Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bài học dành cho Trung Quốc sau vụ nổ ở Thiên Tân

Giám đốc một công ty hoá chất cho rằng tình trạng "bán rẻ" sự an toàn nhằm thúc đẩy đà phát triển kinh tế ở Trung Quốc khiến nguy cơ gặp rủi ro của người dân tăng.

Ngọn lửa tiếp tục cháy tại khu vực gần nơi xảy ra vụ nổ vào sớm hôm 13/8 tại Thiên Tân. Ảnh: Getty

Cảnh hoang tàn sau các vụ nổ liên tiếp ở Thiên Tân một lần nữa chứng minh cho mối nguy hiểm mà ngành công nghiệp Trung Quốc mang lại. Quy trình giám sát an toàn lỏng lẻo là nguyên nhân chính gây ra vụ nổ khiến hơn 100 người thiệt mạng và thải một lượng khói độc lớn vào không khí, đe doạ cuộc sống của người dân.

Hiện tại, nhà chức trách đang điều tra các doanh nghiệp sử dụng hoá chất nguy hiểm và chất nổ trên toàn quốc. Trả lời Tân Hoa Xã, bộ trưởng Bộ Công an Trung Quốc khẳng định, những kẻ gây ra thảm hoạ tại Thiên Tân sẽ phải chịu sự trừng phạt của pháp luật.

Các con số biết nói

Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), 68.061 người chết do tai nạn lao động tại Trung Quốc trong năm 2014, chiếm khoảng 20% tổng số các vụ tử vong cùng nguyên nhân trên toàn cầu.

Như vậy, trung bình mỗi ngày, khoảng 186 người chết do tai nạn nghề nghiệp tại đất nước 1,3 tỷ dân. Trong khi đó, tại Mỹ, với dân số khoảng 320 triệu người, 12 người mất mạng mỗi ngày vì nguyên nhân tương tự.

Bắc Kinh khẳng định, số ca tử vong do tai nạn nghề nghiệp ngày càng giảm. Tuy nhiên, trong bối cảnh các tai nạn liên tục xảy ra và hiểm họa về nhiễm độc môi trường ngày càng lớn, người Trung Quốc không thể yên tâm hoàn toàn.

Tai nạn liên hoàn

Khói trắng bốc lên từ nhà kho ở Thiên Tân sau vụ nổ hôm 15/8. Ảnh: AP

Vụ nổ tại Thiên Tân đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng Trung Quốc "bán rẻ" sự an toàn nhằm thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh.

"Trong 15 năm qua, ngành công nghiệp hoá chất ở Trung Quốc phát triển với tốc độ rất cao. Từ một nước chuyên nhập khẩu hóa chất, Trung Quốc trở thành nước xuất khẩu lớn", Ashish Pujari, giám đốc cấp cao của Công ty Hoá chất IHS, nói.

“Nhiều nhà sản xuất tìm cách giảm chi phí liên quan tới an toàn lao động để tăng tỷ suất lợi nhuận. Thậm chí nhiều nhà máy sản xuất trước khi chính quyền cho phép", ông nói.

Hồi tháng 4, vụ nổ ở một nhà máy hoá học chuyên sản xuất paraxylene (PX) tại thành phố Chương Châu, tỉnh Phúc Kiến khiến người dân địa phương lo ngại nguồn nước của thành phố nhiễm độc. Đây là vụ nổ thứ hai diễn ra tại cùng một địa điểm trong vòng hai năm.

Sự xuất hiện của PX gần khu vực dân cư khiến người dân phẫn nộ. Họ biểu tình để yêu cầu chính quyền  đóng cửa nhà máy. PX là chất mà các công ty sử dụng để sản xuất chai nhựa và quần áo sợi polyester. Nó rất dễ cháy và tác động tới hệ thần kinh trung ương của con người khi tiếp xúc. 

Hồi năm 2013, hơn 100 công nhân thiệt mạng khi một đám cháy lớn bùng lên từ phân xưởng chế biến thịt gia cầm ở khu Đức Huệ, thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm. Những người sống sót kể rằng người ta khóa cửa nhà máy vào thời điểm ngọn lửa xuất hiện khiến nhiều người chết bên trong. 

Ngoài ra, cấu trúc bên trong của xưởng chế biến khá phức tạp. Các lối thoát hiểm rất hẹp khiến công tác cứu hộ trở nên khó khăn, Tân Hoa xã nhận định.

Bí mật trong kho hàng?

Nhân viên cứu hộ bị thương khi dập đám cháy tại kho hàng ở Thiên Tân. Ảnh: AP

Giới chức địa phương thừa nhận họ không biết những hóa chất trong kho hàng bởi người quản lý cơ sở không cung cấp đầy đủ thông tin. Sự việc cho thấy lỗ hổng trong hoạt động quản lý các quy định.

Hôm 15/8, những nhà điều tra tại hiện trường vụ nổ phát hiện vài trăm tấn nguyên liệu xyanua tại hai địa điểm. Hiện tại, giới chức đang kiểm tra các hồ sơ hải quan để xác định những hóa chất trong kho.

Chất mà các nhà điều tra tìm thấy trong vụ nổ là natri xyanua (NaCN), một hợp chất hoá học cực độc mà người ta dùng để chiết xuất kim loại quý trong ngành công nghiệp khai thác mỏ.

"NaCN là một chất cực độc. Chỉ một lượng nhỏ, khoảng một phần tư muỗng cà phê, cũng có thể giết một người khoẻ mạnh. Nhưng điều nguy hiểm hơn là có thể tạo thành axit prussic (HCN). Vì vậy,  làm sạch hiện trường là việc rất khó khăn", David Legget, chuyên gia tư vấn rủi ro, nói với CNN.

Bên cạnh đó, sau khi thị sát, nhóm chuyên gia của tổ chức Greenpeace nhận định, nhà kho tại Thiên Tân còn chứa nhiều chất độc hại khác, bao gồm toluene diisocyanate (TDI) và canxi cacbua.

Sự phẫn nộ của người dân

Các bác sĩ đưa người dân bị thương đến bệnh viện sau khi vụ nổ kho hàng tại Thiên Tân xảy ra. Ảnh: Getty Images

Sự lẩn tránh của nhà chức trách về những vấn đề như nguy cơ đối với nguồn nước, khả năng làm sạch khu vực nhiễm độc khiến người dân ngày càng bức xúc.

Theo quy chế của Cục Quản lý Nhà nước về An toàn Lao động, các nhà máy có diện tích trên 550 m2 và lưu trữ hoá chất nguy hiểm phải ở cách khu vực công cộng tối thiểu 1 km. Tuy nhiên, kho chứa hoá chất tại Thiên Tân không tuân thủ quy định này.

Hiện tại, người dân địa phương thắc mắc tại sao sau một loạt vụ nổ lớn gây thiệt hại nặng nề, chính quyền không thực thi những giải pháp nhằm đảm bảo an toàn cho người dân.

Pujari, giám đốc cấp cao của Công ty Hoá chất IHS, cho hay, Bắc Kinh cần cải thiện 3 khía cạnh: ban hành quy định, thực hiện các quy định và đào tạo tất cả những người lao động làm việc với hoá chất nguy hiểm.

"Ép tất cả các doanh nghiệp tuân theo quy chuẩn của những quy định mới là việc hết sức khó khăn. Tuy nhiên, sự cố xảy ra ở kho hoá chất tại Thiên Tân có thể buộc ngành công nghiệp và chính phủ đầu tư nhiều hơn vào hoạt động đào tạo", ông nhận định.

Kim Ngân

Bạn có thể quan tâm