Tổng thống Nayib Bukele đắc cử vào năm 2019 ở tuổi 37, trở thành một trong hai người trẻ tuổi nhất trên thế giới đứng đầu chính phủ một quốc gia. Từng nổi lên với hình ảnh mới mẻ và là bậc thầy về truyền thông trên mạng xã hội, nhà lãnh đạo 8X vài tháng qua gây nhiều tranh cãi khi chuyển sang chính sách kiểu "bàn tay thép".
Ngày 13/3, Carlos Henriquez Cortez trở về El Salvador sau chuyến công tác 2 ngày tại Guatemala. Người kỹ sư 67 tuổi dự định tự cách ly tại nhà. Ông biết chính phủ bắt buộc công dân El Salvador và khách nước ngoài cách ly ở các "trung tâm khống chế" để ngăn dịch Covid-19 lan rộng, nhưng nghĩ rằng người cao tuổi sẽ được đặc cách.
Nhân viên an ninh sân bay vẫn cho bắt giữ Henriquez và chuyển ông đến điểm cách ly tập trung. Theo lời kể của Henriquez với vợ, cơ sở này không có giấy vệ sinh và cũng không đủ khoảng không để hạn chế giao tiếp xã hội.
Không lâu sau, khi người kỹ sư 67 tuổi bắt đầu sốt, cơ quan chức năng lại cho rằng ông không thể nhiễm virus corona do Guatemala chưa ghi nhận ca bệnh Covid-19 nào vào thời điểm đó. Phải đến lúc bệnh nặng nhập viện, Henriquez mới được xét nghiệm Covid-19 và nhận kết quả dương tính. Ông qua đời vào ngày 22/4.
Tạp chí Economist gọi Henriquez là một trong những "thương vong" trong chiến dịch phong tỏa của El Salvador. Quốc gia Trung Mỹ đang áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch hà khắc nhất thế giới. Từ ngày 6/4 đến 8/5, cơ quan chức năng đã bắt giữ gần 2.300 người bị cáo buộc vi phạm lệnh cách ly với thời hạn giam giữ lên đến 30 ngày.
Kiến trúc sư trưởng của lệnh phong tỏa kiểu "bàn tay thép" chính là Tổng thống Nayib Bukele. Trong khi nhà lãnh đạo 38 tuổi khẳng định chiến lược cứng rắn là cách duy nhất bảo vệ nhân dân El Salvador trước đại dịch, đang có nhiều chỉ trích cho rằng ông đang phá vỡ những thể chế đã gìn giữ nền dân chủ ở quốc gia Trung Mỹ gần ba thập kỷ qua.
El Salvador là một trong những nước tiên phong tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở châu Mỹ. Lệnh được đưa ra vào ngày 21/3. Tổng thống Nayib Bukele yêu cầu cách ly trên quy mô toàn quốc với rất ít trường hợp ngoại lệ.
Sự quyết đoán của nhà lãnh đạo trẻ tuổi ban đầu nhận được ủng hộ từ nhiều phía. Tuy nhiên, cách ông sử dụng cảnh sát và quân đội đã vấp phải chỉ trích lạm dụng quyền lực khẩn cấp, làm hạn chế quyền tự do dân sự và suy yếu nền tảng dân chủ.
Theo báo cáo của tổ chức Quan sát Nhân Quyền (HRW), ông Bukele liên tiếp bỏ ngoài tai cảnh báo và phán quyết của Tòa án Tối cao rằng việc bắt giữ người vi phạm lệnh cách ly là trái pháp luật. Sắc lệnh trong khi đó chỉ cho phép lực lượng chức năng đưa người vào trung tâm cách ly nếu họ được xác nhận đã nhiễm virus corona.
Trong kết luận ngày 26/3, Tòa án Tối cao El Salvador nhấn mạnh luật pháp hiện hành không cho phép lực lượng an ninh bắt người vào trại cách ly chỉ với lý do vi phạm quy định phong tỏa. Việc bắt giữ chỉ dựa trên sắc lệnh hành pháp là không phù hợp với hiến pháp.
Đáp lại, Tổng thống Bukele ngày 6/4 thông báo trên Twitter ông đã ra lệnh cho cảnh sát và quân đội "cứng rắn hơn với người vi phạm cách ly". Ông khẳng định sẽ không bận tâm nếu cảnh sát "vặn cổ tay một người nào đó" trong quá trình bắt giữ.
