Các nhân viên y tế tuyến đầu ở Malaysia nói họ đang gặp nguy hiểm do thiếu thiết bị bảo vệ và bệnh nhân không hợp tác, giữa lúc nước này nỗ lực ngăn chặn làn sóng lây nhiễm thứ ba của virus corona bằng cách mở rộng phong tỏa.
Các bác sĩ hy vọng việc Thủ tướng Muhyiddin Yassin tuần này ra lệnh kéo dài phong tỏa đến ngày 14/4 sẽ cho họ thêm thời gian quý giá để làm giảm tỷ lệ lây nhiễm và ngăn chặn sự gia tăng ca mới khi các biện pháp kiểm soát được gỡ bỏ.
Nhân viên phun thuốc khử trùng một nhà thờ ở ngoại ô Kuala Lumpur. Ảnh: Bloomberg. |
Các bệnh nhân nói dối lịch trình
Tổng cục trưởng Cục Y tế Noor Hisham Abdullah, thuộc Bộ Y tế Malaysia, hôm 25/3 nói ông hy vọng đất nước sẽ có thể ngăn chặn số ca nhiễm chạm mốc 6.000.
"Với lệnh kiểm soát di chuyển này, chúng tôi hy vọng sẽ có thể theo dõi và xác định ca dương tính, và những ca này sau đó sẽ được cách ly và điều trị", ông Noor nói, theo South China Morning Post.
"Chúng tôi hy vọng với hành động của chúng ta, ý chí của Thượng đế, chúng ta có thể hạn chế số ca nhiễm mới, không lên tới 6.000. Đó là mục tiêu của chúng tôi, chúng tôi cố gắng làm phẳng đường cong hàm số mũ".
Mục đích là ngăn chặn làn sóng lây nhiễm thứ 3 sau đợt đầu tiên đến từ Trung Quốc và đợt thứ 2 liên quan đến một sự kiện tôn giáo vào cuối tháng 2.
Song các nhân viên y tế nói rằng cuộc chiến chống lại virus đang bị phá hoại bởi các bệnh nhân nói dối về lịch sử đi lại và chê bai điều kiện cách ly.
Nhiều người nói rằng họ cũng đang phải đối mặt với sự thiếu hụt trang thiết bị cần thiết, trong đó ít nhất một bác sĩ cho biết cô phải tự chế khẩu trang bằng nhựa mua từ cửa hàng văn phòng phẩm.
Trong khi đó, một số bác sĩ có thâm niên cảnh báo rằng việc người dân ở các thành phố lớn đổ xô về quê do lệnh phong tỏa có thể đã khiến virus lây lan.
Chính phủ Malaysia đang chạy đua truy tìm những người tham gia một sự kiện tôn giáo lớn hồi cuối tháng 2, đầu tháng 3. Khoảng 16.000 người từ khắp Đông Nam Á được cho là đã tập trung về nhà thờ Hồi giáo Seri Petaling ở bang Selangor, ngoại ô thủ đô Kuala Lumpur.
Hơn 1.000 người có mặt tại sự kiện đã được xác nhận dương tính với virus. Các nhà chức trách lo ngại con số này sẽ tăng lên, với hơn 2.700 mẫu xét nghiệm vẫn đang chờ kết quả và hàng nghìn người tham dự vẫn chưa được tìm thấy.
Những người tham dự sự kiện chiếm khoảng một nửa trong số hơn 2.000 ca nhiễm được báo cáo ở Malaysia đến nay và giới chức y tế lo ngại rằng nhiều người khác đang tiếp tục lan truyền virus.
Nỗi sợ càng tăng thêm với thông tin về việc 47 nhân viên y tế được cho là đã nhiễm virus khi họ tham dự hai tiệc cưới cùng những người có mặt tại sự kiện tôn giáo.
Tính đến thứ hôm 26/3, Malaysia đã ghi nhận 23 trường hợp tử vong.
Làn sóng thứ 3 đã xuất hiện?
Một bác sĩ tuyến đầu ở bang Kelantan cho biết đã làn sóng lây nhiễm thứ ba đã xuất hiện, vì ổ dịch tại nhà thờ ở Selangor đã dẫn đến sự lây nhiễm theo phản ứng chuỗi khiến virus lan truyền trong cộng đồng.
