Chính quyền phải lên tiếng khẳng định bãi biển nhân tạo không gây hại và sẽ không bị trôi mất. Tuy nhiên, các ý kiến phê bình cho rằng bãi biển được xây dựng mà không có đánh giá tác động môi trường. Đồng thời, có những lo ngại về ảnh hưởng của cát nhân tạo với sức khỏe và về khoản tiền nhiều triệu peso (1 triệu peso = 20.600 USD) chi vào dự án này giữa cuộc chiến chống dịch.
Bãi biển này, ở Vịnh Manila, được xây dựng chỉ trong vài ngày. Ngày 31/8, xe tải bắt đầu đổ cát trắng mịn, tổng cộng 3.500 tấn, làm từ chất dolomite dạng bột, dọc theo dải đất lấn ra vịnh có chiều dài 500 m, theo South China Morning Post.
Vịnh Manila vốn nổi tiếng là nơi ngắm Mặt Trời lặn, nhưng nước ở đây bị ô nhiễm nặng. Bơi trong vịnh có thể nguy hiểm tới sức khỏe.
Giới chức cho biết dự án này nhằm đưa Boracay - đảo ở miền Trung Philippines nổi tiếng vì các bãi biển có cát trắng mịn như đường - đến với người nghèo ở Manila. Đồng thời, tạo ra bãi biển như vậy cũng khiến mọi người bớt xả rác.
Ngày 19/9, sau khi các công nhân đã làm phẳng cát, công chúng được vào bãi biển. Hàng nghìn người đến chụp selfie, và Tổng thống Rodrigo Duterte khen ngợi dự án.
Người dân kéo đến bãi biển mới chụp selfie. Ảnh: Tân Hoa Xã. |
Tuy vậy, ngày 21/9, chính quyền đóng cửa bãi biển vì nhận ra đám đông không tuân thủ giãn cách. Cảnh sát phụ trách ở đây bị cho nghỉ việc. Thị trưởng Manila Francisco Moreno nói công chúng nên tạm hài lòng xem ảnh bãi biển trên mạng.
Bộ phụ trách môi trường cho biết bãi biển có thể được mở lại khi đại dịch qua đi, đồng thời lạc quan về tác động tích cực lên các hộ kinh doanh.
Thế nhưng, có nhiều ý kiến lo ngại khác. Infrawatch, viện chính sách tập trung vào các dự án hạ tầng lớn, nói bãi biển này, được xây dựng bằng dolomite tán mịn từ sườn đồi ở thị trấn Alcoy, tỉnh Cebu, không có chứng nhận tuân thủ quy định môi trường. Infrawatch cũng cáo buộc rằng chỉ có một nhà thầu và không có đàm phán về chi phí.
Các công nhân đang đi trên cát nhân tạo làm từ dolomite dạng bột mịn ngày 10/9. Ảnh: Reuters. |
Đảng đối lập Akbayan ngày 24/9 cũng đệ đơn lên Tòa án Tối cao, đặt dấu hỏi vì sao chính phủ lại chi 8 triệu USD cho dự án trong khi Philippines vẫn còn đang chống dịch. Song chính quyền lại nói dự án chỉ tốn 580.000 USD.
Đảng này cũng chỉ trích bãi biển là rủi ro sức khỏe, có thể ảnh hưởng đến cư dân xung quanh vì nó “không tự nhiên, nhân tạo”.
Trên website, cơ quan môi trường lại nói dolomite không gây hại cho môi trường hay con người, được dùng rộng rãi làm chất trung hòa trong các bể cá hay để làm giảm độ mặn của nước biển.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Y tế Rosario Vergeire ngày 7/9 nói với báo chí rằng bụi dolomite có thể gây ra “vấn đề hô hấp” ảnh hưởng đến mắt cũng như hệ tiêu hóa.
Một bức ảnh trên mạng xã hội cho thấy bãi biển trước và sau một trận bão. Ảnh: Facebook |
Khai thác dolomite cũng tác động tới môi trường ở thị trấn Alcoy. Truyền thông tỉnh Cebu đưa tin dolomite nghiền mịn đã rơi xuống biển khi vận chuyển, gây hại cho san hô.
Giới chức tỉnh Cebu cho biết không được tham vấn về việc khai thác dolomite và chưa cấp phép cho hoạt động khai thác này. Ngày 25/9, bộ trưởng phụ trách môi trường Roy Cimatu ra lệnh ngưng khai thác để đợi điều tra.
Ở Manila, giới chức đang bận rộn gia cố bãi biển này với các túi cát, trước nguy cơ bão và sóng có thể cuốn cát nhân tạo đi. Bãi biển mới này dường như đã nhỏ hơn sau một trận bão mạnh tuần qua, theo South China Morning Post.