Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bác sĩ Trần Quốc Khánh: ‘Niềm vui của quê hương là niềm vui của tôi’

Ký ức về đội bóng “sau lũy tre làng” luôn ghi dấu trong tiềm thức bác sĩ Khánh. Xa quê lâu ngày, anh hỗ trợ số tiền nhỏ để niềm vui của con trẻ được diễn ra hàng năm.

Bóng đá là một trong những môn thể thao được mến mộ nhất trên thế giới và Việt Nam mình cũng không ngoại lệ.

Ở miền Trung, nơi quê hương bác sĩ, bóng đá còn được yêu mến cuồng nhiệt hơn nữa.

Ngày về với ông bà nội cũng là ngày bác sĩ bắt đầu biết đá bóng, theo phong trào của trẻ em trong xóm. Đầu tiên là bóng bưởi rồi đến bóng nhựa và sau này khi lớn lên mới được chơi bóng hơi.

Ngày ấy, nhà ông bà nội mái tranh vách đất, trước sân có một dãy liếp để chắn gió lùa. Vì muốn cháu tập trung cho học tập cũng như không muốn mấy đứa trẻ làm nát mấy tấm phên tre nên ông nội không cho đá bóng ở sân trước nhà.

Nhưng tuổi thơ dữ dội, niềm đam mê bóng đá luôn làm lũ trẻ cuồng chân. Vậy nên cứ mỗi lần thấy ông nội vắng nhà là bác sĩ cùng đám bạn lại lấy bóng ra chơi làm chiếc phên chắn trước hiên nhà tan tành theo năm tháng.

Để giấu không cho ông biết, đội luôn cử một người đứng canh đầu ngõ, nếu thấy ông về từ xa là cả hội sẽ giải tán còn bác sĩ dùng chổi ra quét sân sạch sẽ rồi nhanh chóng vào vị trí ngồi học ngay.

Ung ho doi bong que nha anh 1

Niềm đam mê bóng đá luôn làm con trẻ cuồng chân. Ảnh minh họa: Hoàng Hải.

Và cứ mỗi mùa hè đến, khi chính quyền địa phương tổ chức giải bóng đá cho thanh thiếu niên trong xã là khoảng thời gian háo hức nhất trong năm của đám trẻ, đầu đường cuối xóm đâu đâu cũng bàn về giải đấu “sau lũy tre làng”.

Bác sĩ cùng đám bạn thì không buổi trưa nào ngủ mà gặp nhau bàn chiến thuật và phân tích từng đối thủ, góp tiền mua áo đấu.

Loa đài các thôn cũng thi nhau thông báo cập nhật tình hình giải đấu làm sôi động thêm những ngày hè rực lửa.

Rồi những trận đấu diễn ra, cứ mỗi chiều buông, người dân trong xóm ai cũng tạm gác lại công việc gia đình, đồng áng để lên sân cổ vũ cho đội bóng xóm mình, tiếng hò hét vang một góc xã.

Đó là những ngày quê hương như được tiếp thêm tinh thần đoàn kết, ai cũng rạng rỡ, vui cười khi gặp nhau, tất cả mọi câu chuyện đều xoay quanh trái bóng, hồ hởi lắm.

Rồi thời gian trôi đi, bác sĩ rời xa quê hương, làng xóm để lên đường lập nghiệp, những kỷ niệm tuổi thơ tạm gói ghém lại trong tâm hồn.

10 năm sau, bác sĩ trở về vào đúng dịp hè với tâm trạng háo hức mong chờ giải bóng diễn ra để được sống lại những tháng ngày tuổi thơ ấy, tuy nhiên đến phút cuối chính quyền địa phương thông báo không tổ chức được. Bác sĩ vừa buồn vừa thương các em nhỏ nơi quê nhà.

Qua tìm hiểu được biết lý do là đóng góp trong các xóm chưa đủ để tổ chức dù toàn bộ kinh phí chỉ loanh quanh tầm 12-13 triệu đồng.

Biết được điều đó, bác sĩ có đến gặp lãnh đạo chính quyền xin đề nghị được tài trợ phần kinh phí còn thiếu (tầm một nửa) để giải được diễn ra hàng năm.

Ngày ấy đến cả tận bây giờ, kinh tế bác sĩ chưa khi nào dư dả, nhưng nếu chỉ vì thiếu chừng ấy tài chính mà mọi người mất đi những ngày hè sôi động thì thật đáng tiếc.

Từng là cậu bé năm nào, bác sĩ cảm nhận được niềm khát khao chơi bóng trong những ánh mắt trẻ thơ. Để rồi xuyên suốt hơn 5 năm trôi qua, cứ mỗi mùa hè đến bác sĩ lại đồng hành cùng quê hương mang đến những phút giây không thể nào quên trong ký ức mỗi người, niềm vui của quê hương cũng chính là niềm vui của bác sĩ, một người con xa quê nhưng luôn đau đáu hướng về.

Trong cuộc sống này, đôi lúc điều ta cho đi đâu cần to tát, quan trọng là ẩn chứa bên trong bao nhiêu tình cảm yêu thương chân thành, phải không các bạn?

Trần Quốc Khánh/ Thái Hà Books và NXB Công thương

SÁCH HAY