Hai ngày sau, Tòa án Tối cao El Salvador tái khẳng định "tổng thống, Cảnh sát Quốc gia, Các lực lượng Vũ trang và mọi lực lượng chức năng về mặt hiến pháp không được phép" giam giữ người trong "trung tâm khống chế" chỉ vì vi phạm lệnh phong tỏa.
Tòa án nhấn mạnh chỉ khi quốc hội thông qua đạo luật thì việc bắt giữ mới được xem là hợp pháp.
Tổng thống Bukele ngày 9/4 tiếp tục phản pháo trên Twitter. Ông tuyên bố "mọi cá nhân vi phạm cách ly phải bị giam trong trung tâm khống chế 30 ngày hoặc đến khi chuyên gia y tế xác minh họ có nhiễm bệnh hay chưa".
Trong phán quyết lần thứ ba vào ngày 15/4, Tòa án Tối cao chính thức ra lệnh Tổng thống Bukele phải chấp hành các kết luận trước đó, theo đúng quy định của hiến pháp El Salvador. Chưa đầy một giờ sau, nhà lãnh đạo 38 tuổi cáo buộc ngược lại cơ quan cấp cao nhất trong hệ thống tư pháp đất nước, chỉ trích các thẩm phán Tòa án Tối cao đang ngăn cản nỗ lực chống dịch Covid-19.
"Chỉ 5 người không thể quyết định chuyện sống chết của hàng trăm nghìn người El Salvador", ông nhấn mạnh trong đăng tải rạng sáng 16/5 sẽ không chấp hành phán quyết của tòa.
Trong cả 3 lần đối đầu giữa Tòa án Tối cao và Tổng thống Bukele, lực lượng an ninh quốc gia luôn đứng về phía nhà lãnh đạo trẻ tuổi bất chấp những quy định của hiến pháp. Mỗi dòng tweet của tổng thống được xem là mệnh lệnh hợp pháp và có thẩm quyền cao nhất, theo nhận định của Economist.
"Ông Bukele hành xử như thể đại dịch Covid-19 cho phép ông quyền bãi bỏ vai trò của Tòa án Tối cao trong việc kiểm soát những hành vi xâm hại nhân quyền từ nhánh hành pháp", Jose Miguel Vivanco, Giám đốc khu vực châu Mỹ của HRW, nhận định.
Đến tuần qua, trước những sức ép từ Tổng thống Bukele, quốc hội El Salvador cuối cùng cũng thông qua đạo luật cho phép cảnh sát và quân đội bắt giữ người vi phạm lệnh cách ly.
Theo Miranda Cady Hallett, phó giáo sư nhân chủng học và nhân quyền của Đại học Dayton (Mỹ), tại El Salvador, kiểu chính sách cứng rắn cả trong ngôn từ và hành động mà Tổng thống Nayib Bukele đang theo đuổi được gọi là "La Mano Dura", hay "Nắm đấm Thép". Nhưng thay vì chỉ quyết liệt với băng đảng tội phạm như những chính phủ tiền nhiệm, cuộc khủng hoảng Covid-19 cho thấy nhà lãnh đạo trẻ tuổi dường như muốn áp dụng chính sách này trên tất cả phương diện, với sự chống lưng chính là sức ảnh hưởng to lớn thông qua mạng xã hội.
Theo New York Times, Bukele được xem là một người "ngoài cuộc" trên chính trường. Ông bỏ học trường luật và dành phần lớn những năm tháng tuổi đôi mươi để quản lý các hộp đêm của gia đình.
Sự nghiệp chính trị của ông mới bắt đầu gần 8 năm trước, khi trở thành thị trưởng Nuevo Cuscatlan vào năm 2012. Ông tiếp đà thăng tiến và đắc cử thị trưởng thủ đô 3 năm sau. Dấu ấn nổi bật nhất của ông trong thời gian đó là xây lại các quảng trường trung tâm San Salvador, mà theo ông đã giành lại quyền kiểm soát thành phố từ tay của các băng đảng.
Nayib Bukele cũng tạo hình ảnh gần gũi với giới trẻ tại quốc gia Trung Mỹ. Ngày tuyên thệ nhậm chức gần 1 năm trước, ông không thèm đeo cravat. Trước đó vài tháng, ông mặc quần jean và áo khoác da để tuyên bố chiến thắng bầu cử. Hiếm khi nào ông xuất hiện trong bộ vest như các chính trị gia truyền thống.
