Năm 2020 đánh dấu doanh thu phòng vé Trung Quốc chính thức vượt qua Bắc Mỹ - vốn được coi là thị trường chiếu rạp lớn nhất hành tinh. Trong nhiều năm trở lại đây, trọng tâm của thị trường phim chiếu rạp đã có sự chuyển dịch từ xứ cờ hoa sang đất nước châu Á.
Nếu như trước đây, Mỹ được coi là mảnh đất màu mỡ để các nhà sản xuất phim hốt bạc doanh thu phòng vé thì nay các hãng phim tại kinh đô điện ảnh lại đang tìm cách để kiếm tiền từ nơi cách họ nửa vòng Trái Đất.
Hollywood cần Trung Quốc
Avatar và Endgame là những bom tấn thành công tại thị trường Trung Quốc. |
Năm 2019, Avengers: Endgame thu về 651 triệu USD. Godzilla vs. Kong chiếu trong thời kỳ dịch bệnh năm nay cũng đủ đem về cho Warner Bros. hơn 155 triệu USD. Do đó, những bộ phim hoạt động kém hiệu quả ở Hoa Kỳ có thể thu hồi khoản lỗ của họ ở nước ngoài. Nhất là tại Trung Quốc, nơi có khoảng 75.500 rạp chiếu trên toàn lãnh thổ. Trung Quốc đơn giản là trở nên quá béo bở để Hollywood có thể cưỡng lại.
Có một lý do khác khiến đất nước châu Á trở thành chiến lược phát triển cho nhiều hãng phim phương Tây. Dịch bệnh khiến dịch vụ truyền hình trực tuyến tại các quốc gia phát triển chèn ép doanh thu chiếu rạp vốn đã đạt tới cực hạn.
Nhưng câu chuyện tại Trung Quốc thì khác. Ngành giải trí phim ảnh mới chỉ bắt đầu, trong khi tiềm năng thị trường còn lớn với việc tầng lớp trung lưu tại châu Á ngày một gia tăng thì xem phim tại rạp đã trở thành thú vui không thể bỏ lỡ. Còn rất nhiều dư địa để mở rộng, vì vậy thị trường Trung Hoa sẽ ngày càng trở nên quan trọng hơn đối với Hollywood trong tương lai.
Nỗ lực từ Hollywood
Trừ một số đạo diễn từ chối chỉnh sửa phim để chiếu tại Trung Quốc như Quentin Tarantino, Martin Scorsese hay Christopher Nolan, các đơn vị Tây phương giờ đây, nếu lợi nhuận là mục tiêu tối thượng, hẳn sẽ phải tìm đủ mọi cách để tiếp cận thị trường châu Á này.
Vào đầu những năm 2000 khi Trung Quốc bắt đầu không chỉ dừng lại ở nhập phim mà còn đầu tư và tham gia sản xuất phim nước ngoài, Hollywood coi đây là cơ hội thuần túy. Không có lý do gì để nói không với một thị trường mới mẻ thậm chí tiềm năng còn lớn hơn một Bắc Mỹ chật chội.
Phiên bản Iron Man 3 (2013) chiếu tại Trung Quốc có hẳn một đoạn riêng cho nhân vật của Phạm Băng Băng và Vương Học Kỳ thể hiện. |
Ngay cả khi điều đó có nghĩa là các hãng phim sẽ phải tranh đấu quyết liệt để giành suất trong vài ba chục bộ phim nước ngoài được chiếu tại Trung Quốc mỗi năm. Cũng có nghĩa là họ sẽ phải cắt bỏ các chi tiết nếu như được yêu cầu, thêm vào diễn viên nếu được yêu cầu, hoặc thậm chí phải làm riêng một phiên bản khác.
Khi Hollywood cố gắng làm hài lòng Trung Quốc thì đến lượt các diễn viên, nhà sản xuất nước ngoài trở thành đối tượng bị tẩy chay. Sao của Fast & Furios phần 9 John Cena từng lên tiếng xin lỗi vì gọi Đài Loan là một quốc gia.
