Tháng 5/2007, trong quá trình khảo sát hoạt động của các loài động vật dưới biển tại hẻm núi Monterey, hay còn gọi là “Midwater1”, ở ngoài khơi California, nhóm các khoa học tại Viện Nghiên cứu Monterey Bay Aquarium (MBARI), do chuyên gia Bruce Robinson dẫn đầu, đã phát hiện một con bạch tuộc cái Graneledone boreopacifica bám trên bề mặt mỏm đá ngầm của hẻm núi ở độ cao 1.400 m so với mặt nước biển.
Bạch tuộc cái Graneledone boreopacifica bám trên bề mặt mỏm đá ngầm hồi tháng 5/2007. Ảnh: Daily Mail |
Trong 4,5 năm, các nhà nghiên cứu đã ghé thăm địa điểm này 18 lần. Dựa trên những vết xước trên thân bạch tuộc, họ khẳng định nó vẫn ở vị trí cũ, Daily Mail đưa tin.
Các nhà nghiên cứu ước tính bạch tuộc cái đã ấp khoảng 160 trứng. Những quả trứng ngày càng phát triển. Các nhà nghiên cứu còn thấy bạch tuộc con đang phát triển bên trong lớp màng mỏng.
Trong khoảng thời gian này, bạch tuộc mẹ không di chuyển khỏi vị trí và không ăn gì. Nó cũng không quan tâm tới những con tôm hay cua nhỏ bơi xung quanh và chỉ chú tâm tới việc giữ sạch sẽ cho trứng. Trọng lượng của bạch tuộc mẹ dần giảm sút và lớp da của nó trở nên lỏng lẻo và xanh xao.
Lần cuối cùng nhóm nghiên cứu trông thấy bạch tuộc mẹ ấp trứng là vào tháng 9/2011. Nó đã biến mất một tháng sau đó.
"Cuối cùng, sau quá trình ấp trứng, bạch tuộc mẹ vẫn không thể tránh khỏi cái chết", các nhà nghiên cứu nói.
Theo các nhà khoa học, do được ấp rất lâu bên trong trứng, nên khi thoát ra ngoài, bạch tuộc con hoàn toàn có khả năng tự tồn tại và tìm kiếm các con mồi nhỏ.
"Loài bạch tuộc Graneledone boreopacifica ấp nở trứng có mức độ phát triển cao, tạo cho chúng một lợi thế sinh tồn tiềm năng", nhóm nghiên cứu kết luận.
Tạp chí PLOS ONE đã đăng tải nghiên cứu của các nhà khoa học trên ấn phẩm của họ.