Các chiến binh Taliban chịu nhiều vết thương tâm lý do chiến tranh. Ảnh: BBC |
Vào cuối những năm 1990, Taliban khống chế Afghanistan, nhưng cuộc chiến giành quyền lực này để lại cho chiến binh nhiều vết thương tâm lý chiến tranh. Một vị bác sĩ tên Nader Alemi nhận ra vấn đề này và mặc dù không đồng tình với tư tưởng của Taliban, ông đồng ý chữa trị cho họ.
Cái tên Alemi giờ trở nên quen thuộc ở Afghanistan. Phòng khám của ông đặt tại Mazar-e-Sharif ở phía bắc nước này. Lực lượng Taliban đã chiếm lấy thành phố này vào tháng 8/1998 và giành quyền kiểm soát nhiều khu vực xung quanh.
Tuy nhiên, trong khi thành công trên chiến trường, Alemi nhận ra sự căng thẳng tinh thần do nhiều năm chinh chiến của các thành viên Taliban. "Tôi nhớ nhóm Taliban đầu tiên đến gặp tôi. Họ thường đi thành nhóm, chứ không đi riêng lẻ. Khi tôi điều trị cho một người, anh ta sẽ đi kể cho người khác", ông kể trên BBC.
Theo BBC, Alemi là bác sĩ tâm thần duy nhất ở miền Bắc Afghanistan nói tiếng Pashto, ngôn ngữ chính của Taliban. "Ngôn ngữ rất quan trọng, vì tôi nói tiếng của họ, nên họ cảm thấy thoải mái và cởi mở với tôi", ông nói.
Một hôm, Mullah Akthar Osmani, người nắm quyền lực số 2 của Taliban chỉ sau Mullah Omar, lãnh đạo tinh thần của Taliban, đã cho gọi Alemi đến gặp ông ta.
Bác sĩ tâm thần người Afghanistan Nader Alemi tại phòng khám của ông ở Mazar-e-Sharif. Ảnh: BBC |
"Ông ta nghe thấy những tiếng nói và bị ảo giác. Vệ sĩ của ông nói với tôi rằng họ nghe thấy ông ta nói sảng suốt đêm", bác sĩ kể.
"Người đàn ông này đã ở trên tiền tuyến không biết bao lâu rồi, và nhìn thấy không biết bao nhiêu người bị giết trước mặt mình. Tất cả những tiếng nổ và tiếng thét đó có lẽ vẫn còn vang vọng trong đầu ông ta, thậm chí ngay cả khi ông ta đang ngồi thoải mái trong văn phòng của mình". Mullar Akhatar bị giết trong trận không kích năm 2006.
Alemi cũng điều trị cho các quan chức Taliban cấp cao khác. "Chúng tôi trở thành bạn. Một người thậm chí còn yêu cầu tôi gặp ông ta tại trụ sở chính của mình. Ông ta bị trầm uất và đau mãn tính, và tôi kê thuốc để giảm bớt các triệu chứng đó", vị bác sĩ kể lại. "Tôi không nhớ chính xác con số những người đến tìm tôi, nhưng phải đến hàng nghìn. Tôi điều trị cho họ trong gần 3 năm, trước khi Mazar bị chiếm lại vào tháng 11/2001".
Vì hầu hết bệnh nhân Taliban chưa bao giờ đi khám bác sĩ trước đó, Alemi hỏi họ liệu có phải thủ lĩnh của họ cấm việc đó nhưng thật ra không phải vậy. "Thành thực mà nói, họ quá mải mê nhiệm vụ và lịch trình hàng ngày của mình nên không có thời gian trị liệu. Ngạc nhiên là tất cả đều tin tưởng việc điều trị của tôi", bác sĩ cho hay.
"Lý do các thành viên Taliban chia sẻ với tôi những bất ổn trong tâm trí mình là vì sự không chắc chắn trong cuộc sống. Họ không kiểm soát được những gì đang xảy ra với bản thân. Tất cả nằm trong tay thủ lĩnh của họ. Phần lớn những bệnh nhân này đã không gặp gia đình mình hàng tháng, không nhìn thấy con họ lớn lên".
Alemi phát hiện nhiều người lính muốn tìm đến cái chết. "Họ nói với tôi họ từng có ý định tự tử". Một người kể: "Mỗi lần ra tiền tuyến, tôi đều mong ai đó sẽ bắn mình và kết thúc cuộc đời giúp tôi. Nhưng tôi vẫn sống sót và chán ghét cuộc sống kiểu này".
"Tôi đối xử với nhóm Taliban như con người, giống như tôi đối xử với các bệnh nhân khác của mình … mặc dù tôi biết họ đã gây ra mọi vấn đề trong xã hội của chúng ta", cựu bác sĩ của Taliban chia sẻ.
Đôi lúc Taliban cũng đưa vợ và con gái họ đến cho bác sĩ tâm thần này điều trị. Những người phụ nữ này cũng bị trầm uất, vì không được gặp chồng và cha trong thời gian dài và họ không biết tương lai của mình sẽ thế nào.
Cùng lúc với việc Alemi điều trị cho Taliban, bà Parvin Alemi vợ ông cũng mở một trường học ngầm để dạy cho khoảng 100 cô gái. "Hiện tại một số em là bác sĩ, kỹ sư và giáo viên. Tất cả các em đều biết ơn điều tôi đã làm cho họ. Các em nói họ sẽ vẫn mù chữ nếu tôi không dạy họ lúc đó", bà Parvin cho hay.
"Tôi yêu cầu học sinh đến riêng rẽ, không phải theo nhóm, để tránh bất kỳ rắc rối nào. Chúng tôi giữ bí mật về trường. Các học sinh được đề nghị không nói với ai khác. Đó là một quyết định nguy hiểm, nhưng tôi tự hào vì đã làm điều đó", bà chia sẻ thêm.
Cặp vợ chồng này từng lo lắng Taliban sẽ bắt họ, nhưng Alemi nói rằng Taliban khá có thiện cảm với ông, vì ông không có tham vọng hay ham thú chính trị, nên "nếu họ có bắt được trường học bí mật của chúng tôi thì cũng sẽ bỏ qua vì họ biết là chúng tôi chỉ muốn giúp người khác".
Hiện tại, bác sĩ tâm thần này tiếp tục điều trị cho những người Afghanistan bị tổn thương do xung đột. Bệnh nhân xếp hàng dài trong bệnh viện của ông, than phiền về sự chán nản, sự thay đổi tâm trạng và những cơn ác mộng.