Tại Hàn Quốc, vào những năm 1990 đã có một câu chuyện đùa như sau:
Nhân viên của các tập đoàn lớn của Hàn Quốc, còn gọi là các chaebol, sẽ làm gì nếu họ bỗng nhiên đối mặt với một con gấu to lớn, đáng sợ khi đang đi dạo trong rừng?
Nhân viên của Hyundai sẽ chiến đấu với con gấu cho đến chết mà không chút do dự. Nhân viên Daewoo sẽ gọi cho Chủ tịch Kim Woo-jung của họ và đợi lệnh ông. Còn nhân viên Samsung sẽ tổ chức một cuộc họp, trong khi con gấu vẫn ở trước mặt họ, để thảo luận về cách đối phó. Nhân viên LG thì đợi phản ứng của Samsung, sau đó làm theo.
Dư âm của nhiều câu chuyện đùa vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Nó cho thấy mức độ sâu đậm của các chaebol đã ngấm vào tiềm thức người dân Hàn ra sao. Mặc dù Deawoo Group, công ty nổi tiếng nhất về xe hơi, hiện đã không còn nữa, song các tập đoàn kinh tế lớn của Hàn Quốc vẫn đang hoạt động rất nhiều, góp phần mang lại mức thu nhập GDP lớn thứ 13 thế giới của Hàn Quốc.
Tại Hàn Quốc, số lượng chaebol rất nhiều, nhưng những tập đoàn lớn nhất, được báo chí Hàn Quốc gọi là “Big Four”, là Hyundai Motor Company, SK Group và hai đối thủ sát sườn nhau Samsung, LG.
Trụ sở Samsung nằm trong quận Gangnam ở Seoul, Hàn Quốc. |
Chaebol chính là những công cụ kéo Hàn Quốc ra khỏi tình trạng nghèo khó sau cuộc chiến tranh. Để làm như thế, nhiều chaebol đã trở thành những tập đoàn toàn cầu, và là tên tuổi quen thuộc của thế giới.
Thử hỏi, có ai chưa từng nghe đến chiếc smartphone Samsung Galaxy? Hay một chiếc máy giặt của LG? Hay chưa từng thấy xe ô tô Hyundai chạy trên đường phố? Với những công ty có gốc rễ sâu chặt trong nền văn hóa Hàn Quốc, ảnh hưởng của họ gần như lan tỏa khắp thế giới.
Mặc dù lợi ích kinh doanh hầu như khác nhau, và đôi khi có chồng lấn, song các chaebol Hàn Quốc đều chia sẻ niềm tin, chính những tiến bộ trong công nghệ thông tin sẽ quyết định vận mệnh của họ. Héo tàn như Daewoo, hay trở thành những thực thể sống mãi “trăm năm”, như họ thường nói.
Ý kiến của cộng đồng về các chaebol có nhiều đổi thay từ trước đến nay, phần lớn phụ thuộc vào những thay đổi trong chính trị, xã hội và kinh tế. Nhưng vẫn không thể phủ nhận rằng, những chaebol này đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của Hàn Quốc ngày nay.
“Chaebol” được dịch ra là “bè đảng tiền bạc” hay “gia tộc giàu có”, nhưng chaebol còn hơn cả một công ty. Trong văn hóa Hàn Quốc, chaebol là triều đại. Các chaebol có trách nhiệm như một phần cực kỳ quan trọng của nền kinh tế Hàn Quốc, mà chủ tịch các chaebol là những nhân vật nổi tiếng.
Những vị trí quản lý chủ chốt trong một chaebol hầu như đều thuộc về họ hàng thân thuộc của người chủ tịch. CEO hiện nay của LG Electronics là Koo Bon-joon, chính là em trai của chủ tịch tập đoàn mẹ LG Group, Koo Bon-moo.
Một chaebol không chỉ là một tập đoàn gia tộc, thuộc sự sở hữu của một dòng họ, mà còn phải là một doanh nghiệp với ít nhất 2 lĩnh vực kinh doanh riêng biệt. Chẳng hạn, Samsung Group, chaebol lớn nhất của Hàn Quốc, nổi tiếng với chi nhánh chủ lực Samsung Electronics, nhà sản xuất TV và smartphone Galaxy S6, đồng thời cũng sở hữu các chi nhánh riêng trong mảng khách sạn, khai thác dầu thô và bán bảo hiểm nhân thọ.
