Hơn 40 nhân viên phục vụ 15.000 tín đồ quà vặt
Anh Hiếu cho biết, khoảng thời gian 14h – 16h mỗi ngày luôn là khung giờ quá tải đòi hỏi toàn bộ hệ thống cung cấp quà vặt trực tuyến phải vận hành hết công suất để phục vụ hàng trăm đơn hàng trên toàn thành phố. “Nhà hàng có vài chục khách ngồi trên một mặt sàn mọi người đã ngỡ là đông nhưng tại đây, có những thời điểm nhân viên của mình phải phục vụ khoảng 400 khách hàng cùng lúc. Khách giục ời ời nhưng lượng người có hạn nên tạm thời cũng chỉ biết bình tĩnh xử lý từng đơn một”, anh nói.
Tòa nhà 4 tầng diện tích mặt sàn khoảng 120 m2 nằm trong ngõ nhỏ trên phố Hào Nam (Đống Đa, Hà Nội) tập trung tới hơn 40 nhân viên được phân công làm việc theo quy trình khép kín. Quy trình này bao gồm 4 - 5 nhân viên trực điện thoại và nhận đơn, 8 - 10 đầu bếp chính làm việc trong khu chế biến riêng biệt, gần chục nhân viên đóng gói và phụ việc, 25 nhân viên giao hàng làm theo ca.
Trung bình mỗi ngày, hơn 40 nhân viên của anh Hiếu phục vụ khoảng 200 đơn hàng quà vặt trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Diệp Sa. |
Với tiêu chí phục vụ đối tượng khách hàng công sở, không bán hàng trực tiếp mà chỉ bán qua mạng. Phần lớn đơn đặt hàng theo nhóm hoặc tập thể với giá bán mỗi suất ăn chỉ dao động 8.000 - 35.000 đồng.
Toàn bộ quy trình từ khâu mua nguyên vật liệu, chế biến món ăn và sử dụng trong ngày, giao hàng, thanh toán được vận hành khép kín. Theo chủ shop, trong vòng 6 tháng tới, anh sẽ phải gia tăng nhân sự và mở rộng quy mô cơ sở vật chất nếu không hệ thống của anh sẽ thực sự quá tải với cộng đồng khách hàng hiện đã lên tới 15.000 người.
Chị Nguyễn Mai Linh (nhân viên hành chính, Chùa Bộc, Hà Nội) cho biết, chị và các đồng nghiệp thường xuyên nổi hứng ăn quà vặt vào giờ nghỉ trưa hoặc cuối giờ làm việc buổi chiều. "Khi cơn nghiện ăn vặt bùng lên thì giá cả không phải là vấn đề, quan trọng là chất lượng đồ ăn và tốc độ phục vụ. Tìm được địa chỉ bán và ship đồ ăn vặt hẹn giờ, có nhiều món ngon, đồ ăn được chế biến sạch sẽ, bao bì có tem nhãn thương hiệu và thái độ nhân viên lịch sự nên hầu như ngày nào tôi cũng đặt hàng".
“Đồ ăn cứ sạch là có khách”
Năm 2012, ý tưởng kinh doanh đến tình cờ khi anh Hiếu quan sát bạn bè, đồng nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm kiếm địa chỉ ăn vặt ngon tại Hà Nội nhận giao hàng tận nơi. Anh được người bạn thân là quản trị viên của một diễn đàn có hàng triệu thành viên cho biết nhu cầu từ thị trường quà vặt trực tuyến hiện rất lớn, tuy nhiên, thời điểm đó hầu như chưa có cá nhân hay đơn vị nào khai thác mảng kinh doanh tiềm năng này một cách chuyên nghiệp.
Sau thời gian nghiên cứu thị trường, anh Hiếu bàn với vợ về kế hoạch triển khai mô hình kinh doanh quà vặt online với tiêu chí đặt chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm lên hàng đầu, chỉ bán các món ăn vặt truyền thống của Việt Nam, phục vụ khách hàng mục tiêu là đối tượng dân văn phòng có quỹ thời gian eo hẹp.
“Rất khó để đánh giá một món ăn ngon hay không vì còn tùy khẩu vị mỗi người nhưng đồ ăn có tươi, có sạch hay không thì hầu hết khách hàng đều cảm nhận được. Vậy nên tôi ưu tiên hàng đầu cho tiêu chí sạch, ngon xếp thứ 2 và lợi nhuận phải đi sau cùng”, anh Hiếu chia sẻ.
Ưu tiên tốc độ phục vụ nhanh, dịch vụ tốt nhưng tiêu chí sạch sẽ được chủ shop lấy làm yếu tố sống còn trong kinh doanh ẩm thực. Ảnh: NVCC. |
Hai vợ chồng bắt đầu với số vốn khởi điểm là 100 triệu đồng đầu tư phần lớn cho trang thiết bị và chi phí thuê mặt bằng. Gần chục đầu bếp có kinh nghiệm làm việc ở các nhà hàng, khách sạn đến tuổi về hưu được vợ chồng chủ shop mời về phụ trách cho ra đời thực đơn gồm 20 món ăn vặt đầu tiên. Nhân viên phụ việc và giao hàng chủ yếu là sinh viên từ các trường ĐH quanh địa bàn đăng ký làm theo ca.
Nguyễn Khắc Hiếu cho biết, dù là kế hoạch kinh doanh nghiêm túc nhưng anh không tính toán quá nhiều về tiền nong. Tận dụng “vốn tự có” của bản thân về mảng công nghệ thông tin và truyền thông, anh vừa làm chủ, vừa phụ trách mảng quảng cáo, marketing và sale cho thương hiệu của mình.
Từ lượng khách hàng hạn chế ban đầu chính là bạn bè, đồng nghiệp cũ, sau 8 tháng, shop quà vặt online của chàng IT đã hòa vốn với cộng đồng khách quen và mới không ngừng mở rộng. Sau 2 năm, hiện số lượng khách hàng đã lên tới 15.000 người, trong đó khách quen chiếm hơn 50%, số món ăn – uống "mùa nào, thức nấy" cũng đã gấp đôi thời điểm ban đầu, tỷ lệ lãi suất trên doanh thu chiếm 20%.
Vui mừng khoe thành quả ý nghĩa nhất trong sân chơi “bếp núc”, anh Hiếu cho biết sau 2 năm chờ đợi, thương hiệu quà vặt online của vợ chồng anh cuối cùng cũng được chứng nhận độc quyền. Dù xác định trước mắt còn nhiều khó khăn, đã xuất hiện một số đối thủ cạnh tranh khiến thị trường thu hẹp nhưng kỹ sư CNTT ngày nào vẫn vững tin với lựa chọn của mình.
Anh chia sẻ, phục vụ quà vặt cho dân văn phòng, quan trọng nhất là độ sạch, tươi, ngon, liên tục cập nhật và đa dạng hóa món ăn, chấp nhận tỷ lệ lãi suất thấp hơn một chút, ăn theo số lượng thì sẽ trụ vững. “Lý thuyết đơn giản vậy thôi nhưng làm được mới khó. Và ở thị trường Hà Nội hiện giờ, không phải shop nào cũng có thể sẵn sàng cho đơn quà vặt lên tới mấy trăm suất ăn trong vòng 1 tiếng”, chủ shop tự tin.