Năm 2019 là năm người Việt Nam phải gánh chịu những tai ương liên tiếp gây ra bởi chính con người. Công ty thuê người đổ dầu thải đầu nguồn sông Đà khiến hàng vạn hộ dân Hà Nội dùng nước nhiễm dầu. Nông dân đốt rẫy thiêu rụi luôn hàng chục ha rừng Hà Tĩnh. 13 triệu dân TP.HCM thấp thỏm sống chung với ô nhiễm bởi khí thải do chính mình gây ra...
Cháy nhà máy Rạng Đông: Ô nhiễm thủy ngân, chính quyền bất nhất
Tối 28/8, kho chứa hàng triệu bóng đèn của Công ty Rạng Đông bùng cháy. Người dân khi ấy khó mà hình dung được mối nguy hiểm thủy ngân mà họ phải đối mặt ngay sau đó.
Sau vụ cháy, người dân sống gần nhà máy, lính cứu hỏa, phóng viên tác nghiệp vụ cháy… đồng loạt đi kiểm tra sức khỏe trước những cảnh báo bất nhất từ chính quyền. Trong khi chờ một giải pháp thống nhất từ thành phố, nhiều hộ dân tự cứu mình bằng cách tháo chạy khỏi khu vực ô nhiễm, đến nơi ở khác, bỏ lại những căn nhà trống không.
10 ngày sau vụ cháy, hàng trăm hộ dân quanh Công ty Rạng Đông đã phải sơ tán khỏi chính ngôi nhà của mình vì nguy cơ nhiễm độc thủy ngân. Ảnh: Duy Hiệu. |
Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết khối lượng thủy ngân phát tán ra môi trường có thể lên tới 27,2 kg, nồng độ thủy ngân vượt ngưỡng an toàn 10-30 lần. Bộ khuyến cáo người dân không dùng thực phẩm, nguồn nước ngầm xung quanh nhà máy, ngược lại, thành phố khẳng định chỉ số môi trường quanh khu vực an toàn. Người dân một lần nữa "tiến thoái lưỡng nan" trước những công bố bất nhất từ chính quyền.
Hai tuần sau vụ cháy, Bộ Tư lệnh Hóa học phối hợp cùng các đơn vị liên quan tiến hành tẩy độc khu vực. Đến lúc này, người dân mới tạm yên tâm khi Bộ TN&MT phát thông báo môi trường xung quanh nhà máy đã an toàn.
Sự việc xảy ra kéo theo những câu hỏi về trách nhiệm, năng lực của chính quyền Hà Nội trong giải quyết thảm họa môi trường và nguyên nhân các cơ sở sản xuất công nghiệp vẫn tồn tại trong khu dân cư dù Chính phủ đã có quyết định di dời từ năm 2003.
Nước sông Đà nhiễm bẩn: Lòng vòng "chuyền bóng" trách nhiệm
Khi những câu hỏi sau vụ cháy Rạng Đông còn bỏ ngỏ, người dân thủ đô lại tiếp tục phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nước sạch sông Đà.
Ngày 10/10, hàng vạn hộ dân thuộc 8 quận, huyện hoang mang phát hiện nước sinh hoạt có mùi khét “như nhựa cháy”. Người Hà Nội khi ấy không biết rằng, trước đó một ngày, Công ty nước sạch sông Đà (Viwasupco) đã phát hiện dấu hiệu đổ trộm dầu thải tại khe núi xã Phú Minh, Kỳ Sơn (tỉnh Hòa Bình), đầu nguồn nước sông Đà.
2 ngày sau, thông tin này mới được gửi đến chính quyền Hà Nội và 5 ngày sau mới chính thức "đến tai" người dân. Ngày 15/10, nhà chức trách Hà Nội khuyến cáo người dân không dùng nước máy sông Đà để nấu ăn do hàm lượng styrene vượt quá quy chuẩn và quy trách nhiệm cho Viwasupco vì không lập tức báo cáo khi phát hiện ô nhiễm.
Cuộc sống người dân đảo lộn vì mất nước. Nước lọc đóng chai “cháy hàng” tại nhiều khu phố. Khung cảnh từng đợt người xếp hàng dài suốt ngày đêm trước những xe nước miễn phí do thành phố cung cấp khiến người Hà Nội “dở khóc dở cười” nhớ lại thời bao cấp.
