Sự thay đổi diễn ra vào ngày thầy trò HLV Miura đá giao hữu với Olympic Uzbekistan (14/3). Bác sĩ Hoàng Nghĩa Dương không còn xuất hiện trong cabin huấn luyện để thực hiện công việc như thường lệ. Thay vào đó là sự có mặt của bác sĩ Nguyễn Trọng Thủy.
Bác sĩ Hoàng Nghĩa Dương (phải) không còn nằm trong thành phần Olympic Việt Nam. Ảnh: Tùng Lê |
Thông tin từ VFF cho biết, bác sĩ Dương bận việc cùng một đội tuyển quốc gia khác. Tuy vậy, cách giải thích này không thuyết phục vì Olympic Việt Nam chính là đội tuyển đang được quan tâm tối đa để chuẩn bị cho vòng loại U23 châu Á đã cận kề.
Lý do bác sĩ Dương bị thay thế được một lãnh đạo VFF mô tả là “tế nhị”. Những chấn thương liên tiếp cùng tiến độ hồi phục chậm của các cầu thủ có thể là nguyên nhân chính khiến ông Dương phải nhường chỗ cho ông Thủy.
Vị lãnh đạo của VFF chia sẻ: “Mọi vấn đề liên quan đến nhân sự của đội tuyển Olympic Việt Nam do HLV Miura quyết định, VFF là người phê duyệt”. Điều đó cũng phần nào cho thấy sự không hài lòng của nhà cầm quân người Nhật Bản với công tác y tế ở đội bóng.
Không ngẫu nhiên khi chiến lược gia sinh năm 1963 đề xuất triệu tập bác sĩ Nguyễn Trọng Thủy. Đây chính là chuyên gia nằm trong thành phần Đội tuyển Việt Nam tham dự AFF Cup 2014 và tạo ấn tượng tốt hơn với HLV Miura.
Bác sĩ Nguyễn Trọng Thủy (trái) từng tham gia đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2014. Ảnh: VFF |
Hai bác sĩ Hoàng Nghĩa Dương, Nguyễn Trọng Thủy cùng thuộc biên chế của Trung tâm huấn luyện thể thao Quốc gia Hà Nội và đều có kinh nghiệm tham gia các đội tuyển quốc gia ở nhiều cấp độ. Lãnh đạo của VFF khẳng định, sự thay thế bác sĩ ở đội tuyển Olympic Việt Nam không đi kèm hàm ý phủ nhận năng lực của họ. Điều này chủ yếu xuất phát từ quan điểm dùng người của HLV Miura.