Một đoạn phỏng vấn cách đây 8 năm cho thấy Chloé Zhao đạo diễn Nomadland và Eternals từng gọi Trung Quốc là “một nơi đầy rẫy dối trá”, khiến Nomadland bị cấm chiếu, mọi thông tin khen ngợi về nữ đạo diễn gốc Trung đều bị xóa sạch trên truyền thông nước này.
Gần đây khi bom tấn Shang-Chi được công chiếu, nhân vật phản diện trong loạt truyện gốc Fu Manchu vốn được xây dựng mang đầy tính kỳ thị chủng tộc đã được thay thế bằng nhân vật mới do Lương Triều Vỹ thủ vai. |
Dẫu vậy, dường như điều đó vẫn không đủ để bộ phim qua ải kiểm duyệt của Trung Quốc. Thêm vào đó, nam chính Lưu Tư Mộ bị cộng đồng mạng Trung Quốc chê là “không đẹp”, không đúng với thẩm mỹ đương đại của đất nước này là nam giới mặt thon, mắt to, mũi nhỏ giống như các “tiểu thịt tươi” trong văn hóa thần tượng. Anh còn vướng vào những rắc rối liên quan đến phát biểu về Trung Quốc năm 2017.
Thị trường béo bở nhưng khó nhằn
Cánh cửa để đến với khán giả xứ tỷ dân không hề rộng mở: số lượng các phim nước ngoài hàng năm được chiếu tại Trung Quốc rất hạn chế.
Trong khi đó, ngành công nghiệp điện ảnh của Trung Quốc ngày càng phát triển với sự ra đời của các bom tấn kinh phí lớn. Qua đó, ngành giải trí bớt phụ thuộc vào ảnh hưởng của những thương hiệu điện ảnh Hollywood chẳng hạn như Fast & Furious.
Sự chiều chuộng của Hollywood có thể phản tác dụng ở Trung Quốc. Khán giả gọi một diễn viên nội địa xuất hiện trong một bộ phim nước ngoài nhưng chỉ đóng một vai nhỏ là bình hoa di động, không gì khác hơn là một phụ kiện dễ nhận biết được đưa vào phim giúp bán vé. Khi ngành công nghiệp làm phim của chính quốc gia này phát triển mạnh mẽ hơn, khán giả Trung Quốc đã trở nên sáng suốt với các phim Hollywood tại rạp.
Nhiều nhà sản xuất đã hiểu sai quan niệm rằng Trung Quốc là một thị trường cứu tinh chỉ cần lọt được chân qua là phim sẽ thắng lợi. Trên thực tế, Trung Quốc ngày càng chứng tỏ là một môi trường đầy thách thức, đôi khi không khoan nhượng đối với những cái tên nước ngoài. Trong số 20 phim hàng đầu hiện nay ở Trung Quốc, chỉ có bốn phim là của Mỹ.
Ngoài ra như đã nói ở trên, diễn viên, đạo diễn nước ngoài có thể dễ làm phật ý Bắc Kinh. Đã có những lo sợ rằng Hollywood sẽ quay trở lại thời kỳ những năm 1940 khi tự do sáng tạo bị bóp nghẹt bằng loạt quy chuẩn kiểm duyệt khắt khe. Tiếng nói nghệ thuật bị chặn đứng, các bộ phim bị yêu cầu chỉnh sửa vô lý là một số trong rất nhiều nỗi lo của các nghệ sĩ trước làn sóng biến đổi này.
Nếu vì tiền, các nhà sản xuất cũng có thể chọn cách cùng hợp tác với các đơn vị Trung Quốc để làm ra các bộ phim “nửa này nửa kia” như trường hợp của The Great Wall (Trường Thành) năm 2016, lách luật kiểm duyệt mà lên thẳng rạp chiếu. |
Chính The Great Wall là ví dụ cho việc nếu nhà sản xuất của hai bên không hiểu nhau làm ra một bộ phim vừa không hài lòng khán giả Hoa ngữ lại khiến người xem thế giới chê cười thì Trung Quốc không thể là cứu cánh cho doanh thu phòng vé.