Ngày 10/7, Ban Kinh tế Trung ương đã có buổi làm việc với Thành ủy TP.HCM về Đề án "Tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM giai đoạn 2022-2025 và giai đoạn 2026-2030”.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhận định Ban Kinh tế Trung ương ủng hộ và cho rằng việc xem xét tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố là cần thiết. Ông Bình cũng đánh giá đề án đã được TP.HCM chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, có cơ sở khoa học và thực tiễn.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình. Ảnh: Quang Huy. |
"Tỷ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố đã liên tục giảm từ 33% xuống 18% thể hiện sự chia sẻ rất lớn của thành phố đối với khó khăn chung của cả nước. Hiện tại, việc xem xét tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố là điều cần thiết", Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhìn nhận.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh việc tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM phải giúp cho thành phố không chỉ giải quyết những thách thức mà còn định hướng cho giai đoạn phát triển sắp tới. Để giải quyết căn cơ các thách thức của TP.HCM, Thành ủy TP.HCM cần xem xét, nghiên cứu xây dựng và trình Bộ Chính trị một Nghị quyết mới về định hướng phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.
Ông Nguyễn Văn Bình thông tin thêm việc xem xét, điều chỉnh tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố cần bảo đảm nguyên tắc công bằng, hiệu quả, bền vững. Các bên liên quan phải làm rõ cơ chế phân bổ ngân sách hiện nay còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với yêu cầu thực tế của thành phố.
Góp ý về định hướng phát triển của TP.HCM thời gian tới, Nguyễn Văn Bình cho rằng thành phố cần thay đổi quan điểm phát triển để tránh việc trở thành công xưởng sử dụng nhiều lao động, đất đai mà phải có kế hoạch trở thành trung tâm khoa học, công nghệ, giáo dục, đào tạo, đổi mới sáng tạo, kinh tế tri thức, cung cấp các dịch vụ công nghệ cao và là nơi đáng sống.
Tại Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM lần 42 khóa X ngày 8/7, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho hay tỷ lệ ngân sách Trung ương để lại cho thành phố đang ở mức thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển.
Kết quả nghiên cứu của đề án cho thấy nếu phần ngân sách Trung ương để lại cho thành phố là 24% trong 5 năm tới, và 28% trong giai đoạn 2026-2030, phần nộp về ngân sách Trung ương sẽ tăng 345.000 tỷ đồng so với phương án cũ. Đồng thời, phần ngân sách TP.HCM được sử dụng cũng tăng 390.000 tỷ đồng.