Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bán nhà, cắm xe lo lương thưởng cho lao động

Kinh tế ảm đạm kéo dài khiến không ít lãnh đạo doanh nghiệp (DN) phải vắt óc, tìm mọi cửa vay tiền, bán nhà lo trả lương cho công nhân. Không ít doanh nghiệp còn buộc phải nói lời chia tay với nhân viên vào tháng cuối cùng sát Tết chỉ nhằm mục đích “tự cứu mình” trước khi tất cả cùng phải ra đường.

Với nhiều doanh nghiệp sản xuất, việc không có thưởng Tết gần như là chắc chắn. Ảnh: Như Ý.

Bán nhà nuôi quân

Còn hơn 1 tháng mới đến Tết Nguyên đán nhưng năm 2013 được dự báo là năm có cái Tết buồn với nhiều người lao động cũng như các DN. Câu chuyện thưởng Tết dường như là một việc quá xa xỉ khi với nhiều đơn vị, người lao động được nhận lương hằng tháng được coi là điều mừng.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Tấn, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Thông Tấn (Hà Nội) cho biết, năm 2013 tình hình kinh doanh của công ty vẫn duy trì được ổn định nên ban lãnh đạo quyết định trích thưởng Tết cho cán bộ công nhân 1 triệu đồng/người, lãnh đạo các phòng ban 2 triệu đồng/người.

Công ty cũng có một túi quà Tết trị giá 200.000 đồng là sản phẩm của đơn vị tặng nhân viên. “Tình hình kinh tế có chững lại nhưng quan trọng nhất là chúng tôi vẫn duy trì được mức lương cho anh em”, ông Tấn cho biết.

Ông Vũ Giao Long, Giám đốc Công ty CP Thương mại quốc tế và Đầu tư Hưng Phát cho biết, năm 2013 đặc biệt khó khăn với các DN tư nhân. Nhiều tháng nay, lãnh đạo công ty phải đôn đáo tìm mọi cách kiếm tiền lo trả nợ ngân hàng vì cứ chậm một ngày là bị phạt. Bản thân các lãnh đạo ai cũng mệt mỏi, mặt mũi phờ phạc lo công việc, lo tiền trả lương cho nhân viên.

Chủ tịch HĐQT Công ty Vinaxuki, ông Bùi Ngọc Huyên nói: “Tiền thưởng Tết của công ty không có nhiều do rơi vào cảnh rất khó khăn. Chúng tôi đang phải chuyển hướng kinh doanh khác. Có quá nhiều việc phải lo, còn chuyện lương thưởng cho công nhân hiện chúng tôi chưa nghĩ đến”.

"Mấy năm trước, khi thị trường bất động sản chưa đóng băng, công ty thưởng Tết khá cao. Năm nay, sếp tuyên bố không có lương tháng 13, mỗi nhân viên được định suất một quyển lịch và một túi quà Tết 300.000 đồng. Ai cảm thấy không hài lòng có thể xin nghỉ việc".

Anh Nguyễn Đức Trung nói.

Giám đốc một DN cơ khí ở Hải Phòng chia sẻ, ông thật sự đau lòng khi phải thông báo giảm bớt công nhân trong những tháng gần Tết.

“Doanh nghiệp mà không biết lo cho công nhân, giống như người bố không lo được cho con mình thì làm sao công nhân dốc sức vì công ty được. Chúng tôi đã bán nhà, bán cả xe để lấy tiền trả lương cố gắng duy trì công việc cho anh em trong nhiều tháng qua. Nhưng đến giờ, thực sự gần như vào đến bước đường cùng mới tính đến việc giảm bớt nhân viên dịp sát Tết thế này”, ông nói.

Giám đốc Công ty cổ phần Hợp Thành (Hải Dương), ông Đỗ Mạnh Tuấn cũng cho biết, với người lao động hiện nay điều quan trọng nhất là công ty không nợ lương đã là may. Công nhân hiện nay không nhiều người quan tâm đến chuyện thưởng Tết vì ai cũng biết DN đang khó khăn ở mức độ nào.

