Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bán đảo Quảng An hứa hẹn giá trị to lớn về du lịch và văn hóa

Với vị trí trung tâm hồ Tây, tập trung nhiều di tích lịch sử văn hoá, bán đảo Quảng An hứa hẹn mang lại giá trị to lớn về du lịch và văn hóa cho thủ đô khi được khai thác tốt.

Bản đồ án Quy hoạch trục không gian trung tâm bán đảo Quảng An chi tiết tỷ lệ 1/500 vừa được đưa ra để lấy ý kiến người dân, sau gần 5 năm kể từ khi UBND Hà Nội phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết khu vực trục không gian trung tâm bán đảo này.

Gần 3 thập kỷ theo đuổi giấc mơ

Thực tế, câu chuyện quy hoạch khu vực bán đảo Quảng An và ven hồ Tây đã được đề cập cách đây 30 năm. Quy hoạch chung và nhất quán quan điểm ưu tiên xây dựng chức năng trung tâm công cộng và công viên lớn ở khu vực này đã được ra quyết định phê duyệt 7 lần.

Trong đó, quy hoạch phê duyệt ngay từ năm 1992 đã xác định rõ khu vực hồ Tây là trung tâm của Hà Nội với tiêu chí tổng quát “Khu vực hồ Tây phải được quy hoạch xây dựng thành: Trung tâm giao dịch quốc tế, trung tâm dịch vụ du lịch, trung tâm văn hóa thể thao và là vùng bảo vệ cảnh quan thiên nhiên phục vụ các hoạt động vui chơi giải trí thủ đô”.

quy hoach anh 1

Tiềm năng phát triển du lịch và văn hóa của khu vực trung tâm bán đảo Quảng An. Ảnh: Trần Kiên.

Đến tháng 11/1994, thực hiện ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Xây dựng đã phê duyệt quy hoạch chi tiết khu vực hồ Tây. Bản vẽ quy hoạch đã hình thành trục đường đôi dài khoảng 700 m ở bán đảo Quảng An, như hồ sơ đang xin ý kiến cộng đồng hiện nay.

Trong quy hoạch này, cấu trúc chung của bán đảo Quảng An đã xác định được rõ chức năng, có các trung tâm văn hóa công cộng và đặc biệt đưa ra yêu cầu phục vụ cho du lịch, khai thác cảnh quan, trở thành một điểm nhấn mới của thủ đô Hà Nội.

Đến quy hoạch chung năm 1998 cũng xác định thêm trục này liên kết tới Cổ Loa và nhấn mạnh “tại khu vực này xây dựng công trình dịch vụ văn hóa thương mại tầm quốc gia” đồng thời tạo ra một điểm nhấn của giao điểm là khu vực Đầm Trị - khu vực gắn kết với các di tích lịch sử xung quanh. Từ đó cho đến quy hoạch hiện nay, cấu trúc tổng quan quy hoạch của bán đảo Quảng An vẫn cố định.

quy hoach anh 2

Khu vực Đầm Trị là giao điểm gắn kết hồ Tây với các di tích lịch sử xung quanh. Ảnh: Trần Kiên.

KTS Phan Đăng Sơn cũng nhấn mạnh hệ thống quy hoạch này đã được các văn bản của Chính phủ và Thành phố phê duyệt thành hệ thống rất chặt chẽ về mặt pháp lý. Khi có phê duyệt chặt chẽ về mặt pháp lý, việc tuân thủ pháp luật của mọi quốc gia trên thế giới, cũng giống như Việt Nam, chúng ta phải tuân thủ các quy định pháp lý đã thực hiện.