Nhà lãnh đạo 38 tuổi gần như sống trên mạng xã hội. Trong tháng 4 vừa qua, cứ trung bình 25 phút ông lại đăng một dòng trạng thái trên Twitter. Cũng chính các trang mạng xã hội đã đưa Nayib Bukele đến với đỉnh cao quyền lực.
Ông bị khai trừ khỏi đảng cầm quyền FMLN (Mặt trận Giải phóng Quốc gia Farabundo Marti) vào tháng 10/2017 vì những chỉ trích chống lại đảng. Bước ngoặt này lại mở đường giúp Bukele trở thành ứng viên sáng giá cho cuộc đua đến ghế tổng thống. Ông nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ người dân với hứa hẹn cải cách những khu dân cư nghèo, lập trường cấp tiến trong nhiều vấn đề xã hội như hôn nhân đồng tính và tiếng nói "nặng ký" trên mạng xã hội được xây dựng tỉ mỉ trong 6 năm.
"Giây phút FMLN đá ông ấy đi, họ biết họ sẽ thua cuộc bầu cử tổng thống", Ricardo Avlar, biên tập viên chính trị tờ El Diario de Hoy, nhận định trên tạp chí Americas Quaterly.
Những thông điệp chỉ trích của Nayib Bukele nhắm vào cả hai đảng lớn nhất El Salvador là FMLN và Alianza Republicana Nacional (Liên minh Cộng hòa Quốc goia - ARENA), thúc đẩy làn sóng tẩy chay chưa từng có tiền lệ với cuộc bầu cử quốc hội năm 2018.
Tháng 3 năm đó, gần 58% cử tri không đi bầu. Một số người tham gia còn sửa lại phiếu bầu với ghi chú "Nayib 2019", ủng hộ cựu thị trường San Salvador ứng cử tổng thống. Tiếng nói trên mạng xã hội của chính trị gia 8X đã đủ sức chi phối cả chính trường.
Trong đoạn video đăng trên Facebook một ngày sau cuộc bầu cử quốc hội, Nayib Bukele chỉ trích những bình luận nói đảng cánh hữu ARENA đã giành chiến thắng: "Họ đang phân tích bảng tỷ số của một trận đấu mà người dân không thèm tham gia nữa". Ba ngày sau, đoạn video vượt mốc 1,5 triệu lượt xem.
Các khảo sát ước tính nếu bầu cử tổng thống được tổ chức ngay ngày hôm sau, ông Bukele sẽ nắm gọn chiến thắng trong tay.
Ngày 2/10/2018, Bukele phát trực tiếp tuyên bố tranh cử tổng thống từ phòng khách nhà mình, trên mạng xã hội Facebook. Thời điểm đó, số người theo dõi tài khoản của ông lên đến 1,3 triệu người, tương đương 20% dân số cả nước, theo Americas Quaterly. Bốn tháng sau, Bukele giành chiến thắng với 54% phiếu bầu, bỏ xa hai ứng viên của ARENA và FMLN.
Kết quả bầu cử tương đương một cơn địa chấn trên chính trường El Salvador, phá vỡ thế lưỡng đảng kéo dài gần 3 thập kỷ sau nội chiến.
Phần lớn cử tri El Salvador đã hy vọng chính trị gia thuộc "thế hệ thiên niên kỷ" (Millennials) sẽ thay đổi cuộc sống của người dân tại đất nước nhiều năm qua chật vật trong đói nghèo, tham nhũng và tỷ lệ tội phạm sát nhân thuộc hàng cao nhất thế giới.
Tuy nhiên, ngay thời điểm đó đã có những người hoài nghi về tương lai. Chiến dịch tranh cử của Bukele được tổ chức chủ yếu thông qua mạng xã hội, với lời lẽ công kích những thiết chế chính trị truyền thống nhiều hơn mức chi tiết về kế hoạch lèo lái đất nước. Ông không tổ chức những buổi vận động cử tri, bỏ qua các buổi tranh luận với ứng viên đối thủ và né tránh phỏng vấn từ những nhà báo đủ gai góc.
"Đó là hình ảnh của một người kiêu ngạo, chuyên quyền và không dám đối mặt trước đối thoại", Alvaro Artiga, chuyên gia về khoa học chính trị tại Đại học Trung Mỹ, cảnh báo.
Tỷ lệ người rời khỏi El Salvador đi tìm cuộc sống mới ở những nước lân cận có xu hướng giảm đi sau khi ông Nayib Bukele trở thành tổng thống. Điều này có thể một phần vì người dân kỳ vọng ông sẽ đẩy lùi được tội phạm và đói nghèo.