"Chúng tôi đang tiến đến rất gần một ổ dịch quy mô lớn ở ngay tại Kelantan này. Chúng tôi đã có cấp thứ 5 (F5) trong chuỗi lây nhiễm từ nhà thờ", vị bác sĩ, người đứng đầu một trung tâm ứng phó với Covid-19 ở Kota Baru, thủ phủ tỉnh Kelantan, nói.
Một người đàn ông rửa tay khi rời nhà thờ Seri Petaling. Ảnh: AP. |
Bộ Y tế Malaysia cũng đã lên tiếng về "5 cấp F" lây nhiễm liên quan đến sự kiện tại nhà thờ Hồi giáo Seri Petaling. Ông Noor nói từ ổ dịch này, 711 người đã tiếp tục lây nhiễm cho gia đình họ.
"Nếu chúng ta xem xét ổ dịch này, có 711 ca ban đầu (F0) và những ca ban đầu này đã lây cho gia đình họ, tức cấp thứ nhất (F1)", ông nói trong cuộc họp báo hôm 26/3, theo The Star.
"Thành viên trong gia đình họ lại lây cho hàng xóm của họ, những người hàng xóm này lại lây cho bạn bè của họ. Chúng tôi thấy đã có đến 5 cấp lây nhiễm. Mỗi một người lại lây cho người khác... 5 cấp".
Bác sĩ Amar Singh, một trong những chuyên gia hàng đầu về nhi khoa, cho biết ổ dịch nhà thờ sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến tổng số ca nhiễm, cũng như việc người Malaysia đổ xô về quê trước khi lệnh phong tỏa có hiệu lực vào ngày 18/3.
"Làn sóng thứ 3 sẽ là lây nhiễm cộng đồng. Những người đã về quê sẽ truyền virus cho cha của họ, bà của họ", bác sĩ Amar nói.
Ông cho rằng dù việc kéo dài phong tỏa sẽ rất quan trọng đối với việc ngăn chặn dịch bệnh về lâu dài, số ca nhiễm trước mắt vẫn sẽ tiếp tục gia tăng. Ông dự báo số ca nhiễm sẽ giảm trong hai đến bốn tuần tới.
Những người khác tỏ ra lạc quan hơn, cho rằng làn sóng lây nhiễm thứ ba hoàn toàn có thể tránh được nếu người Malaysia cẩn trọng.
Bác sĩ Khor Swee Kheng, chuyên gia y tế công cộng, cho biết khả năng xảy ra làn sóng thứ ba rất nhỏ và việc này chủ yếu phụ thuộc các sinh viên và công nhân Malaysia trở về từ nước ngoài.
"Tuy nhiên, nếu họ tuân thủ 14 ngày cách ly và được xét nghiệm đầy đủ, khả năng là rất thấp", ông nói, cho biết thêm rằng "xem xét mọi khía cạnh, việc chính phủ có nghĩa vụ chăm sóc công dân của họ bất kể họ ở đâu có nghĩa là chúng ta phải đón nhận nhà đồng bào Malaysia trở về nhà và quản lý rủi ro".
Giáo sư danh dự, bác sĩ Lam Sai Kit, nhà tư vấn nghiên cứu, nhà virus học tại Đại học Malaya, cho biết các biện pháp giảm nhẹ của Malaysia chắc chắn hơn so với nhiều quốc gia, bao gồm Australia, Anh, Mỹ và Italy.
Ông nói 95% người dân tuân thủ lệnh phong tỏa và "nếu chúng ta có thể duy trì điều này, hoặc cải thiện nó, chúng tôi hy vọng sẽ không có làn sóng thứ 3... chúng ta sẽ rút ra được bài học khủng khiếp một cách khó khăn".
Binh sĩ trên đường phố Kuala Lumpur giữa lúc Malaysia phong tỏa toàn quốc. Ảnh: AFP. |
Căng thẳng gia tăng ở tuyến đầu
Trong khi đó, việc số ca nhiễm gia tăng đang gây căng thẳng rất lớn cho các nhân viên y tế tuyến đầu.
"Những người ở tuyến đầu đang làm việc không mệt mỏi với các ca làm việc kéo dài tới 16-18 giờ một ngày. Tất cả chúng tôi đều kiệt sức và không thể chờ đợi chuyện này kết thúc", bác sĩ ở Kelantan nói.
