúc giải lao của buổi họp đó, ông có ra vỗ vai tôi rồi bảo: “Chú Bảy Thanh để ý làm cho nhân dân cây cầu”. Sau hôm đó, Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ Tướng quyết định thông qua đồ án. Thành phố lúc đó cũng nhẹ nhõm, vì dự án ấp ủ lâu nay sắp thành hiện thực. 3 vị lãnh đạo cao cấp chỉ lưu ý chúng tôi giải quyết các vấn đề giải tỏa, đền bù cho dân sao cho ổn thỏa. Còn chính sách cụ thể thì chúng tôi tự giải quyết.

Thay đổi quy hoạch phải thông qua Thủ tướng

- Những quyết định thay đổi quy hoạch về sau này của TP.HCM có dựa theo quyết định phê duyệt quy hoạch của Thủ tướng vào năm 1996?

- Tới tận lúc tôi nghỉ hưu, Thủ Thiêm chưa có gì thay đổi trong quy hoạch. Chỉ có sau này, người ta làm bản đồ chi tiết để đối chiếu với bản đồ quy hoạch. Nhưng muốn biết nó có thay đổi cụ thể gì không thì phải xem xét, chứ không nói bừa được.

- Những dự án đang tồn tại ở khu đô thị mới Thủ Thiêm có hợp pháp nếu như việc điều chỉnh quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm của TP.HCM về sau này không thông qua Thủ tướng?

- Tôi chưa xem chi tiết các quy hoạch sau này có dựa trên văn bản pháp lý 367 hay không, phải đối chiếu cho rõ ràng mới kết luận được. Nói về thủ tục pháp lý điều chỉnh quy hoạch, thì tùy theo giai đoạn làm việc của các lãnh đạo thành phố sẽ có những thay đổi khác nhau.

Tuy nhiên, cần phải xem lại UBND TP.HCM có được Thủ tướng ủy quyền thay đổi quy hoạch hay không. Trong trường hợp Thủ tướng không ủy quyền hoặc không có sự phê duyệt của Chính phủ, mọi thay đổi quy hoạch là không hợp pháp.

- Việc đền bù, giải phóng mặt bằng thời điểm triển khai dự án đã được thực hiện như thế nào?

- Việc đền bù cho người dân đã tiến hành từ năm 1992. Tới lúc thông qua lãnh đạo cấp cao ở Đảng và Chính phủ vào năm 1995, thành phố đã đền bù được 20% dân cư, tập trung vào những trường hợp "nhảy dù", tới đây lấn chiếm, tạm cư chứ không phải người dân sống lâu đời ở Thủ Thiêm. Nói đúng hơn là thương lượng với những người dân này để họ di dời.

Nghĩa là chúng tôi đã tiến hành giải tỏa mặt bằng trước khi bắt đầu quy hoạch. Ngày đó đất Thủ Thiêm còn dư dả, phải làm vậy để ngăn lại mọi người vào lấn chiếm.

Khi bắt tay làm, tôi chủ trương ưu tiên người ở hợp pháp, lâu đời. Khi đền bù, với những người dân có mặt bằng lớn, phải giao họ một căn nhà ở khu tái định cư và tốt nhất là ở gần nơi họ đã sinh sống. Không chuyển họ đi chỗ khác.

Hiện tại, không biết lãnh đạo có làm được thế không. Tôi nghỉ hưu đã lâu, không rõ khu tái định cư có được làm đúng như những gì chúng tôi dự định hay không.

Quy hoạch bị biến dạng?

- So với quy hoạch ban đầu được Thủ tướng phê duyệt vào năm 1996, hiện trạng khu đô thị mới Thủ Thiêm đã thay đổi như thế nào?

- Để nói thay đổi cụ thể như thế nào so với quy hoạch ban đầu thì phải xem xét lại cẩn thận.

Đối với Thủ Thiêm, cách đây khoảng 4-5 năm ( thời điểm 2013-2014), tôi từng nói thẳng với những người có trách nhiệm ở thành phố là tại sao lại đập hết nhà người dân như thế này. Sao mà giống một trận ném bom thời chiến tranh. Ảnh hưởng tới cả nghìn hộ, trong khi chỉ thu hồi khoảng 20-30 ha. 

Đó là chưa kể những người dân đã giúp hình thành cuộc sống ở Thủ Thiêm, họ quen với việc giao thương truyền thống, giờ đưa hết lên các tòa nhà cao tầng, thì họ lấy cái gì sống.

