Diễn đàn "Vành đai và Con đường" được xem là sự kiện ngoại giao quan trọng bậc nhất năm nay của Trung Quốc, Bắc Kinh đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho diễn đàn này.
Nhưng chỉ vài giờ trước khai mạc, Triều Tiên, đồng minh lâu năm của Trung Quốc, đã phóng tên lửa đạn đạo ra biển từ một khu vực ở gần biên giới Triều Tiên - Trung Quốc, hướng toàn bộ dư luận thế giới vào diễn biến này thay vì hội nghị được Bắc Kinh chuẩn bị.
Vụ phóng tên lửa 'phá bĩnh'
Ngay sau vụ thử, Bắc Kinh đã ra tuyên bố kêu gọi "kiềm chế" và phản đối "hành động phóng tên lửa của Triều Tiên đi ngược với các nghị quyết của Hội đồng Bảo an (Liên Hợp Quốc)". Thông điệp của Trung Quốc không giấu sự thất vọng đối với Bình Nhưỡng.
New York Times dẫn thông báo từ quân đội Hàn Quốc cho biết tên lửa đạn đạo được bắn từ thành phố Kusong ở tây bắc Triều Tiên, bay khoảng 700 km rồi rơi xuống vùng biển giữa Hàn Quốc và Nhật Bản.
Kusong là thành phố thuộc tỉnh Bắc Pyongan của Triều Tiên và cách biên giới Trung - Triều hơn 60 km. Ảnh: Google Maps. |
Diễn đàn Vành đai và Con đường vì Hợp tác Quốc tế vừa khai mạc sáng 14/5 tại Bắc Kinh (Trung Quốc) kéo dài trong 2 ngày.
Sáng kiến "Vành đai và Con đường" nhắm vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng để thúc đẩy thương mại giữa các quốc gia Á, Âu và Phi. Trung Quốc đã chuẩn bị rất chu đáo cho diễn đàn này, vốn được xem là sự kiện ngoại giao lớn nhất trong năm của Bắc Kinh. Dù hiệu quả của sáng kiến này vẫn chưa rõ ràng, các nhà quan sát nhận định quy tụ được nhiều lãnh đạo về tham dự hội nghị đã là thành tựu ngoại giao cho Trung Quốc.
Triều Tiên phóng tên lửa chỉ vài giờ trước khi diễn đàn khai mạc dù nước này cũng cử một phái đoàn đến tham dự sự kiện.
Chủ tịch Tập Cận Bình bắt tay Tổng thống Nga Vladimir Putin tại phiên khai mạc diễn đàn "Vành đai và Con đường". Ảnh: Reuters. |
Vụ thử tên lửa là hành động khiêu khích mới nhất trong hàng loạt động thái làm leo thẳng căng thẳng của Bình Nhưỡng thời gian gần đây. Chính quyền Tổng thống Donald Trump đang muốn dựa vào Trung Quốc để gây áp lực buộc Triều Tiên chấm dứt chương trình hạt nhân của nước này trong bối cảnh quan hệ Trung - Triều đang xấu đi.
Truyền thông đấu khẩu
Truyền thông Triều Tiên tuyên bố nước này sẽ không từ bỏ chương trình hạt nhân bằng bất cứ giá nào. Ngày 3/5, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) có bài xã luận chỉ trích những lời kêu gọi trên báo chí chính thống Trung Quốc về việc áp đặt thêm trừng phạt đối với Triều Tiên.
"Hàng loạt những phát ngôn vô lý và bất cẩn từ phía Trung Quốc mỗi ngày chỉ làm tình hình vốn xấu càng căng thẳng thêm", bài xã luận của KCNA, vốn là kênh phát ngôn chính thức của nhà nước Triều Tiên, tuyên bố.
KCNA cũng tuyên bố chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng là điều cần thiết cho sự tồn tại và phát triển của Triều Tiên, không thể bị thay đổi hay lung lay dưới bất cứ hoàn cảnh nào.
"Triều Tiên không bao giờ cầu xin duy trì quan hệ hữu nghị với Trung Quốc", Reuters dẫn lại bài xã luận.
Ngay ngày hôm sau, Global Times (phụ bản của Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc) có bài viết phản bác KCNA. Global Times cho rằng Trung Quốc không cần lao vào cuộc cãi vả "ăn miếng trả miếng" với Trung Quốc. Thay vì vậy, Bắc Kinh nên vạch ra giới hạn cho Bình Nhưỡng và thông báo rõ với Triều Tiên rằng "Trung Quốc sẽ phản ứng theo cách thức chưa từng có nếu Triều Tiên tiếp tục thử hạt nhân".
Global Times cũng lưu ý bài xã luận ngày 3/5 của KCNA là lần thứ 3 trong thời gian gần đây báo chí Triều Tiên chỉ trích Trung Quốc. Dù vậy, trong 2 lần trước đó, truyền thông Triều Tiên không nêu đích danh Trung Quốc.
Nhà nghiên cứu Cheong Seong Chang tại Viện Sejong (viện nghiên cứu chính sách tại Hàn Quốc), nói với NK News rằng việc Triều Tiên - Trung Quốc cãi nhau công khai trên mặt báo là điều hiếm gặp, 2 đồng minh này thường trách những sự xung khắc quá lộ liễu.
"Không dễ tìm được tiền lệ cho việc Triều Tiên chỉ trích Trung Quốc trừ một vài lần trong thời Cách mạng Văn hóa và lúc quan hệ Trung Quốc - Liên Xô rạn nứt".
"Tình hình hiện tại cho thấy quan hệ song phương đang căng thẳng nghiêm trọng", ông Cheong nói.
Tại khu vực biên giới Trung - Triều, một dự án được đầu tư 30 tỷ nhân dân tệ, khởi xướng năm 2011 nhằm thúc đẩy giao thương giữa Trung Quốc và Triều Tiên đã bị dừng lại không lý do.
Vụ thử tên lửa cũng được xem là hành động khiêu khích đầu tiên kể từ khi tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In nhậm chức hôm 10/5.