Khi nguồn nước máy duy nhất trong thành phố ô nhiễm tới mức không thể sử dụng, người dân không có lựa chọn nào. Ảnh: Zing.vn |
Trước tình cảnh hàng vạn hộ dân mất nước, lãnh đạo Viwasupco trần tình “công ty là nạn nhân lớn nhất của sự việc” và thanh minh rằng đã báo cáo với chính quyền Hòa Bình ngay khi phát hiện. Lời thú nhận này khiến dư luận "dậy sóng" với câu hỏi về khả năng và trách nhiệm ứng phó sự cố môi trường của Viwasupco cũng như các cấp chính quyền. Quả bóng trách nhiệm được chuyền qua đá lại giữa chính quyền và doanh nghiệp cho đến khi Công an tỉnh Hòa Bình tạm giữ 3 nghi phạm đổ thải.
Vụ việc dần hé lộ khi nhóm này khai được Công ty cổ phần gốm sứ Thanh Hà (Phú Thọ) thuê xử lý dầu cặn trong sản xuất. Sự việc gây ra bởi một vài cá nhân chứng minh an ninh nguồn nước của hàng vạn hộ dân Hà Nội đang lỏng lẻo thế nào. Đồng thời, sự thiếu thống nhất trong cách xử lý của nhà quản lý là "chất xúc tác" khiến người dân bất an chồng bất an.
12 ngày sau sự cố, Hà Nội tuyên bố nước sông Đà đã lại đạt chuẩn. Hàng vạn hộ dân khu vực Tây Nam Hà Nội tiếp tục quay lại dùng nước của Viwasupco với khoản bồi thường “một tháng dùng nước miễn phí”, bất chấp loạt bê bối nước nhiễm dầu cùng hơn 20 lần vỡ đường ống dẫn nước của đơn vị này. Bởi lẽ, họ không có lựa chọn khác.
Sự cố về an ninh nguồn nước một lần nữa mở ra nỗi lo ngại của người dân khi phải trả phí cho những nhu yếu phẩm được cung cấp độc quyền, nhưng lại mang nhiều rủi ro về chất lượng.
Ô nhiễm không khí: Con người là nạn nhân, con người là nguyên nhân
Nếu ô nhiễm Rạng Đông và nước sạch sông Đà chỉ là hai đợt khủng hoảng trong thời gian ngắn, thì ô nhiễm không khí lại là mối nguy hại mà người dân Hà Nội và TP.HCM đã phải chịu đựng suốt nhiều năm, với cấp độ tăng dần. Nhiều thời điểm trong năm 2019, hai thành phố lớn nhất nước "thay phiên" nhau đứng trong danh sách thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới, theo xếp hạng của ứng dụng quan trắc quốc tế AirVisual.
Tình trạng ở Hà Nội tồi tệ hơn cả. Từ 10 đến 16/12, chỉ số AQI liên tục vượt ngưỡng 300, không khí ở mức nguy hại. Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) và Bộ Y tế phải ra khuyến cáo người dân hạn chế hoạt động ngoài trời, đeo khẩu trang khi ra đường và đóng kín cửa.
TP.HCM (trái) và Hà Nội (phải) trong những ngày ô nhiễm đỉnh điểm, không khí chạm ngưỡng nguy hại. Ảnh: Zing.vn. |
Tại TP.HCM, tòa nhà biểu tượng Landmark 81 nhiều ngày biến mất sau lớp mù đặc quánh và người dân chỉ được biết chỉ số ô nhiễm của thành phố sau...15 ngày từ thời điểm quan trắc. Đại diện Sở TNMT thừa nhận việc chậm thông báo các chỉ số ô nhiễm là do quan trắc bằng phương pháp thủ công.
Người dân TP.HCM sẽ phải chờ đến năm 2030 để cập nhật thông tin ô nhiễm khi hệ thống 18 trạm quan trắc tự động liên tục trị giá 500 tỷ chính thức hoàn thiện và vận hành.
Sau nhiều đợt ô nhiễm liên tục suốt cả năm, ngày 19/12, Bộ TN&MT mới công bố 6 nguyên nhân chính khiến Hà Nội và TP.HCM ô nhiễm không khí kéo dài, trong đó, phương tiện giao thông và hạ tầng xây dựng là 2 nguồn phát thải lớn nhất.