Có thể khẳng định, đồ án quy hoạch chi tiết bán đảo Quảng An có đầy đủ căn cứ pháp lý, tính kế thừa. Hồ Tây là điểm hội tụ văn hóa với những ngôi làng cổ ven hồ nhưng tới nay chưa thể khai thác, phát triển đúng tầm, thiếu công gian công cộng và hạ tầng còn hạn chế…

Cơ hội đánh thức không gian hồ Tây

Với khoảng 400 ha cảnh quan mặt nước, hồ Tây có rất nhiều tiềm năng phát triển. Đặc biệt, khu vực bán đảo Quảng An với vị trí trung tâm, tập trung nhiều di tích lịch sử văn hoá mang đặc trưng bản sắc Thăng Long - Hà Nội, nếu được khai thác, phát triển hợp lý sẽ mang lại giá trị to lớn về du lịch và văn hóa cho thủ đô.

Vì lẽ đó mà suốt 30 năm qua, lãnh đạo Nhà nước và chính quyền Hà Nội luôn đặt nhiều kỳ vọng vào việc đánh thức không gian hồ Tây để khu vực này trở thành trung tâm văn hóa nghệ thuật và giải trí của thủ đô. Tuy nhiên, “giấc mơ” ấy khó có thể thành hiện thực nếu thiếu sự quyết liệt đột phá từ quy hoạch bán đảo Quảng An lần này.

Với mục tiêu phát triển khu vực hồ Tây mang tầm quốc tế, khu vực Quảng An được quy hoạch để xây dựng mới trung tâm văn hóa dọc bờ bắc và bờ nam sông Hồng, gắn với trục kết nối không gian thành cổ Hà Nội và trục tây hồ Tây - hồ Tây - Cổ Loa. Đồ án cũng đã có những đề xuất rõ ràng về kết nối không gian đô thị, hạ tầng giao thông, bãi đỗ xe… Từ đó cải thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, giao thông, bổ sung bãi đỗ xe, bảo vệ môi trường sinh thái mặt nước hồ Tây và môi trường khu vực.

quy hoach anh 3

Đồ án quy hoạch trục không gian trung tâm bán đảo Quảng An. Ảnh: UBND quận Tây Hồ.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, quy hoạch chi tiết này phù hợp với quy định quản lý theo đồ án Quy hoạch phân khu đô thị khu vực hồ Tây và phụ cận tỷ lệ 1/2000, trong đó khuyến khích xây dựng các không gian đô thị mới hiện đại, đồng bộ, gìn giữ các công trình di tích lịch sử, mang đậm nét văn hóa dân tộc, ưu tiên phát triển các chức năng về công cộng, cơ quan, trường học.

Đặc biệt, khu vực bán đảo Quảng An với vị trí trung tâm hồ Tây, tập trung nhiều di tích lịch sử văn hóa mang đặc trưng bản sắc Thăng Long - Hà Nội. Do đó, nếu được khai thác, phát triển hợp lý sẽ mang lại giá trị to lớn về du lịch và văn hóa cho thủ đô. “Với quy hoạch này, bán đảo Quảng An sẽ là trung tâm văn hóa, nghệ thuật, sự kiện đẳng cấp mới của Hà Nội”, chị Thúy Liên, người dân sinh sống tại quận Tây Hồ kỳ vọng.

Nhận xét về sự phát triển quy hoạch, theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, tư duy đổi mới là xuyên suốt và ngày càng hoàn thiện. Những đề xuất gần đây không mâu thuẫn với quy hoạch cũ mà còn nâng tầm, tạo đột phá phát triển cho thủ đô trong giai đoạn mới, phát huy được lợi thế hiếm có 500 ha mặt hồ giữa thủ đô mà rất hiếm quốc gia có được.

“Lần này, chúng ta mạnh dạn đặt ra một công trình mới, có thể nói đây là kế thừa định hướng rất chuẩn xác và đúng hướng từ quy hoạch năm 1992. Thứ hai, thành phố đã rút kinh nghiệm các bài học để bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, đặc biệt là mặt nước ở đây. Thứ ba, dự án sẽ tạo điều kiện thuận lợi về hạ tầng - kỹ thuật để thu hút cộng đồng dân cư, bạn bè nước ngoài vào trung tâm mới, nhằm giảm áp lực cho nội đô lịch sử của thành phố Hà Nội”, ông nói.

Anh Quỳnh - Trần Kiên

Giang Trân Nguyên

Bạn có thể quan tâm