Bellingham là tài năng trẻ sáng giá tiếp theo rời Dortmund để đến bến đỗ tham vọng hơn. |
Mùa giải vừa qua, trước sự suy yếu của Bayern Munich, Dortmund suýt chút nữa vô địch hạng đấu số một nước Đức sau hơn một thập kỷ chờ đợi. Ở đó, Bellingham là hạt nhân chính trong đội hình của HLV Edin Terzic, vươn mình thành tiền vệ hàng đầu thế giới ở tuổi 19.
Song, chỉ hai tuần sau khi Bundesliga khép lại, Dortmund đồng ý bán cầu thủ người Anh sang Real Madrid với mức giá xấp xỉ 100 triệu bảng. Bellingham nối gót những Erling Haaland, Jadon Sancho hay Ousmane Dembele đem về khoản lãi khổng lồ cho CLB vùng Ruhr. Thế nhưng việc Dortmund sẵn sàng bán trụ cột một cách nhanh chóng một lần nữa làm dấy lên những câu hỏi về tham vọng của đội bóng này.
Chính sách cầu thủ trẻ của Dortmund
Dortmund nổi tiếng là bến đỗ hứa hẹn với các tài năng trẻ trong thập kỷ vừa qua. CLB chủ sân Signal Iduna Park có thể không nằm trong nhóm các đội mạnh hàng đầu châu Âu, nhưng luôn tạo điều kiện và giúp những ngôi sao tiềm năng phát triển thành các siêu sao.
Hoạch định chiến lược chuyển nhượng và đào tạo theo hướng đó, Dortmund liên tiếp sở hữu những cầu thủ trẻ hàng đầu thế giới. Hơn 10 năm trước, Mario Gotze, Marco Reus, IIkay Gundogan hay Robert Lewandowski là những cái tên giúp CLB vùng Ruhr vô địch Bundesliga lần cuối cùng. Sau đó, Pierre-Emrick Aubameyang, Christian Pulisic, Dembele, Manuel Akanji, Haaland hay Sancho cũng bắt đầu thành danh tại đây.
Dortmund xuất sắc trong khâu chiêu mộ và đào tạo các tài năng trẻ. Ảnh: Marca. |
Tuy nhiên, như một thói quen, khi một cầu thủ trẻ bắt đầu có những bước đột phá, CLB vùng Ruhr không ngần ngại đẩy anh ta ra đi để thu về lợi nhuận. Trong danh sách các đội bóng có lãi lớn nhất từ việc bán cầu thủ trong thập niên 2010, Dortmund góp mặt trong nhóm dẫn đầu.
Giúp những cầu thủ trẻ phát triển, tận dụng tài năng của họ để chinh chiến tại các đấu trường, rồi nhanh chóng bán đi với mức giá tốt là chiến lược cốt lõi của Dortmund. Song, cách làm này khiến đội hình của CLB nước Đức liên tục bị xáo trộn và không thể cạnh tranh các danh hiệu lớn.
Từ năm 2013, Dortmund chỉ có vỏn vẹn 2 chức vô địch Cúp Quốc gia Đức và 3 Siêu cúp Đức. Tại Bundesliga, trong chuỗi 11 lần vô địch liên tiếp của Bayern từ mùa 2012/13 đến 2022/23, đội chủ sân Signal Iduna Park về nhì đến 7 lần.
Lý do CLB vùng Ruhr quyết định bán các sao trẻ khi vừa “bước ra ánh sáng” thay vì gia hạn hợp đồng với họ còn là vấn đề về mức lương. Trong 30 cầu thủ được đăng ký trong danh sách đội một Dortmund ở mùa giải vừa qua, chỉ có 7 người hưởng mức lương trên 100.000 bảng/tuần, và không ai nhận được con số trên 200.000 bảng/tuần.
Trong thập niên 2010, nhiều đội bóng có truyền thống tại Bundesliga như Shalke 04 hay Hamburger SV phải đối mặt với các khoản nợ chồng chất, dẫn đến việc xuống hạng lần đầu tiên trong nhiều năm. Đến thập niên 2020, tới lượt gã khổng lồ Barcelona vấp phải cảnh tượng này, để rồi thậm chí nợ lương cầu thủ.