Bộ đưa ra nhiều quyết sách cải thiện tình hình. Nhưng cho đến khi thấy được kết quả từ những quyết sách đó, người dân vẫn phải tự cứu mình bằng việc “hạn chế hoạt động ngoài trời” trong những ngày không khí nguy hại, như khuyến cáo của Tổng cục Môi trường.
Miền Trung cháy hiếm thấy, Phú Quốc ngập chưa từng thấy
Khi miền Bắc "oằn mình" chống đỡ những sự cố môi trường liên tiếp, miền Trung và miền Nam cũng ở trong tình cảnh không mấy lạc quan.
Ngày 27/6, một nông dân Hà Tĩnh đốt cỏ làm cháy lan cả 7 ha rừng. Ngay hôm sau, một người dân khác đốt rác trong vườn nhà, thiêu rụi luôn cả 50 ha rừng thông phòng hộ tại Hà Tĩnh.
Đó chỉ là 2 trong 45 vụ cháy xảy ra trong 6 ngày cuối tháng 6/2019, thiêu rụi 293 ha rừng dọc miền Trung. Hà Tĩnh là tỉnh phải "chạy lửa" nhiều nhất. Có ngày, cùng lúc toàn tỉnh xảy ra 3 vụ cháy rừng. Có đám cháy 1.000 người phải tham gia dập lửa. Có đám cháy dập lửa 3 ngày chưa tắt. Nhiều tỉnh phải cắt điện để phòng sự cố cháy nổ.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, 6 tháng đầu năm, 156 vụ cháy rừng đã xảy ra tăng 64% so với cùng kỳ năm 2018, diện tích rừng bị cháy là 930 ha, tăng 705 ha.
Phú Quốc ngập lịch sử trong 100 năm (trái) và rừng toàn miền Trung liên tục cháy hiếm thấy. Ảnh: Phan Thừa và Phạm Trường. |
Hai tháng sau, Phú Quốc (Kiên Giang) ngập chưa từng thấy trong lịch sử 100 năm. Lượng mưa hơn 1.000 mm từ ngày 2-9/8, chiếm 1/3 lượng mưa trung bình cả năm, nhấn chìm 8.424 căn nhà và 63 km đường, cuốn trôi hơn 68 tỷ đồng của người dân "đảo ngọc". Nước ngập mênh mông ở nhiều khu dân cư, dự án sát biển là điều khó ai tưởng tượng ra. Đợt mưa ngập lịch sử phơi bày những bất cập về quy hoạch xây dựng, hạ tầng vốn được nói đến nhiều năm nay ở Phú Quốc.
Phát biểu tại một hội nghị vào tháng 8, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh con người chính là nguyên nhân khiến tác động của biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt hơn.
Tận thu nước ngầm rồi... chịu ngập
Người dân TP.HCM vừa thở phào vì không chịu ngập trong đợt mưa tháng 8 như Phú Quốc thì đến cuối tháng 9, TP.HCM phải đối mặt với đợt triều cường cao chưa từng có suốt 10 năm. Đỉnh triều đạt mức kỷ lục 1,74 m gây ngập 13 điểm, độ sâu từ 0,1 đến 0,35 m.
Một tháng sau, người Nam Bộ lại tiếp tục hoang mang khi The New York Times công bố nghiên cứu dự báo gần như cả miền Nam sẽ biến mất vào năm 2050. Trước sự tranh cãi của các học giả trong nước về kịch bản này, tác giả của nghiên cứu thuộc tổ chứcClimate Central (Mỹ) đính chính với Zing.vn rằng khu vực sinh sống của khoảng 150 triệu người Việt Nam không biến mất hoàn toàn, nhưng có thể bị nhấn chìm khi nước triều đạt đỉnh.
Nguy cơ không trầm trọng như The New York Times đưa tin, nhưng dự báo cho thấy mối nguy hại lớn hơn các kịch bản trước đó. Khuyến cáo này có cùng xu hướng với công bố hồi tháng 6 của Bộ TN&MT về nguy cơ ngập toàn miền Nam đang ngày càng nhanh hơn.
