Như Zing.vn đã phản ánh, một cửa hàng có tên G&F Shop đã hoạt động công khai hơn 3 tháng nay tại tầng 1, tòa nhà Packexim, số 49, ngõ 15, đường An Dương Vương, quận Tây Hồ, Hà Nội với các hình thức bán hàng kỳ lạ.
Nhân viên cửa hàng chỉ hướng đến khách là những người phụ nữ trung niên, cao tuổi. Các sản phẩm được rao bán tương đối đa dạng.
Kiểu bán hàng kỳ lạ
Hồng sâm thượng hạng, sản phẩm "chủ lực" của cửa hàng, được rao giá 65 triệu đồng một hộp 300 gam. Tuy nhiên, theo lời nhân viên bán hàng, khách nên đợi đến khi chủ tịch công ty từ Hàn Quốc sang nói chuyện nhân dịp... kỷ niệm 5 năm thành lập công ty để được mua sản phẩm với giá giảm chỉ còn 26 triệu đồng, được tặng kèm cao hồng sâm 9,8 triệu đồng.
Bên ngoài G&F shop. Ảnh: Thủy Tiên. |
Nếu mua hai đơn hàng, khách được tặng thêm cao hồng sâm gần 10 triệu đồng, một bộ sâm rễ được quảng cáo có giá 11 triệu đồng, một bộ mỹ phẩm Hàn Quốc.
Như vậy, trong trường hợp khách hàng bỏ ra 52 triệu đồng để mua 2 hộp hồng sâm thượng hạng sẽ được nhận về thêm 2 hộp cao hồng sâm (tổng giá trị là 19,6 triệu đồng), 1 bộ sâm rễ (trị giá 11 triệu đồng) và một bộ mỹ phẩm Hàn Quốc (chưa rõ giá). Như vậy, người mua hàng đã nhận được ít nhất là 30,6 triệu đồng cho tổng các mặt hàng khuyến mại đi kèm.
Một số chủ cơ sở bán hồng sâm tại Hà Nội cho biết mức giá lên đến 65 triệu đồng một hộp, ngay cả khi giảm về 26 triệu đồng là cao.
Bên cạnh các sản phẩm về hồng sâm, trước đó cửa hàng này cũng đã giới thiệu và chào bán nhiều sản phẩm khác với mức giá cao.
Trước đó, một số người tham gia các buổi giới thiệu sản phẩm cho biết cửa hàng bán nhiều mặt hàng khác. Điểm chung là giá các mặt hàng này đều cao. Chẳng hạn, một tuýp kem đánh răng sau khi khuyến mại 50% còn 200.000 đồng, sâm rễ từ 20 triệu đồng giảm còn 11 triệu, đai nịt bụng từ gần 4 triệu giảm về 2 triệu... Tuy nhiên sau này, các mặt hàng trên không được chú trọng quảng cáo như hồng sâm, cũng không được bán.
Sản phẩm có sự khác biệt giữa hàng thực tế và hàng trên website được quảng cáo là của công ty. Ảnh: Thủy Tiên. |
Chính quyền bất bình nhưng không thể giải quyết
Trước kiểu kinh doanh kỳ lạ nói trên, Zing.vn đã có trao đổi với ông Nguyễn Văn Bình Lâm, Phó chủ tịch UBND phường Phú Thượng.
Ông Lâm cho biết ban đầu, khi kinh doanh trên địa bàn, G&F không xin phép chính quyền. Khi nhận được thông tin, ngày 12/4, đại diện chính quyền đã làm việc với công ty, yêu cầu đơn vị này xuất trình giấy tờ nhưng đơn vị này không có. Chính quyền đình chỉ hoạt động của cửa hàng.
Chiều 12/4, cửa hàng vẫn tiếp tục hoạt động. Do đó, phía phường đã liên hệ với ban quản lý toà nhà, yêu cầu đóng cửa tạm tầng 1.
Bên trong cửa hàng bán hàng kiểu kỳ lạ. Ảnh: Thủy Tiên. |
Đến ngày 18/4, đại diện công ty này đã đến UBND và nộp các giấy tờ cần thiết như giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, đăng ký địa điểm kinh doanh, phiếu biên nhận hồ sơ của Sở Công Thương Hà Nội về việc thông báo thực hiện khuyến mại, danh sách nhân viên công ty, cam kết thực hiện đúng pháp luật... Vì đơn vị đáp ứng được các giấy tờ cần thiết nên UBND phường Phú Thượng không thể tiếp tục đình chỉ hoạt động kinh doanh cửa hàng.
Từ đó đến nay, chính quyền địa phương đã nhiều lần tuyên truyền bằng loa phát thanh, khuyên bà con phải tìm hiểu kỹ các hình thức mua bán. Chính quyền cũng phân công đội an ninh công an phương phối hợp kiểm soát hoạt động của cửa hàng.
Trao đổi với Zing.vn, ông Lâm cũng cho biết hoạt động kinh doanh của cửa hàng G&F Shop khá phức tạp. Ông thừa nhận bản thân và chính quyền không ít lần so sánh hoạt động kinh doanh của cơ sở này với hoạt động bán hàng đa cấp nhưng không tìm ra chứng cứ cũng như kẽ hở để đình chỉ hoạt động.
Theo tìm hiểu, hợp đồng thuê nhà của cửa hàng có giá trị từ ngày 24/3 đến 27/3. Tính đến nay, bản hợp đồng đã hết giá trị sử dụng. UBND phường đã yêu cầu đại diện 2 bên thuê nhà đến trao đổi, làm rõ sự việc trước ngày 31/7 nhưng đến nay vẫn chưa có đại diện nào đến làm việc.
Nhiều điểm kỳ lạ giữa hàng thực tế và hàng quảng cáo trên website
Giữa sản phẩm thực tế và hàng được rao bán trên website được giới thiệu là chính thức của công ty có nhiều điểm khác biệt.
Tính theo tỷ giá hiện hành, sản phẩm hồng sâm thượng hạng 300 gam trên website có mức giá khoảng 46 triệu đồng và không có ưu đãi. Trong khi đó, hàng bán tại Việt Nam có giá 65 triệu đồng, được giảm về 26 triệu đồng và tặng thêm quà khuyến mại.
Khi đem so sánh sản phẩm thực tế với hàng trên website thì thấy hai loại hồng sâm này khác nhau về nhà sản xuất. Hình thức, logo cũng có khác biệt nhất định. Tuy nhiên, khi giới thiệu cho khách, nhân viên tư vấn lại khẳng định sản phẩm trùng khớp với hàng trên website.
Nếu như sản phẩm được quảng cáo tại cửa hàng có ghi rõ tên đơn vị sản xuất là Dong-jin Pharmaceutical Co., LTD thì sản phẩm được đăng tải trên web không sử dụng tên này, thay vào đó là một dòng chữ viết bằng tiếng Hàn.
Khi khách hàng thắc mắc, nhân viên mới ấp úng trả lời rằng sản phẩm của cửa hàng mới nhập về, có thể có sự thay đổi so với sản phẩm cũ được trưng bày trên web. Về hình thức không thay đổi của sản phẩm, người này chỉ nói rằng cao hồng sâm là sản phẩm cũ.