Tính đến thời điểm này, chính sách ứng phó đại dịch của ông vẫn nhận được sự ủng hộ khoảng 4/5 cử tri. Hơn 80% cử tri được khảo sát vẫn ủng hộ ông. Đảng Ý tưởng Mới (Nuevas Ideas) của Bukele có triển vọng thắng lớn trong kỳ bầu cử quốc hội kế tiếp, dự kiến tổ chức vào tháng 2/2021.
Tuy nhiên, tân tổng thống 8X đang gây tranh cãi khi lãnh đạo bằng những biện pháp ngược lại nền tảng dân chủ truyền thống, theo Economist.
Tín hiệu cảnh báo đầu tiên là sự kiện ngày 9/2, khi các đề xuất duyệt chi ngân sách cho chương trình an ninh của chính phủ không qua được "ải" quốc hội, vốn đang do hai đảng FMLN và ARENA kiểm soát. Tổng thống Bukele chọn phá thế bế tắc bằng cách đưa quân đội và súng máy vào tòa nhà quốc hội tạo sức ép, gây nên cú sốc lớn đối với giới quan sát chính trị cả trong và ngoài nước.
Khi đại dịch bùng phát, ngoài lệnh bắt giữ mọi trường hợp vi phạm lệnh phong tỏa và màn đối đầu với Tòa án Tối cao cuối tháng 3 đến đầu tháng 4, "bàn tay thép" của Tổng thống Bukele còn được thể hiện qua quyết định phủ quyết đạo luật cho phép sơ tán công dân đang kẹt ở nước ngoài trở về El Salvador.
Lúc những nhà lập pháp tìm cách đảo ngược quyết định này, ông tung tin đội nghiên cứu dịch tễ học chính phủ "phát hiện nghi vấn dịch Covid-19" trong quốc hội, chỉ vài phút sau khi một nghị sĩ ho tại nghị trường. Tuyên bố trên Twitter, ông cảnh báo tòa nhà cần được đóng cửa. Thông điệp khiến giới lập pháp hoảng sợ đến mức bỏ chạy, đẩy quốc hội vào cảnh không đủ số lượng đại biểu để tiến hành bỏ phiếu.
Một trong những lời hứa then chốt của Tổng thống Bukele với cử tri là chấm dứt tình trạng băng đảng tội phạm lộng hành trên cả nước. Chính vì thế, khi số vụ án giết người tại El Salvador tăng liên tục trong vài ngày của tháng 4, ông đã phản ứng quyết liệt.
Đăng tải trên Twitter, Tổng thống Bukele tuyên bố cảnh sát có quyền bắn hạ tội phạm băng đảng để tự vệ hoặc bảo vệ người khác. Ông cũng chấm dứt chính sách giam giữ thành viên hai băng nhóm lớn nhất nước ở các khu vực cách biệt, vốn đã được áp dụng từ năm 2004.
Theo giới chuyên gia an ninh El Salvador, đảo ngược chính sách giam giữ tách biệt các băng nhóm gửi đi một thông điệp đáng lo ngại về chính sách đối phó tội phạm băng nhóm của Tổng thống Bukele.
"Đây là một lời mời (các băng nhóm) tự giết lẫn nhau", Jose Miguel Cruz, chuyên gia về tội phạm có tổ chức ở El Salvador, hiện làm việc tại Đại học Quốc tế Florida, nhận định.
Ngày 26/4, văn phòng của ông Bukele tiếp tục chia sẻ trên mạng xã hội hình ảnh hàng trăm phạm nhân là thành viên các băng đảng cởi trần, mang mỗi quần cụt và khẩu trang, bị trói và bắt ngồi xếp lớp, ép sát vào nhau trên sàn nhà giam. Những hình ảnh trái ngược với quy định giãn cách tiếp xúc xã hội do chính tổng thống công bố lập tức khiến giới quan sát lo ngại về nguy cơ bùng phát lây nhiễm virus corona trong các cơ sở giam giữ.
"Chúng sẽ bị giam giữ trong bóng tối cùng với bạn bè của chúng từ băng đảng khác", nhà lãnh đạo tuyên bố trên mạng xã hội.