Bản thân Dortmund từng đứng trên bờ vực phá sản vào thập niên 2000 và họ không muốn lặp lại điều đó. Song, với chính sách tuyển chọn những cầu thủ trẻ hàng đầu về giúp CLB, rồi bán họ ngay khi được giá, Dortmund có thể ổn định tài chính nhưng rất khó để vô địch danh hiệu.
Bellingham là cái tên tiếp theo
Bellingham gia nhập Dortmund từ Birmingham City khi mới 16 tuổi và từ đó có những bước thăng tiến nhanh chóng. Ở tuổi 19, cùng với Marco Reus và Mats Hummels, tuyển thủ Anh được chọn là đội trưởng thứ ba của Dortmund tại Bundesliga mùa 2022/23. Cũng trong mùa vừa qua, Bellingham chơi chói sáng và được bình chọn là cầu thủ hay nhất giải đấu.
Dortmund chủ động bán các ngôi sao trẻ để kiếm lợi nhuận thay vì giữ chân để cạnh tranh danh hiệu. Ảnh: Reuters. |
Trong màu áo đội tuyển Anh, Bellingham là cầu thủ trẻ nhất từng ra sân tại một giải đấu lớn (EURO 2021 - PV). Đến World Cup 2022, tiền vệ sinh năm 2003 trở thành nòng cốt và là cầu thủ hay nhất trong đội hình HLV Gareth Southgate.
Tài năng đặc biệt biến Bellingham trở thành món hàng “nóng” trên thị trường chuyển nhượng. Trước sự dòm ngó của các đội bóng khác, đã có nhiều thời điểm trong mùa giải, Dortmund có ý định giữ chân ngôi sao của mình bằng cách đề nghị gia hạn hợp đồng thêm 5 năm cộng với mức lương gần 200.000 bảng/tuần.
Song, khi thị trường chuyển nhượng hè 2023 vừa mở cửa, CLB vùng Ruhr gần như không cố níu kéo cầu thủ 19 tuổi trước lời đề nghị của Real Madrid. Bản hợp đồng khoảng 100 triệu bảng trở thành cầu thủ đắt giá thứ nhì mà Dortmund từng bán trong lịch sử, chỉ sau thương vụ Dembele sang Barca.
Kênh truyền thông Đức, RAN, bình luận: “Hợp đồng của Bellingham và Dortmund kéo dài đến hè 2025, trong đó không có điều khoản phá vỡ hợp đồng. Dortmund có lợi thế để đàm phán với Real trong thương vụ Bellingham, và có thể kiếm nhiều hơn mức 100 triệu bảng”.
Dortmund quá nhanh trong việc bán đi trụ cột của mình. Mùa giải 2022/23, Bellingham góp công lớn giúp Dortmund xếp trên Bayern đến vòng cuối cùng. Tuy trượt chân đáng tiếc ở thời điểm quyết định, đội bóng vùng Ruhr đã đến gần chức vô địch nhất kể từ lần cuối lên ngôi vào mùa 2011/12.
Song, họ không vì thế mà níu giữ Bellingham quá quyết liệt. Mà nếu bán đi trụ cột hay nhất mùa, Dortmund lấy cơ sở gì để cạnh tranh với Bayern mùa tiếp theo? Sau nhiều năm, Dortmund vẫn cho thấy bản thân ưu tiên sự ổn định tài chính hơn là các danh hiệu.
“CLB chủ sân Signal Iduna Park dường như sẵn sàng về nhì mãi mãi sau Bayern, còn hơn chịu cảnh nợ nần như Shalke hay Hamburg”, Sky Sports bình luận. Nhưng nếu làm vậy, Dortmund sẽ không bao giờ nâng cao tầm vóc và vị thế, mà chỉ mãi là bệ phóng cho những siêu sao bóng đá tương lai.
Những cuốn sách hay về thể thao
Tủ sách thể thao mang tới những câu chuyện thể thao quá khứ và hiện tại, những bí mật hậu trường, những giải đấu, ký ức của những cựu danh thủ, HLV, các huyền thoại như Sir Alex Ferguson, Steven Gerrard, Park Hang-seo, Lê Công Vinh...