Bình luận
Tuyển Australia chỉ ghi được một bàn thắng vào lưới Đặng Văn Lâm, nhưng điều đó không có nghĩa là Australia không quá vượt trội so với Việt Nam. Họ vẫn ở tầm đẳng cấp khác so với chúng ta. Và ở bàn thua duy nhất này, chúng ta cũng không thể và không nên trách cứ bất kỳ cá nhân nào. Không ai có lỗi. Chỉ có chênh lệch đẳng cấp mới là cái “lỗi”.
Nếu tách tình huống ăn bàn ấy ra khỏi bối cảnh của nó, chắc chắn có người trách Văn Lâm. Song trận bóng đá là cả 90 phút chứ không phải “cảnh” được cắt ra trong 90 phút ấy bất chấp chuyện nhiều khi một “cảnh” (tình huống) lại quyết định cả trận cầu.
Tiến Linh và đồng đội thi đấu nỗ lực trước đối thủ rất mạnh Australia. Ảnh: Việt Linh. |
Áp lực quá lớn
Và ở tình huống chúng ta để thua, trước khi đội bạn có quả tạt vòng ra sau lưng toàn bộ hàng thủ, đồng thời loại bỏ cả hàng thủ ấy lẫn Văn Lâm, họ đã có pha tấn công cũng từ biên trái. Ngay khi bóng thoát khỏi vòng 16,5 m của chúng ta, họ bồi tiếp quả tạt nhanh này. Chính cái chớp nhoáng của nó đã khiến hàng thủ vừa co về và chớm đà dịch chuyển lên đã bị vô hiệu hóa hoàn toàn.
Điều đó cho thấy thực tế: Áp lực của Australia là rất lớn và liên tục. Chính vì áp lực liên tục này mà chúng ta mới gãy. Và may mắn cho tuyển Việt Nam là Australia không phải đội bóng chơi tốc độ ở Mỹ Đình. Giả sử họ chơi nhanh hơn, sự dồn dập họ tạo ra cũng sẽ lớn hơn rất nhiều và khi đó, đổ gãy còn kinh khủng hơn nhiều.
Và trước mắt tuyển Việt Nam ở vòng loại thứ 3 này là các đối thủ đều mạnh hơn chúng ta kiểu như Australia. Thậm chí, có đối thủ còn chơi tốc độ hơn nhiều, mà Nhật Bản sẽ là ví dụ điển hình. Chúng ta sẽ gặp tất cả đối thủ mạnh ấy sớm thôi và cũng gặp lại cả Australia. Thế nên, việc rút ra bài học gì sau thất bại này mới là nhiệm vụ quan trọng nhất.
Trong các môn điền kinh, phát súng lệnh quan trọng. Xuất phát chậm hơn súng lệnh có thể khiến vận động viên trả giá bằng cả giải đấu. Và tuyển Việt Nam như VĐV điền kinh đã lỡ phát súng lệnh khi chúng ta có đội hình xuất phát rất có vấn đề.
Chủ trương phòng thủ chặt, phản công nhanh, chúng ta có được pha phản công nào ở hiệp 1? Chỉ có 2 pha phản công ít ỏi mà thôi. Pha thứ nhất ở phút thứ 8, với cú chuyền cực hay của Hoàng Đức cho Quang Hải.
Pha thứ hai là đường phản công ở phút 28 dẫn đến 2 cú dứt điểm liên tiếp của Hồng Duy. Và đó cũng là 2 pha bóng hiếm hoi mà chúng ta có thể giữ được bóng để tạo ra đường chuyền. Còn lại, chúng ta không hề giữ được bóng sau khi vất vả tranh chấp với những đối thủ mạnh hơn mình.
Và Quang Hải cùng Hoàng Đức chính là 2 nhân tố hiếm hoi ấy. Mặt trận phản công của tuyển Việt Nam phá sản ở hiệp 1 khi không ai ngoài hai cái tên này có thể cầm bóng. Khi không thể giữ nổi bóng một nhịp để chờ đồng đội lên hỗ trợ, cơ hội phản công sẽ không còn nữa. Đặc biệt là khi đối thủ khỏe, giỏi hơn mình, nên họ kịp lui về đoạt lại bóng một cách dễ dàng.