Nayib Bukele khi đắc cử đã hứa hẹn "một kỷ nguyên mới" cho El Salvador. Tuy nhiên, hình ảnh tù nhân dù đã ngồi tù vẫn tiếp tục chịu sự trừng trị kiểu "bàn tay thép" cho thấy "một sự tiếp nối của những biện pháp mà chúng ta từng chứng kiến", theo chia sẻ trên tạp chí Americas Quaterly của Sonja Wolf, chuyên gia về chính trị băng đảng ở El Salvador.
Kiểu lãnh đạo bằng sức mạnh tuyệt đối mà Tổng thống Bukele theo đuổi vài tháng qua trái ngược hoàn toàn với hình ảnh chính trị gia trẻ tuổi, đầy nhiệt huyết và niềm hy vọng đổi mới mà cộng đồng quốc tế kỳ vọng khi ông mới nhậm chức.
Khi còn là thị trưởng San Salvador, tạp chí TIME năm 2017 từng ca ngợi ông Bukele "đấu tranh với tội phạm bằng sự sáng tạo" và giải quyết "bạo lực bằng công tác xã hội". Vào ngày ông đắc cử, đại sứ Mỹ còn bày tỏ sự lạc quan trước "cách nhìn nhận vấn đề rất thực tế" của tân tổng thống 8X.
"Những người từng ca ngợi và tin tưởng ông dần nhận ra chúng ta đang đối diện với một tổng thống chuyên quyền, thiếu trách nhiệm và chưa đủ trưởng thành. Một người có thể gây nên tổn hại không thể cứu chữa cho đất nước", Ceila Medrano, nhà hoạt động nhân quyền tại El Salvador, cảnh báo.
Những chính sách của Tổng thống Bukele vài tháng qua nhanh chóng vấp phải phản đối từ nhiều luật sư, hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu và nhóm hoạt động nhân quyền trong lẫn ngoài nước. Hai nhân vật cấp cao trong Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ cũng gửi thư lên án những hình ảnh "hạ thấp nhân phẩm không cần thiết" đối với tù nhân ở El Salvador.
Một số ý kiến còn lo ngại chính phủ của nhà lãnh đạo 8X đang tiến dần đến mô hình độc tài, theo New York Times.
"Tổng thống đang dựa nhiều hơn vào quân đội và cảnh sát. Những lực lượng này đang trở lại với vai trò đàn áp", Luis Coto, một linh mục Công giáo ở miền Trung El Salvador, chia sẻ.
"Chúng ta đang bước lùi, dần trở lại tình cảnh của thời nội chiến".
El Salvador đã có gần 700 ca nhiễm và 15 ca tử vong. Để giảm tác động kinh tế, chính phủ hứa hỗ trợ gần 300 USD cho mỗi hộ gia đình trong số 1,5 triệu hộ nghèo trên toàn quốc, gấp ba lần thu nhập trung bình tháng của nhiều người. Tuy nhiên, với mức nợ công lên đến 70% GDP, biện pháp này khiến nhiều người lo lắng thiếu tính toán kỹ lưỡng.
Economist thậm chí còn so sánh cách Tổng thống Bukele điều hành chính phủ theo cách của một "caudillo" - lãnh chúa địa phương. Ông giao phó quyền lực chủ yếu cho các thành viên trong gia đình.
Đệ nhất phu nhân Gabriel đảm trách việc chọn lựa thành viên nội các. Chú ruột của ông trở thành bộ trưởng thương mại. Cơ quan xúc tiến xuất khẩu thì giao cho bố ruột của con đỡ đầu. Những người bạn thời niên thiếu thành lãnh đạo cơ quan quản lý kho cảng và Bộ Nông nghiệp El Salvador. Vào tháng 3, đảng Nuevas Ideas bầu họ hàng của tổng thống lên làm chủ tịch.
Theo giới quan sát, những cộng sự có sức ảnh hưởng lớn nhất của Tổng thống Bukele chính là anh em ruột của ông: Karim, Ibrajim và Yusef. Một nhà kinh tế học nhận định nhà lãnh đạo 8X đang tiến hành một "dự án gia đình tập đoàn", đưa nhà Bukele trở thành gia tộc quyền lực nhất đất nước.
Những người phản đối Tổng thống Bukele cho rằng các hành động và luận điệu cực đoan từ nhà lãnh đạo đang khiến đất nước phân cực.
"Tranh luận diễn ra theo hai thái cực. Không có đối thoại. Hoặc là bạn theo phe ông ấy, hoặc bạn chống lại ông ấy", Johnny Wright Sol, cựu hại nghĩ sĩ và chủ tịch đảng Nuestro Tiempo theo trường phái trung dung, nhận định.