“Rất khó tìm ra một mô hình tương tự như chaebol của Hàn Quốc trên thế giới”, Park Sang-in, giáo sư trường Quản lý cộng đồng thuộc Đại học Seoul nói.
“Tại các quốc gia nói tiếng Anh, thực sự không có cái gọi là các tập đoàn kinh doanh, mà chỉ có những công ty riêng lẻ sở hữu 100% các chi nhánh của họ. Tại châu Âu, các tập đoàn không bao giờ lớn như các chaebol của Hàn Quốc, và chính sách quản lý, sở hữu thường được phân chia rất chặt chẽ”.
“Mặt khác, chaebol thường bao gồm nhiều công ty với các giao dịch nội bộ mạnh mẽ. Tất cả đều được quản lý bởi gần như một vị chủ tịch nắm mọi quyền lực, vừa là quản lý vừa là chủ sở hữu thực sự của toàn bộ tập đoàn”.
Nhiều chaebol bắt nguồn từ thời kỳ Nhật Bản đang chiếm đóng Hàn Quốc, tức là vào khoảng năm 1910 đến 1945. Từ chaebol, cũng như sự hình thành của chúng, được tin là do ảnh hưởng của zaibatsu của Nhật Bản. Hai từ này thậm chí được đánh vần giống nhau trong tiếng Trung Quốc.
Cũng như chaebol, zaibatsu là các tập đoàn gia đình, tuy nhiên, “gia đình” với người Nhật có nghĩa là những người có mối quan hệ gần gũi, chứ không nhất thiết là mối quan hệ họ hàng máu mủ. Các zaibatsu của Nhật Bản giải tán sau chiến tranh thế giới thứ II, và kế vị zaibatsu ngày nay là những liên đoàn công ty lỏng lẻo, chứ không phải là những tập đoàn tập trung như chaebol.
Park Chung Hee, người đã lãnh đạo Hàn Quốc từ năm 1961 đến năm 1979, khi ông bị ám sát. |
Năm 1953, kinh tế Hàn Quốc gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, chính phủ lúc đó hầu như không làm gì để phục hồi. Sau đó, đến thời của Tổng thống Park Chung-hee, ông quyết định Hàn Quốc phải trở thành một quốc gia mạnh, và họ cần một nền kinh tế mạnh.
Samsung và LG đã phát triển trong thời kỳ này, cả hai đều thuộc top 10 chaebol ở Hàn Quốc trước cả thời của Tổng thống Park, và cả hai không phải lúc nào cũng đồng ý với các sáng kiến của chính phủ.
Nhà sáng lập Lee Byung-chull của Samsung và Tổng thống Park thậm chí còn ghét nhau. Lee, lớn tuổi hơn Park (điều này rất quan trọng trong văn hóa Hàn Quốc), nghĩ về Tổng thống như một người mới phất, không có học vấn cao. Ngược lại, Tổng thống Park lại nghĩ về Lee như một người sinh ra đã nằm trong nhung gấm.
Thiếu một ngành công nghiệp giải trí truyền thống, các chủ tịch và nhà sáng lập ra các chaebol trở thành những người nổi tiếng, và là anh hùng của một quốc gia vẫn đang phát triển. Giới báo chí, truyền thông theo sát các chủ tịch chaebol để biết họ làm gì và không làm gì. Tính cách và ảnh hưởng của họ được truyền sang các nhân viên. Chính vì thế mới có những câu chuyện đùa như ở đầu bài.
Nhân viên Hyundai nổi tiếng với phương châm “bắn trước, nghĩ sau”. Khẩu hiệu của họ là nếu cái gì đó không hoạt động, hãy bắt nó phải hoạt động. Trong khi Samsung nổi tiếng phát triển một phương châm luôn xem xét kỹ lưỡng mọi lựa chọn trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Các chaebol Hàn Quốc hiện vẫn nhận được sự ủng hộ của nhiều người. Họ tin rằng chính các chaebol đã dẫn dắt nền kinh tế Hàn Quốc ra khỏi các cuộc khủng hoảng tài chính.