Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Bài học kiên trì phát triển công nghiệp ôtô của các nước châu Á

Các nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan đều kiên trì phát triển ngành công nghiệp ôtô trong thời gian dài với những chính sách nhất quán.

xe Pony Han Quoc anh 1

Nhiều người Hàn Quốc vẫn còn nhớ chiếc xe hơi đầu tiên của nước này có tên gọi Sibal (có nghĩa là “xuất phát”) ra mắt vào năm 1955. Từ “xuất phát” hàm nghĩa việc nước này sẽ bắt đầu chặng đường sản xuất ôtô và quyết tâm vươn tầm thế giới.

Chỉ vài chục năm sau, những chiếc ôtô của Hàn Quốc đã có mặt khắp Châu Âu, Bắc Mỹ, Nam Á, Đông Nam Á… Mỗi năm nước này xuất khẩu hàng trăm triệu chiếc xe, thu về hàng chục tỷ USD. Bài học của Hàn Quốc hay một số nước như Thái Lan, Trung Quốc đáng để Việt Nam học hỏi, với mơ ước phát triển ngành công nghiệp ôtô của riêng người Việt.

Hàn Quốc vươn lên thành cường quốc xe hơi

Bắt đầu sản xuất ôtô từ năm 1955, nhưng đến giữa những năm 1960, ngành công nghiệp ôtô Hàn Quốc vẫn chỉ dừng lại ở việc hợp tác với các công ty nước ngoài và nhập khẩu ôtô cũ về lắp ráp lại. Sau đó, nước này tự sản xuất từ những phụ tùng nhỏ nhất đến chiếc xe hoàn chỉnh.

Việc sản xuất một chiếc ôtô, vốn được cấu thành bởi khoảng 20.000 chi tiết, đòi hỏi công nghệ mang tính hệ thống của ngành chế tạo phụ tùng và ngành sắt thép. Phải đến thập niên 1970, công nghiệp sản xuất ôtô của Hàn Quốc mới bắt đầu có nền móng cơ bản để tăng cường năng lực cạnh tranh quốc tế, nhờ vào sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp nặng, hóa chất và sắt thép.

Năm 1962, Hàn Quốc đã đưa ra "Chính sách khuyến khích ngành công nghiệp ôtô" và "Đạo luật bảo vệ ngành công nghiệp ôtô". Năm 1969, Chính phủ nước này đã công bố kế hoạch phát triển công nghiệp ôtô trong nước gồm 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên từ năm 1967 đến 1969: hoàn thành xây dựng các nhà máy chế tạo ôtô. Giai đoạn thứ hai từ năm 1970 đến 1973: sản xuất hàng loạt các phụ tùng linh kiện xe hơi. Giai đoạn cuối cùng từ năm 1973 đến 1975: chế tạo đầy đủ một chiếc xe ôtô hoàn chỉnh bằng công nghệ trong nước.

xe Pony Han Quoc anh 2

Pony là chiếc ôtô hoàn chỉnh đầu tiên của Hàn Quốc. Ảnh: Huyndai.

Và sau Sibal, Hàn Quốc đã có chiếc xe Pony, chiếc ôtô hoàn chỉnh đầu tiên của riêng nước này. Năm 1976, Hàn Quốc đã xuất khẩu chiếc xe ôtô đầu tiên sang Ecuador. Sự kiện này có thể coi là một cột mốc quan trọng, đánh dấu điểm khởi đầu cho việc xuất khẩu ôtô của Hàn Quốc. Đến nay, nước này đã xuất khẩu hàng triệu chiếc ôtô, các hãng xe Hàn Quốc đã vươn tầm toàn cầu.

Bài học từ Hàn Quốc, dù thiếu vốn và công nghệ song vẫn vượt qua được cuộc khủng hoảng năng lượng những năm 1970 bằng nhiệt huyết và quyết tâm lớn. Và dù đi sau các nước khác đến 100 năm nhưng với sự nỗ lực hết mình, chỉ trong vòng nửa thế kỷ, Hàn Quốc đã trở thành một trong năm cường quốc về công nghiệp ôtô trên thế giới.

Trung Quốc tung ưu đãi thuế, tín dụng

Trong khi đó, việc Trung Quốc kiên trì phát triển ôtô dù đi sau cả Hàn Quốc cũng là bài học cho Việt Nam. Hiện nay, Trung Quốc là nước sản xuất ôtô và phương tiện thương mại đứng đầu thế giới, chiếm khoảng 25,4% thị trường ôtô và phương tiện thương mại toàn cầu.

