Nguồn tin của Báo Người Lao Động từ Keangnam Vina chiều 11/5 cho biết, việc toà nhà Landmark 72 (đường Phạm Hùng, Hà Nội) được Tập đoàn Keangnam rao bán với mức giá gần 800 triệu USD (830 tỷ won), không ảnh hưởng đến quyền lợi của cư dân sở hữu căn hộ, cũng như đơn vị thuê mặt bằng kinh doanh.
Cụ thể, mới đây, thông tin từ báo chí Hàn Quốc cho biết tòa án nước này vừa gửi văn bản tới quỹ đầu tư Qatar Investment Authority (QIA), thông báo về việc định giá tòa nhà Landmark 72 tại Việt Nam ở mức 830 tỷ won (tương đương 770 triệu USD).
Nguyên nhân rao bán toà nhà được cho là do Tập đoàn Keangnam tại Hàn Quốc đang lâm vào tình trạng nợ nần, và vướng vào nghi án hối lộ với hàng loạt các phi vụ làm ăn bết bát. Chủ nợ của tập đoàn này là các ngân hàng lớn tại Hàn Quốc như: Shinhan Bank, Ngân hàng xuất nhập khẩu (Korea Eximbank), Woori Bank và ngân hàng Nông nghiệp.
Toà nhà Landmark 72 (đường Phạm Hùng, Hà Nội). |
Thông tin này khiến cho chủ nhân của 922 căn hộ cao cấp với nhiều tiện ích, nằm trong toà chung cư thuộc khu phức hợp 72 Landmark tỏ ra lo lắng về những chính sách thay đổi nếu bị đổi chủ.
Thậm chí, lo lắng về khoản quỹ bảo trì 2% của toà nhà sẽ bị mất, Ban Quản trị toà nhà này đã gửi đơn lên Thủ tướng Chính phủ, nhằm để kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan liên quan yêu cầu chủ đầu tư Keangnam khẩn trương hoàn trả quỹ bảo trì 2% theo đúng quy định.
Bên cạnh đó, Ban quản trị tòa nhà cũng đề nghị Thủ tướng giao Bộ Xây dựng tính toán chính xác quỹ bảo trì 2%, để làm cơ sở cho chủ đầu tư hoàn trả lại quỹ cho Ban quản trị.
Trước đó, theo tính toán của Ban quản trị, quỹ bảo trì của chung cư Keangnam khi chưa tính lãi suất ngân hàng lên tới 160 tỷ đồng. Tuy nhiên, phía chủ đầu tư chỉ đưa ra con số 125 tỷ đồng
Tháng 3/2015, Keangnam Vina gửi công văn đề nghị trả quỹ bảo trì mỗi năm 5 tỷ đồng, và trả trong vòng 25 năm. “Phương án này không được Ban quản trị chấp nhận, do số tiền trả hàng năm nhỏ hơn lãi suất tiền gửi ngân hàng”, đại diện Ban quản trị phân tích.
Trước đó, cũng liên quan đến toà nhà này, hồi tháng 1/2015, Trung tâm thương mại Parkson đã đột ngột đóng cửa và yêu cầu tiểu thương dọn dẹp quầy hàng và chuyển đi chỉ trong một vài ngày. Về nguyên nhân đóng cửa, theo thông báo của Công ty TNHH Parkson Hà Nội gửi các chủ quầy hàng là do làm ăn thua lỗ.