Khu nhà giàu Thảo Điền ngập sâu nhất trong đợt triều cường lịch sử tại TP.HCM năm 2019. Ảnh: Lê Quân. |
Kết quả đo mốc cao độ giai đoạn 2014-2017 ở TP.HCM và đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cho thấy 306/339 mốc lún so với năm 2005. Khoảng 3.400 km2 diện tích thuộc 9 tỉnh miền Nam lún trên 10 cm. Vùng có mức độ lún cao nhất là phường An Lạc, quận Bình Tân (TP.HCM) với tốc độ lún trung bình là 6,78 cm/năm.
Khai thác nước ngầm và suy giảm mực nước ngầm được cho là một trong những nguyên nhân chính gây sụt lún. Thống kê ở ĐBSCL và TP.HCM có khoảng 9.650 giếng cấp nước tập trung với tổng lưu lượng khai thác gần 2 triệu m3/ngày. Ngoài ra, còn có khoảng 990.000 giếng quy mô hộ gia đình với lưu lượng khoảng 840.000 m3/ngày.
Bỏ qua tính tranh cãi về độ chính xác của các dự báo, nhiều chuyên gia thúc giục chính quyền cần tìm mọi cách hạn chế giảm mực nước ngầm và cấp bách chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất năm 2050.
Nhà máy đốt rác phát điện: Tái tạo từ rác
Rác là vấn đề nan giải của TP.HCM suốt nhiều năm nay. Để giải quyết 9.100 tấn rác thải sinh hoạt mỗi ngày và giảm áp lực cho Khu xử lý chất thải rắn Đa Phước, đốt rác phát điện là hướng đi mới mà TP.HCM lựa chọn trong năm 2019. Thành phố hướng tới giảm tỷ lệ chôn lấp rác còn 50% vào năm 2020 và năm 2025 sẽ chuyển 80% rác thải thành năng lượng.
Thành phố đã khởi công 2/3 nhà máy xử lý rác hiện hữu để chuyển đổi công nghệ với tổng công suất dự kiến là 6.000 tấn/ngày. 2 dự án xử lý chất thải rắn với tổng công suất 1.500 tấn/ngày đang được đẩy nhanh tiến độ và một dự án công suất 2.000 tấn/ngày đang chờ nhà đầu tư.
Với định hướng phát triển nền kinh tế tuần hoàn của Chính phủ, giải pháp năng lượng tái tạo chuyển rác thành điện năng là hướng đi phù hợp để giải bài toán khủng hoảng rác cho TP.HCM.
Mùi hôi từ bãi rác Đa Phước từng gây bức xúc cho người dân khu Nam TP.HCM. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Năm 2019, Việt Nam lần đầu tiên vươn lên vị trí 67/141 trong bảng xếp hạng chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI), tăng 10 bậc chỉ trong 1 năm. Trái ngược với bức tranh kinh tế tươi sáng, thứ hạng tại bảng xếp hạng chỉ số Năng lực quản lý môi trường là 132/180 nước (năm 2018), tụt 53 bậc so với năm 2012.
Nhìn lại sự cố môi trường năm qua có thể thấy, thứ hạng này phản ánh một thực tế có thật về năng lực quản lý môi trường của Việt Nam.
Đầu năm 2019, Thủ tướng đã khẳng định phát triển bền vững là nhu cầu cấp bách và phải làm ngay. Nhưng quyết tâm của Thủ tướng không thể chỉ dựa trên việc hạn chế nguyên nhân gây ô nhiễm đến từ con người, mà còn phải tăng cường giải pháp từ chính con người - đặc biệt là cải thiện năng lực quản lý môi trường của hệ thống hành pháp.
An ninh môi trường liên tục bị xâm phạm qua từng biểu hiện của ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, biến đổi khí hậu… Những mối đe dọa môi trường đến bất ngờ hay được dự báo thời gian qua cho thấy chúng không còn là câu chuyện của địa phương hay một bộ, ngành riêng lẻ nào nữa.
Chúng ta là nguyên nhân và chúng ta cũng là giải pháp. Nhưng để giải pháp ấy đáp ứng mục tiêu trong Chiến lược Phát triển bền vững giai đoạn 2011-2020 mà Chính phủ đặt ra, Việt Nam còn một chặng đường dài phải đi.