Bản sắc trong bóng đá là một khái niệm khá trừu tượng. Bản sắc của Real dường như là việc phải chinh phục những danh hiệu. Bản sắc của Barca được định hình nhờ Johan Cruyff, tức là chỉ trong vài ba thập niên trở lại đây.
MU vừa có một trận đấu chật vật trước Tottenham. Ảnh: Getty. |
Bản sắc của Arsenal thường được định nghĩa là “đá đẹp”, nhưng thực tế thứ bản sắc ấy chỉ được tạo ra trong chưa tới 2 thập niên trở lại đây, thời điểm Arsene Wenger bắt đầu trẻ hoá lực lượng.
Dưới thời George Graham ở những năm 90 của thế kỷ trước, Arsenal có biệt danh là “boring, boring Arsenal”, ám chỉ một đội bóng có lối chơi nhàm chán nhất Anh quốc. Dấu ấn mạnh mẽ của một HLV thành công sẽ tạo ra bản sắc.
Bản sắc của MU, vì thế, trong trí nhớ của nhiều cổ động viên, được tạo ra từ giai đoạn Sir Alex Ferguson nắm quyền. Cái được gọi là “tinh thần United” in đậm dấu ấn của vị HLV người Scotland, với những màn kích thích tinh thần cầu thủ, gây sức ép với các trọng tài và HLV đối thủ, để tạo ra giai đoạn thành công rực rỡ nhất trong lịch sử đội bóng.
Sức ép của Solskjaer
Một trong những lý do lớn khiến Ole Gunnar Solskjaer được tin tưởng đến hiện tại là nhờ khái niệm “bản sắc”. Cuối năm ngoái, trong một bài viết trên trang chủ, MU đã không ngần ngại ca ngợi thứ bóng đá của Solskjaer đã làm tái hiện tinh thần và bản sắc trong quá khứ của “Quỷ đỏ”.
Việc Solskjaer, một người có hồ sơ xin việc làng nhàng trước đó được chọn đến phần nhiều nhờ cái vị thế học trò cưng của Sir Alex trong nghiệp HLV. Một thập niên trở lại đây, số lượng các cựu cầu thủ MU thành danh trên băng ghế huấn luyện hiếm như lá mùa thu. Solskjaer là một trong số đó.
Trong mùa giải thứ 2 nắm quyền tại Old Trafford, HLV người Na Uy đã phần nào đáp ứng được cái nhu cầu “bản sắc”, gợi nhớ đến hình ảnh MU thời Sir Alex của nhiều người.
Nửa đỏ thành Manchester thường chơi hay trong những trận cầu lớn, các cầu thủ cháy hết mình trên sân với một bầu không khí lành mạnh, khao khát trong phòng thay đồ.
Tuy nhiên, trong một thời đại mà mọi thành tích trên sân bóng đều được quy ra tiền, nhất là với những đội bóng lớn như MU, nhiều người tin rằng kết quả cuối cùng mới là thứ đánh giá được năng lực của Solskjaer.
Mọi HLV đã dẫn dắt MU kể từ khi Sir Alex giải nghệ vào năm 2013 đều sống sót nhờ suất dự Champions League. Không có nó, họ bị sa thải ngay lập tức.
Triều đại kéo dài 10 tháng của David Moyes tại MU kết thúc chỉ trong 48 giờ đồng hồ, kể từ khi ban lãnh đạo đội bóng biết họ không còn khả năng cạnh tranh cho một suất dự Champions League mùa sau.
Louis van Gaal tại vị trong mùa giải đầu tiên, vì đã đưa MU lọt top 4. HLV người Hà Lan bị sa thải ở mùa giải kế tiếp khi MU về đích ở vị trí thứ 5 tại Premier League, dù khi đó ông đã giành FA Cup.
Jose Mourinho thậm chí còn gây ấn tượng hơn, giúp MU hai năm liên tiếp dự Champions League, nhưng bị sa thải vào tháng 12/2018, sau một khởi đầu mùa giải tồi tệ khiến các ông chủ của CLB tin rằng, chỉ có điều thần kỳ mới giúp đội bóng này dự Champions League vào cuối mùa. Và họ đã đúng.
Solskjaer đã được ưu ái trong mùa giải thay thế Mourinho đó, bất chấp kết quả tồi tệ trong giai đoạn nước rút. Nếu chỉ tính trong 9 vòng đấu cuối của Premier League mùa 2018/19, MU xếp thứ 3 từ dưới tính lên, chỉ trên Watford và Huddersfield.
MU cán đích ở vị trí thứ 6 Premier League mùa 2018/19, nhưng sức ép cho Solskjaer là không lớn, vì Mourinho mới được coi là nguyên nhân chính cho việc CLB phải chơi ở Europa League.