“Bản thân tôi đã phải bán hai cái nhà, mỗi cái hơn 5 tỷ đồng, để lấy tiền trả lương cho công nhân. Với số tiền lương phải trả mỗi tháng xấp xỉ 1 tỷ đồng, số tiền bán nhà của tôi chả giúp công ty duy trì được nhiều. Không có việc làm kéo dài nên chúng tôi đã phải giảm 90% quân số.

Giờ cả công ty chỉ còn hơn 20 người. Chúng tôi đang trong cảnh “hết cửa” khi mọi tài sản cứ lần lượt phải bán hết mà không thấy tình hình kinh tế sáng sủa hơn. Trước làm ăn được, chi vài trăm triệu thưởng Tết vẫn thoải mái, nay đây là việc quá sức”, ông Tuấn tâm sự.

Tết buồn

Không đến mức phải bán nhà, cắm xe, nhưng công ty của bà Hoàng Thị Hồng (quận Đống Đa, Hà Nội) cũng phải chọn cách vay tiền từ chính các thành viên trong ban giám đốc để lấy tiền trả lương cho nhân viên.

“Nhìn các anh em trong công ty bươn chải đến mức gầy rộc cả người mà chỉ đủ chi phí để thanh toán các khoản nợ vay trước đây ai cũng đau lòng. Để duy trì, mỗi người chúng tôi đã phải lấy tiền nhà cho công ty vay bổ sung 200 triệu đồng. Nhân viên vẫn được trả lương ở mức 5 triệu đồng/người còn các thành viên trong ban giám đốc chỉ nhận được mức lương tạm ứng khoảng 4 triệu đồng/người/tháng. Năm nay chúng tôi không có Tết. Không biết tình hình sẽ kéo dài được bao lâu nữa”, bà Hồng tâm sự.

Đại diện một DN kinh doanh đa ngành trong lĩnh vực văn phòng ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết, từ đầu tháng 12 lãnh đạo đã thông báo với nhân viên là sẽ không có tiền thưởng Tết năm nay. Nhưng để động viên anh em, lãnh đạo công ty cũng ký giấy cam kết sẽ “truy thưởng bổ sung tiền Tết” vào giữa năm sau khi công ty làm ăn được.

Càng sát Tết câu chuyện lương thưởng Tết càng nóng không chỉ với các DN sản xuất mà cả với các đại gia khối ngân hàng. Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện nhiều ngân hàng cho biết chưa có mức thông báo cụ thể về tiền Tết năm nay.

Như tại ngân hàng Eximbank, theo Phó tổng giám đốc Đinh Thị Thu Thảo, theo quy định mỗi cán bộ ngân hàng Eximbank sẽ được công đoàn thưởng Tết Nguyên đán 1,2 triệu đồng (ngoại trừ tháng lương thứ 13). Ngoài mức thưởng cố định trên, phần thưởng thêm tùy thuộc vào kết quả hoạt động kinh doanh. Song năm nay lợi nhuận ngân hàng chỉ ước đạt 50% chỉ tiêu nên nhiều khả năng thưởng Tết sẽ khó tránh chuyện sụt giảm.

Còn tại ACB, lãnh đạo ngân hàng này cho biết nếu hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận năm nay thì cán bộ, nhân viên của ACB sẽ nhận được mức thưởng Tết 1-2 tháng lương. Tuy nhiên, thưởng nhiều hay ít còn phụ thuộc vào kết quả kinh doanh trong quý IV và điểm xếp hạng của từng nhân viên. Ngân hàng Vietinbank dự kiến thưởng 2 tháng lương cho nhân viên làm trên 1 năm, 1 tháng lương cho nhân viên làm dưới 1 năm, còn nhân viên thử việc chỉ được thưởng 2 triệu đồng.

Việc không có thưởng Tết cũng khiến khá nhiều người lao động cảm thấy bối rối. “Không thưởng Tết nên tôi cũng chưa biết sẽ phải lo nghĩa vụ với gia đình nội ngoại thế nào. Cũng may là công ty không nợ lương như mấy đơn vị khác”, anh Nguyễn Đức Trung, cán bộ kỹ thuật một công ty xây dựng ở quận Thanh Xuân tự an ủi.

Theo Tiền Phong

Bạn có thể quan tâm