Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chuỗi quán quà vặt giá dưới 35.000 đồng của 4 chị em

Ngày bán ra mấy ngàn hộp caramen chưa kể các món quà vặt khác giá cao nhất chỉ 35.000 đồng, 4 gia đình tại phố cổ Hà Nội nhờ đó mà giàu lên hơn chục năm nay.

Chị Vũ Thị Việt (29 Hàng Than) là người đầu tiên bán caramen (hay còn gọi là bánh flan) tại Hà Nội, cách đây 19 năm. Một, hai năm đầu quán mới mở, lúc đó caramen còn là thứ quà Tây lạ miệng ít người biết đến nên nguồn thu chủ yếu của chị Việt trong thời gian đó lại là món sữa chua tự làm. Nhưng chỉ tới năm thứ ba, món bánh đến từ nước Pháp này đã giúp quán nhà chi ngày càng đông khách. Nhận thấy món quà vặt này sẽ đem lại thu nhập tốt cho cả nhà, chị Việt rủ 3 người em ruột cùng làm, chị cũng không ngờ món quà vặt nhỏ bé ngày nào giờ đã trở thành kế sinh nhai giúp gia đình chị và gia đình 3 người em của chị có nguồn thu vững.
19 năm tồn tại, lớn lên cùng tuổi thơ của nhiều người dân thủ đô, caramen Hàng Than hiện được xếp là một trong những món quà vặt ngon và đắt khách nhất phố cổ. Thậm chí, nhiều người còn lấy caramen nhà chị Việt làm tiêu chuẩn để đánh giá chất lượng của loại đồ ăn này. Theo đó, caramen ngon phải vừa có vị béo ngậy, ngọt mát của lòng đỏ trứng gà được đánh kỹ với sữa; bề mặt bánh phải mịn, lớp cà phê tráng trên và dưới bánh phải thơm ngon. Một đĩa caramen hiện được bán với giá 7.000 đồng. Thu Hà, một thực khách của quán cho biết: "Đã tới đây chẳng ai ăn mỗi một đĩa rồi về mà thường chén veo một mạch từ 2 đĩa, hoặc sau caramen sẽ chuyển sang nhiều món khác".
Thường xuyên nghe khách hàng chia sẻ và mách nhỏ để cập nhật thêm nhiều món mới cho "hợp mốt", hiện ngoài món caramen truyền thống, caramen Hàng Than còn có các món biến tấu đầy hấp dẫn từ caramen như caramel hoa quả, caramen nếp cẩm, caramen nước cốt dừa... với giá từ 15.000 - 25.000 đồng/cốc.
Anh Long, đồng chủ quán chia sẻ, một ngày nhà anh bán hơn một ngàn hay ngày đông nhất bán tới mấy ngàn hộp caramen cho khách tới ăn và cả đem về, anh cũng không đếm xuể. Dù giờ caramen đã phổ biến ở Hà Nội nhưng lượng khách tới thưởng thức món đặc sản này nhà anh vẫn chỉ tăng lên chứ không giảm đi. Bên cạnh đó, nhiều món ăn lạ miệng du nhập từ miền Trung, miền Nam cũng xuất hiện, trở thành "độc chiêu" hút khách của quán với nhiều mức giá, cao nhất là 35.000 đồng.
Chị Vũ Thị Hương, bà chủ út của nhà năm nay đã 41 tuổi. Chị Hương chia sẻ, thời gian khó khăn trong những ngày đầu khởi nghiệp đã qua. Cửa hàng nhà chị chưa bao giờ cần nhờ tới báo, đài quảng cáo rầm rộ mà lấy lòng khách chỉ nhờ chất lượng đồ ăn thức uống với giá phải chăng. Khi caramen đã trở thành món quà vặt phổ biến tại Hà Nội, quá nhiều người bán, nhà chị lại phải tìm tòi, cập nhật thêm nhiều món mới lạ, hợp "gu" của dân thủ đô. Món kem dừa, thạch dừa 35.000 đồng/quả rồi nem nướng, phomai que... cũng là món xuất hiện đầu tiên ở Hà Nội và nhà chị là một trong những địa chỉ tiên phong. Chị Hương nói vui: "Phải đi trước đón đầu và làm thật ngon mới giữ chân được khách". 
Địa chỉ chính của quán luôn đông nghịt khách nhưng do vỉa hè chật hẹp nên khách tới đây phải gửi xe nơi khác hoặc chủ yếu là mua về. Chị Hải An (Hòe Nhai, Hà Nội) chia sẻ: "Các món quà vặt ở Hà Nội thường cần 2 tiêu chí để đắt khách, một là phải ngon, rẻ, hai là phải có không gian địa điểm ngồi thoải mái như vỉa hè rộng, thoáng hoặc trong khu phố sầm uất vừa ngồi thưởng thức vừa tán gẫu với bạn và ngắm người qua lại cho... vui mắt. Nhưng tôi thấy ở đây rất khác, mọi người tới ăn như kiểu cho đã cơn thèm. Bản thân tôi một tuần cũng qua một, hai lần mua về để cả nhà cùng ăn". 
Tuy nhiên, do cửa hàng chính quá nhỏ nên 6 năm nay, chị Việt cùng các em đã thống nhất mở thêm địa điểm trên phố Nguyễn Khắc Nhu gần đó. Từ ngày có thêm địa điểm mới, khách tới mỗi ngày một đông hơn.
Một số món ăn được chế biến ngoài trời cho khách thoải mái xem xét, kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.
Khách đến ăn quà khá đa dạng, từ trẻ nhỏ tới thanh niên, trung niên. Khách thường đi theo nhóm hoặc theo gia đình. Trung bình mỗi khách tới ăn từ 2 - 3 món trở lên. Tuy đông khách, đắt hàng nhưng theo chị Hương chia sẻ, do phải chọn mua nguồn thực phẩm tươi, ngon, chất lượng mà giá quà bán ra vẫn phải vừa túi tiền số đông khách hàng nên hàng nhà chị chủ yếu lấy công và số lượng làm lãi. Mỗi đĩa caramen chị chỉ lãi được khoảng 2.000 đồng.
Một dọc vỉa hè dài khoảng 60 mét luôn đông khách khi chiều về. Chị Hương cho biết, những ngày cuối tuần, nghỉ lễ, Noel, Tết Dương lịch, khách đông tới hết đêm, cửa hàng tận dụng tối đa mặt bằng vẫn không đủ chỗ cho khách ngồi. Chị Hương thật thà chia sẻ, chị cũng không thống kê nổi một ngày nhà mình đón bao nhiêu lượt khách tới ăn. Và dù caramen hay các món khác đều làm thủ công nhưng để tổng kết hết số lượng bán ra trong một ngày và doanh thu cũng là việc quá khó! 

Diệp Sa

Bạn có thể quan tâm