Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bản chất của chứng sợ xã hội

Dù tiếp xúc với người lạ hay giao tiếp hàng ngày, người mắc chứng sợ xã hội đều chú trọng quá mức đến ý kiến của người khác và sợ bản thân bị đánh giá tiêu cực.

chung so xa hoi anh 1

Ảnh minh họa. Nguồn: Freepik.

Chứng sợ xã hội là một bệnh lý tinh thần, trong đó người bệnh cảm thấy cô vùng sợ hãi hoặc lo lắng khi giao tiếp xã hội hoặc ra nơi công cộng. Chứng sợ xã hội còn được gọi là rối loạn lo âu xã hội, hay ám ảnh sợ xã hội. Người mắc chứng sợ xã hội sẽ nảy sinh một nỗi sợ tâm lý rõ rệt và dai dẳng khi gặp các tình huống tương tác xã hội.

Cho dù là tiếp xúc với người lạ hay giao tiếp thông thường hàng ngày, họ đều chú trọng quá mức đến ý kiến của người khác và lo sợ hành động của mình sẽ bị đánh giá tiêu cực. Do đó, người bệnh lựa chọn những hành vi như né tránh, rút lui khỏi các cuộc giao tiếp, cốt để thoát khỏi sự chú ý của người khác cũng như nỗi khốn khổ từ việc tương tác xã hội.

Người mắc chứng sợ xã hội trong mọi tình huống giao tiếp hầu như đều lo lắng cực độ, sợ mình biến thành kẻ ngốc trước mặt người khác. Khi phải giao tiếp, họ sẽ không khỏi xuất hiện những trạng thái như: tim đập thình thịch, khô miệng, đổ mồ hôi, đỏ mặt, run nhẹ…

Như vậy, chứng sợ xã hội khác hoàn toàn với tính cách hướng nội hay tính cách nhút nhát. Bảng dưới đây sẽ làm rõ điểm khác biệt giữa ba loại trên:

Tiêu chí Hướng nội Nhút nhát Sợ xã hội
Mức độ sợ tương tác xã hội Không Nhẹ Cao
Mức độ lo âu khi tham gia tương tác xã hội Nhẹ hoặc không Trung bình Nghiêm trọng
Khả năng tránh giao tiếp Không Trung bình Thường xuyên
Mức độ ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống Nhẹ hoặc không Trung bình Nghiêm trọng

Tóm lại, hướng nội hay nhút nhát đều là những đặc điểm tính cách bình thường. Trong khi đó, chứng sợ xã hội là một bệnh lý, đi kèm triệu chứng lo âu nghiêm trọng và những trở ngại ở mức độ cao trong các tình huống giao tiếp. Tưởng tượng trước mặt bạn có ba người thuộc ba nhóm kể trên, họ sẽ độc thoại nội tâm như sau:

Người có tính cách hướng nội: “Mình thích ở một mình, nhưng mình không hề sợ giao tiếp”.

Người có tính cách nhút nhát: “Nếu tránh được giao tiếp thì càng hay, để người ta khỏi thấy mình lo lắng”.

Người mắc chứng sợ xã hội: “Mình cực kỳ sợ giao tiếp. Gặp gỡ người khác khiến mình hoảng loạn và khó chịu. Mình chỉ có thể ở một mình thôi”.

Cảm xúc lo lắng tách biệt với cảm xúc sợ hãi. Lo lắng là trạng thái âu lo về một mối đe dọa nào đó có thể xảy ra trong tương lai, ý chỉ cảm giác mình có thể bị tổn hại vì một sự việc không chắc chắn hoặc chưa biết rõ. Còn sợ hãi là phản ứng tức thì khi gặp một tình huống nguy hiểm, xuất hiện ngay khi đương sự nhận ra mình đang bị đe dọa.

Ví dụ, lo bản thân sẽ có sai sót trong cuộc phỏng vấn một tuần nữa mới diễn ra là biểu hiện lo lắng; ngay trong buổi phỏng vấn cảm thấy bồn chồn, đứng ngồi không yên là biểu hiện của sợ hãi.

Lê Thụy Phương & NXB Thế giới/Vibooks

SÁCH HAY