Chính vì xuất phát với đội hình mà tuyến trên không cầm nổi bóng, tuyển Việt Nam thúc thủ hiệp 1 và để Australia chơi thoải mái ở nửa sân, nếu không nói là 1/3 sân của chính mình.
Tuyển Việt Nam vẫn chưa thể có điểm ở vòng loại thứ ba World Cup 2022 sau trận gặp Australia. Ảnh: Việt Linh. |
Diện mạo khác biệt
Sự thay đổi ở hiệp 2 của Park Hang-seo đã mang lại diện mạo khác hẳn cho tuyển Việt Nam. Văn Toàn, Hà Đức Chinh và Đức Huy vào sân đã thay đổi toàn bộ cục diện. Australia đã không còn có thể thường xuyên chơi ở 1/3 sân Việt Nam.
Đừng vội nghĩ là họ có bàn thắng rồi nên không muốn dâng cao. Phải nói là cách tổ chức của Việt Nam ở hiệp 2 đã khiến họ không thể dâng cao thường xuyên và liên tục như hiệp 1.
Có mặt Đức Huy, rõ ràng khoảng trống giữa tuyến hậu vệ và tuyến tiền vệ Việt Nam đã có nhân sự dám tranh chấp trấn giữ. Chính vì thế, bắt đầu các tiền vệ Hoàng Đức, Quang Hải có bóng nhiều hơn.
Và cơ bản, Văn Toàn là cầu thủ giữ được bóng, nên Việt Nam bắt đầu có cơ hội uy hiếp khung thành đối phương. Khi chúng ta có thể phản công đều đặn hơn, chắc chắn đối thủ không dám mạo hiểm hơn là chuyện đương nhiên.
Và sự có mặt của Văn Toàn, Đức Huy, Hà Đức Chinh lại càng làm Hồng Duy và Trọng Hoàng chơi tốt hơn nữa. Họ có vệ tinh để phối hợp nên do đó, họ cũng giữ được bóng hoặc có nút để chuyền giải tỏa.
Thế trận đã không còn co cụm nữa và thậm chí có lúc tuyển Việt Nam cho thấy chúng ta xứng đáng hơn với kết quả hòa. Và câu hỏi đặt ra là, nếu ông Park có đội hình xuất phát hợp lý hơn, có chắc Australia sẽ chơi được dồn dập như thế ở 1/3 sân của chúng ta ở hiệp 1?
Tại sao ông Park kiên định giữ Phan Văn Đức xuất phát và không bổ sung Đức Huy từ đầu để giải phóng cho Hoàng Đức và Quang Hải hơn? Nhất là khi Phan Văn Đức vốn dĩ là cầu thủ không mạnh về tốc độ nên việc chơi xa cầu môn sẽ khiến anh rơi vào vùng sở đoản.
Giả sử, Phan Văn Đức chơi xuất sắc trước Saudi Arabia, còn có lý do dễ giải thích. Nhưng những nhược điểm cơ bản của anh (tốc độ kém, giữ bóng kém) đã khiến chúng ta gãy ở phản công trước Saudi Arabia, mà ông Park vẫn kiên trì sử dụng như hy vọng điều gì đó thần kỳ thì khó hiểu thật.
Bài học rút ra từ sau thất bại này, cộng hưởng với thất bại trước, là chúng ta phải thay đổi kế hoạch trận cầu. Các đối thủ của chúng ta sẽ còn nguy hiểm hơn nữa nếu như họ chơi ở tốc độ cao.
Nhưng khi chơi ở tốc độ cao, độ chính xác cũng sẽ giảm sút. Khi ấy, khả năng đoạt lại bóng của ta là có. Song, đoạt bóng rồi thì làm gì? Ai cầm được bóng để phản công trở nên có ý nghĩa?
Câu hỏi này, chỉ một mình ông Park Hang-seo có thể trả lời.