Kể về ca trực sáng 6/8, bác sĩ Nguyễn Công Tuấn, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhân dân Gia Định (quận Bình Thạnh, TP.HCM) vẫn giữ thái độ bình tĩnh.
Hơn 25 năm theo nghề y và 13 năm công tác ở khoa cấp cứu, vị bác sĩ kỳ cựu đã nhiều lần chứng kiến đồng nghiệp bị người nhà bệnh nhân hay cả bệnh nhân chửi bới, hành hung. Lần gần nhất chỉ mới diễn ra khoảng 10 ngày trước.
Bác sĩ Tuấn nhớ lại gần 6h cùng ngày, lúc sắp kết thúc ca trực, anh tiếp nhận trường hợp nữ bệnh nhân đến cấp cứu trong tình trạng suy hô hấp, khó thở. Người này đi cùng con trai.
Dù đang có khoảng 20 ca cấp cứu cùng lúc với nhiều ca nặng, ê-kíp của bác sĩ Tuấn vẫn tiếp nhận ca bệnh này và xử lý ngay. Chẩn đoán ban đầu, bệnh nhân suy hô hấp nặng, phù phổi cấp trên cơn cao huyết áp. Các bác sĩ đã cho thở oxy, xét nghiệm, dùng thuốc. Sau 30 phút, bệnh nhân cải thiện khoảng 50% nhưng vẫn còn khó thở.
Lúc này, người nhà trao đổi với bác sĩ bệnh nhân muốn vào nhà vệ sinh. Bác sĩ nhiều lần hướng dẫn người nhà lấy bô cho bệnh nhân đi tiểu tại chỗ (băng ca), không thể vào nhà vệ sinh vì còn máy móc, dẫn truyền, thở oxy. Lúc này, người con trai không đồng ý, xông vào hành hung bác sĩ.
"Tôi đang ngồi trong phòng khám bệnh viết hồ sơ thì anh này xông vào định đánh vào mặt. Theo phản xạ, tôi đỡ lại và xô ra, không để anh này tiếp cận mình", bác sĩ Tuấn kể lại.
Tiếp đến, người này chạy ra bên ngoài tìm dụng cụ cắt móng tay, dùng áo khoác che lại rồi chạy vào hành hung lần 2. Anh cầm dao dọa đâm, dọa giết bác sĩ Tuấn.
Bác sĩ Tuấn đã kịp thời lùi lại và chụp tay đối phương, còn đối tượng bỏ đi ra ngoài. Nam bác sĩ sau đó đi vào đường cửa sau vào phòng giao ban của khoa, chờ cơ quan chức năng đến làm việc.
Kíp trực lúc này kích hoạt báo động “Code grey” của bệnh viện. Khoảng 10 phút sau, Công an phường 7 (quận Bình Thạnh) có mặt và tiến hành các biện pháp nghiệp vụ trấn áp người muốn hành hung bác sĩ và dựng lại hiện trường, lấy lời khai những người liên quan.
Trao đổi với Zing, bác sĩ Tuấn cho hay anh cảm thấy buồn vì tình trạng bạo hành nhân viên y tế ngày càng nguy hiểm. Điều này làm ảnh hưởng đến quá trình cứu chữa các bệnh nhân khác đang nguy kịch.
Nhận định về vụ việc, Sở Y tế TP.HCM cho rằng đây là hành động không chấp nhận được, dù bất cứ lý do nào. Ngành Y tế TP.HCM mong muốn cơ quan chức năng sớm có giải pháp nghiêm khắc để chấm dứt các hành vi mang tính trấn áp thể chất, tinh thần của nhân viên y tế trong lúc chăm sóc người bệnh.