Ở Thủ Thiêm bây giờ, cứ khoét lõm ra để xây cao tầng, bất kể mật độ dân số là bao nhiêu. Mình phát triển là phải vì dân, vì dân thì phải nghĩ xem mật độ dân số có đủ thêm người nữa không. Sinh sản tự nhiên đã quá tải rồi. Chưa kể là có những công ty, mà nhất là công ty quốc doanh, họ lắm nhà kho, nhà xưởng, đặt ở toàn những mảnh đất vàng. Đồng tiền đã làm biến dạng hết quy hoạch.

- Sau gần 20 năm quy hoạch, đến nay vẫn còn nhiều hộ dân Thủ Thiêm ôm đơn đi khiếu nại vì những bất cập trong việc giải tỏa, đền bù, ông nghĩ gì về việc này?

- Việc điều hành cụ thể, đền bù thỏa đáng hay không còn thuộc vào lãnh đạo thành phố. Ngoài ra việc giải quyết khiếu nại cũng phải xem lại nguồn gốc nhà cửa. Nhưng tôi luôn khẳng định dù làm gì, luôn phải ưu tiên số 1 cho người ở tại chỗ, dù định cư hay tái định cư. 

Tôi có biết chuyện người dân đi phản đối. Khi nghe có bộ phận người dân Thủ Thiêm được đưa về định cư quận 12, tôi liền nói với lãnh đạo thành phố: "Dứt khoát không thể chấp nhận. Nếu là tôi, tôi cũng chống các anh". 

Tái định cư là phải tại chỗ, hoặc xê dịch chút đỉnh thôi. Đưa họ đi xa như vậy, đất ở đây ai sử dụng. Bên cạnh đó, giải tỏa nhà thì phải đền bù cho người dân thỏa đáng, nơi tái định cư phải tốt hơn nơi ở cũ. Ví dụ, người nghèo chỉ có cái chòi dựng 20 m2. Khi đưa người nghèo đi tái định cư mà chỉ cấp có 20 m2 như nơi họ từng ở, thì xem sao được. Rồi bắt người dân phải xây nhà 3-4 tầng theo chuẩn của khu phố, nếu trong 6-12 tháng không làm thì bị thu hồi đất, nhưng người nghèo thì lấy tiền đâu ra để xây nhà 3-4 tầng. Đó là bất cập.

- Cảm ơn ông.

Khu đô thị mới Thủ Thiêm là dự án đầu tiên thực hiện kêu gọi các nhà đầu tư hạ tầng bằng hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao), thành phố đổi đất lấy hạ tầng. Hiện dự án có hầm, cầu Thủ Thiêm, sắp tới có thêm cầu Thủ Thiêm 2 và 4.

Ban quản lý khu đô thị Thủ Thiêm xác định trong 5 năm, từ 2016 - 2020 sẽ tập trung đầu tư xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm thành một trung tâm đô thị văn minh, hiện đại, trung tâm tài chính - dịch vụ - thương mại cao cấp của TP HCM và của cả khu vực.

Theo quy hoạch 1/2.000, khu đô thị mới thuộc địa bàn các phường An Khánh, Thủ Thiêm, An Lợi Đông và một phần phường Bình An, Bình Khánh. Khu đô thị  mới Thủ Thiêm chia làm 5 khu vực chính, gồm khu lõi trung tâm chính, khu dân cư phía bắc, khu dân cư dọc Đại lộ Mai Chí Thọ, khu dân cư phía Đông, khu châu thổ phía nam.

Tổng dân số cư trú thường xuyên là 145.369 người, số người làm việc thường xuyên là 217.470 người và khách vãng lai là 1 triệu người (tối đa trong dịp lễ hội), văn phòng cho thuê dạng căn hộ là 1.719 người.

Nguyên Chủ tịch TP.HCM: 'Đừng tìm bản đồ 1/5.000 Thủ Thiêm nữa'

"Chuyện bản đồ 'mất tích', mọi người không nên bàn và tìm nữa, vì không có đâu. Hãy tập trung xem xét việc quy hoạch, giải tỏa đền bù cho dân có thỏa đáng", ông Võ Viết Thanh nói.


Ky nhieu hop dong, tong hon 286 trieu USD tai trien lam quoc phong hinh anh

Ký nhiều hợp đồng, tổng hơn 286 triệu USD tại triển lãm quốc phòng

0

Tại Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024, các đơn vị của Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) đã ký kết 16 hợp đồng, với tổng giá trị khoảng 286,3 triệu USD. Các đơn vị ký kết 17 thoả thuận hợp tác chiến lược giữa công nghiệp quốc phòng Việt Nam và doanh nghiệp của các nước có nền công nghiệp phát triển như Mỹ, Ấn Độ, Pháp, Bỉ.

Ngân Giang - Phan Công

Bạn có thể quan tâm