Ban lãnh đạo MU liệu đã thay đổi tư duy về việc thuê mướn HLV? Ảnh: Getty. |
Tuy nhiên, ở mùa giải năm nay, HLV người Na Uy không còn đặc quyền đó nữa. Và nếu ông tiếp tục có màn nước rút tồi tệ như mùa giải năm ngoái, không ai dám chắc ghế của HLV này được đảm bảo.
Đến lúc MU cần kiên nhẫn
Sự thực dụng và việc ưu tiên các lợi ích kinh tế khiến nhà Glazer, các ông chủ của MU liên tục sa thải HLV trong nhiều năm qua, khi các HLV này không đảm bảo được một suất dự Champions League cho đội bóng.
Nhưng ở chiều ngược lại, việc không trao thêm cơ hội cho Moyes, Van Gaal hay thậm chí là Mourinho khiến MU không duy trì được sự liền mạch trong triết lý của các HLV.
Moyes có hơn 10 năm để xây dựng “bản sắc” cho Everton, tại MU ông có 10 tháng.
Van Gaal hay Mourinho thì quá nổi tiếng với những triết lý bóng đá đặc trưng của mình. Tuy nhiên, họ cũng không chịu nổi “nhiệt” tại United.
Trận hoà 1-1 trước Tottenham mới đây mang lại nhiều tín hiệu không lạc quan cho cuộc đua giành suất dự Champions League của MU mùa này. “Quỷ đỏ” phải chật vật lắm mới kiếm được 1 điểm trước đối thủ đang kém họ 3 bậc trên bảng xếp hạng.
MU mùa này không chỉ cạnh tranh với Tottenham cho cuộc đua top 4. Họ giờ chỉ hơn Sheffield United 2 điểm, Wolves 3 điểm trên bảng xếp hạng và thậm chí đã chơi nhiều hơn các đối thủ trên một trận.
Lịch sử đua nước rút kém cỏi của Solskjaer tại Premier League là một lý do khác khiến nhiều người tỏ ra lo ngại. Trước mùa giải năm ngoái, Solskjaer từng đưa Cardiff thẳng tiếng xuống hạng Premier League mùa 2013/14 với chỉ 3 chiến thắng trong 17 trận đấu ở nửa sau mùa giải.
Và nếu MU không dự nổi Champions League mùa tới, các CĐV có lẽ cũng đừng nên ngạc nhiên.
Thế nhưng, vì sao MU vẫn nên đặt niềm tin vào Solskjaer? Sau những mệt mỏi vì việc phải đập đi xây lại dưới thời Van Gaal hay Mourinho, MU có lẽ đã bắt đầu nghiêm túc hơn về việc tạo cơ hội để một “người nhà” như Solskjaer xây dựng bản sắc.
Phó chủ tịch Ed Woodward trong hơn một năm qua, nhiều lần khẳng định sự phù hợp của Solskjaer cho vị trí HLV trưởng United.
Cựu danh thủ người Na Uy hiểu lợi thế giúp mình tồn tại ở Old Trafford. Ông liên tục nhấn mạnh về việc tái hiện thứ văn hoá bóng đá của đội bóng trong quá khứ.
Ed Woodward có thể nhìn vào Liverpool, đội bóng mạnh nhất nước Anh vào thời điểm hiện tại để có thêm luận cứ về việc kiên nhẫn với Solsa.
Juergen Klopp mất 2 đến 3 mùa giải để tạo ra thứ gọi là “bản sắc” của ông ở Liverpool, dẫn đến những thành công rực rỡ như hiện tại. Trong mùa giải đầu tiên của Klopp tại Anfield, Liverpool thậm chí về đích thứ 8 trên BXH Premier League.
Solskjaer có thể không được đánh giá cao như Klopp, nhưng ông có vẻ như là người phù hợp nhất với MU lúc này. Nhược điểm về mặt kinh nghiệm cũng là lý do ông cần được trao thêm cơ hội và thời gian.
Trong nhiều năm qua, Ed Woodward đã luôn tự hào về việc giữ doanh thu MU ở mức hàng đầu thế giới, bất chấp những bất ổn trên băng ghế huấn luyện. Nhưng có lẽ đã đến lúc, cựu nhân viên kế toán này cần phải hy sinh vài con số đẹp trong báo cáo tài chính để giữ sự liền mạch cho đội bóng.
Đó là lý do ngay cả khi có thêm một mùa giải không dự Champions League với hàng chục triệu bảng thất thu, MU cũng nên tiếp tục đặt niềm tin vào Solskjaer.