Từ những năm 1970, Trung Quốc đã nhanh chóng dỡ bỏ các rào cản và ban hành các chính sách thu hút FDI vào ngành công nghiệp ôtô. Theo đó, Trung Quốc thiết lập các chính sách khuyến khích quá trình học hỏi công nghệ, và chuyển từ liên kết ngang (theo chiều rộng) sang liên kết dọc (theo chiều sâu) trong chuỗi giá trị ngành công nghiệp ôtô nội địa. Để tận dụng lợi thế thị trường và hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, Trung Quốc còn khuyến khích các doanh nghiệp trong ngành sản xuất và lắp ráp ôtô trong nước tiêu thụ tại thị trường nội địa, ban hành chính sách hạn chế nhập khẩu ôtô sản xuất ở nước ngoài. Nhờ đó, hầu hết các hãng ôtô lớn trên thế giới đã có mặt tại Trung Quốc như Volkswagen của Đức, GM và Ford của Mỹ, Toyota của Nhật Bản, Peugeot - Citroen và Fiat của Châu Âu.

xe Pony Han Quoc anh 3

Trung Quốc còn ban hành và áp dụng nhiều chính sách giúp thúc đẩy phát triển thị trường linh kiện, phụ tùng ôtô nội địa.

Cùng với đó, Trung Quốc còn ban hành và áp dụng nhiều chính sách giúp thúc đẩy phát triển thị trường linh kiện, phụ tùng ôtô nội địa, kết nối các nhà sản xuất trong nước và liên doanh với các hãng sản xuất nước ngoài.

Trung Quốc cũng sử dụng doanh nghiệp nhà nước như một công cụ trong chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp ôtô. Các doanh nghiệp nhà nước lớn vừa tham gia vào các liên doanh lắp ráp và vừa đầu tư phát triển các cơ sở sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô.

Những chính sách ưu đãi về thuế, hỗ trợ tín dụng và nhiều biện pháp khác cũng được Chính phủ Trung Quốc áp dụng với các hãng nước ngoài sử dụng các linh kiện sản xuất tại địa phương.

Thái Lan đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ

Là nước đi sau nhưng Chính phủ Thái Lan đã có những chính sách ưu đãi, xây dựng một môi trường đầu tư đáng tin cậy để thu hút các hãng ôtô lớn của Nhật Bản, Mỹ và Châu Âu. Thái Lan đã thành lập các khu công nghiệp ở các tỉnh phía Bắc và phía Đông, phát triển hệ thống đường cao tốc và cơ sở hạ tầng giao thông, cảng biển... tại khu vực phía Đông và Đông Bắc. Nhiều dự án sản xuất ôtô và phụ tùng ôtô đã được thành lập ở đây, hình thành các cụm công nghiệp ôtô mới. Nhờ đó, Thái Lan đã thành công trong việc thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp ôtô ở các vùng (cụm) công nghiệp. Các mạng sản xuất công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp ôtô tiếp tục được mở rộng từ miền Trung sang miền Bắc và miền Đông Thái Lan trong những năm 1990.

xe Pony Han Quoc anh 4

Giai đoạn từ năm 2000 đến nay, Thái Lan tiếp tục đẩy mạnh phát triển, gia tăng xuất khẩu, tái khẳng định vị thế hàng đầu về phát triển công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp ôtô trong khu vực ASEAN.

Các công ty nước ngoài đã tổ chức sản xuất dưới dạng vệ tinh, mời các doanh nghiệp Thái Lan tham gia cung ứng và đặt các doanh nghiệp này xung quanh nhà máy lắp ráp của họ để hình thành các mạng sản xuất. Các nhà lắp ráp này hợp tác chặt chẽ với nhau, đặc biệt là thông qua chương trình khuyến khích sản xuất động cơ diesel, các nhà lắp ráp động cơ đã sử dụng các linh kiện, chi tiết được sản xuất tại địa phương, đáp ứng các yêu cầu về chất lượng theo đúng tiêu chuẩn và được kiểm nghiệm, đánh giá nghiêm ngặt.

Mặt khác, Chính phủ Thái Lan đặt mục tiêu nội địa hóa động cơ diesel ở mức 20% vào năm 1989. Để bảo hộ công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp ôtô non trẻ trong nước, Thái Lan đã mở rộng các hàng rào kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu các loại đầu vào như bộ tản nhiệt, pin, ống xả, săm lốp, kính an toàn, trống phanh và phanh đĩa.

Giai đoạn từ năm 2000 đến nay, Thái Lan tiếp tục đẩy mạnh phát triển, gia tăng xuất khẩu, tái khẳng định vị thế hàng đầu về phát triển công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp ôtô trong khu vực ASEAN.

Trần Nguyễn

Bạn có thể quan tâm