"Nhiều người đang ở tại các homestay và khách sạn mà họ phải tự trả tiền để tránh lây nhiễm cho gia đình họ"
Các nhân viên y tế cũng đứng trước rủi ro với các bệnh nhân không tiết lộ lịch sử đi lại hoặc nói dối về việc tiếp xúc với người nhiễm virus hoặc đã tham dự sự kiện tôn giáo ở Selangor.
"Chỉ khi có kết quả dương tính, các bệnh nhân này mới thừa nhận họ đã tiếp xúc với những người nhiễm Covid-19", vị bác sĩ nói, cho biết khi đó, nhân viên y tế đã bị phơi nhiễm.
Một số bệnh nhân từ chối kiểm tra trong khi một số người bị cách ly tại nhà không tuân thủ các quy tắc và rời khỏi nhà để giao du hoặc tham dự các nghi lễ cầu nguyện. "Họ nói rằng Thượng đế quyết định việc họ khỏi bệnh hay họ phải chết", vị bác sĩ nói.
Cũng có những trường hợp bệnh nhân bỏ trốn sau khi được thông báo họ phải nhập viện. "Khi tôi đi gọi xe cứu thương, bệnh nhân đã bỏ đi", bác sĩ ở Kelantan nói.
Các bác sĩ và nhân viên y tế khác đã lên tiếng về việc không được trang bị đẩy đủ. Bác sĩ Tai Woon Ting, làm việc một bệnh viện công ở bang Selangor, nơi có tỷ lệ lây nhiễm cao nhất với 435 ca, cho biết các bác sĩ "tự chế tạo đồ che mặt".
Một bác sĩ với thiết bị che mặt tự chế. Ảnh: SCMP được cung cấp. |
"Chúng tôi mua nhựa từ các cửa hàng văn phòng phẩm để tự chế tạo chúng, bằng tiền túi của chúng tôi và sự đóng góp từ các cá nhân", cô cho hay.
"Chúng tôi cũng đang sắp hết thiết bị bảo vệ cá nhân, đặc biệt là khẩu trang N95 và đồ bảo hộ", cô nói. "Tôi lo lắng về sự an toàn của chính mình. Tôi có ba đứa con, tôi lo lắng về việc lây Covid-19 cho chúng".
Bác sĩ Amar Singh kêu gọi người giàu ở Malaysia có quan hệ rộng ở nước ngoài giúp đỡ nhân viên y tế bằng cách mua các thiết bị như tấm che mặt, khẩu trang N95, kính bảo hộ, áo choàng bảo hộ, máy thở, máy theo dõi ICU và thiết bị chăm sóc tích cực và tặng chúng cho các bệnh viện.
Giáo sư bác sĩ Lam Sai Kit, Đại học Malaya, cho biết mọi nhân viên trong ngành y tế, từ lái xe cứu thương đến kỹ thuật viên, tiếp viên và lao công đều phải đối mặt với những rủi ro vô cùng lớn hàng ngày khi làm nhiệm vụ và do đó xứng đáng được bảo vệ.
"Mối quan tâm của tôi là mọi người và bệnh nhân không trung thực và minh bạch. Họ nên tiết lộ nếu họ đã phơi nhiễm virus để đội ngũ điều trị cho họ có thể chuẩn bị tốt hơn. Thật không công bằng và vô đạo đức khi giữ im lặng và không thành thật", ông nói.
"Nếu nhân viên y tế bị ốm hoặc bị cách ly, chúng ta sẽ phải bó tay. Những người đang làm nhiệm vụ sẽ phải làm việc nhiều giờ hơn, mệt mỏi hơn và có nguy cơ bị nhiễm bệnh cao hơn".
Theo Bộ Y tế Malaysia, 80 nhân viên y tế đã nhiễm bệnh, tất cả đều ở ngoài nơi làm việc.
Ít nhất 37 người trong số đó đến từ Bệnh viện Teluk Intan ở bang Perak
Một nhân viên y tế ở tuyến đầu của bệnh viện này nói rằng chỉ cần có một ca là đã đủ tệ, cho hay bệnh viện đang được khử trùng.
"Giờ tối thấy lo lắng", nhân viên y tế này nói. "Cùng lúc, tôi cũng cảm thấy an ủi một chút khi biết rằng các biện pháp phòng ngừa đang được thực hiện".