Ban quản trị 2 tòa chung cư 48 tầng A&B thuộc công trình Hanoi Keangnam Landmark Tower (đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) vừa đại diện cho tập thể cư dân gửi đơn lên Thủ tướng với hy vọng đòi lại được số tiền 2% quỹ bảo trì tòa nhà trị giá khoảng 160 tỷ đồng.
Trong đơn kiến nghị gửi lên Thủ tướng, Ban quản trị tòa nhà cũng dẫn Quyết định số 08/2008/QĐ-BXD về quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư, đồng thời bày tỏ lo lắng sẽ bị mất trắng số tiền nói trên. 160 tỷ đồng được cư dân Keangnam căn cứ và ước tính dựa trên khoản 2% quỹ bảo trì đối với 922 căn hộ (giá bán khoảng 2.500-3.000 USD/m2) tại 2 tòa tháp 48 tầng của dự án. Số tiền nói trên, theo cư dân Keangnam, là tạm tính, chưa bao gồm lãi suất ngân hàng.
Theo quy định, chủ đầu tư sau khi thu về khoản tiền này, có trách nhiệm chuyển lại cho ban quản trị để phục vụ công tác bảo trì, duy tu tòa nhà. Công tác bàn giao nhà cho cư dân diễn ra từ đầu năm 2011 tới nay, 922 căn hộ đã bán hết. Tuy nhiên, 4 năm liên tục, Ban quản trị gửi công văn, đối thoại trực tiếp, đề nghị chủ đầu tư Keangnam hoàn trả ngân sách quỹ bảo trì nhưng không thành công.
Tòa tháp Landmark 72 Hà Nội bị rao bán, cư dân chung cư Keangnam có nguy cơ mất trắng số tiền quỹ bảo trì tòa nhà ước tính lên tới khoảng 160 tỷ đồng, chưa tính lãi suất ngân hàng. |
Từ năm cuối năm 2012 đến nay, ít nhất 11 lần Ban quản trị đã làm việc với Công ty TNHH MTV Keangnam Vina qua văn bản, đề nghị làm rõ các thông tin liên quan về quỹ bảo trì tòa nhà. Các thông tin được yêu cầu làm rõ gồm có cụ thể số tiền, địa chỉ tài khoản ngân hàng giữ quỹ, lãi thực nhận, dữ liệu chi tiêu cho công tác bảo trì. Đồng thời, Ban quản trị cũng yêu cầu phía Keangnam chuyển nhượng lại toàn bộ quỹ cho ban hoặc làm thủ tục để ban quản trị đồng sở hữu tài khoản quỹ bảo trì gửi tại ngân hàng.
Tuy nhiên, Keangnam Vina chỉ phúc đáp lại 4 lần. Trong công văn trả lời Ban quản trị tòa nhà gần nhất ngày 27/3/2015, phía Keangnam Vina đã có thông báo chi tiết về số tiền quỹ bảo trì hiện có, số đã sử dụng và phương án chi trả phần còn lại.
Cụ thể, tổng quỹ bảo trì tính đến ngày 27/3/2015 là hơn 125 tỷ đồng (đã bao gồm phần lãi suất ngân hàng). Phần đã sử dụng là 1,7 tỷ đồng. Còn lại hơn 123 tỷ đồng, Keangnam Vina cho biết sẽ trả mỗi tháng 5 tỷ đồng, từ nay đến năm 2039. Tuy nhiên, cư dân Keangnam không đồng ý với phương án "không an toàn" nói trên do số tiền trả hàng năm còn thấp hơn lãi suất ngân hàng.
Trước khi gửi đơn kiến nghị lên Thủ tướng, đại diện cư dân Keangnam đã có 2 lần gửi đơn kiến nghị lên Bộ Xây dựng và UBND TP Hà Nội vào năm 2013 và 2014, song chưa nhận được phản hồi.
Theo thông tin được công bố trước đó, tổng ngân sách đầu tư cho dự án Hanoi Keangnam Landmark Tower là 1,05 tỷ USD. Tuy nhiên, do 2 khối nhà chung cư 48 tầng A&B đã được bán đứt cho cư dân nên giá trị bán ra của công trình chỉ còn lại là tòa nhà cao 72 tầng nói trên.