Tối 27/7 là ca trực nhiều sóng gió với bác sĩ T. (công tác tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhân dân Gia Định) và các đồng nghiệp. Người nhà bệnh nhân ngoài mắng mỏ, tấn công, bóp cổ còn đe dọa dặn sẽ chặn đường anh T. trước khi rời đi.
Hai ngày sau sự việc, khi gặp lại chính người tấn công mình tại cơ quan công an, vị bác sĩ này vẫn chưa nhận được lời xin lỗi nào.
Đây không phải là sự việc hy hữu tại bệnh viện này. Bác sĩ T. và đồng nghiệp thường xuyên nghe lời mắng mỏ, trách móc, thậm chí tấn công từ người nhà bệnh nhân. Nhiều người trong số họ cảm thấy môi trường làm việc không an toàn, phải làm đơn nghỉ việc.
Bất ngờ, không kịp phản kháng
Nam bác sĩ nhớ lại vào 21h ngày 27/7, trong ca trực của mình, anh tiếp nhận một bệnh nhi 10 tuổi bị hóc xương cá.
Thời điểm nhập viện, các chỉ số sinh hiệu bệnh nhi bình thường, bé không khó thở, không la khóc và được bác sĩ nhận bệnh ban đầu xếp vào nhóm mã xanh, tức bác sĩ có thể giải quyết tình trạng bệnh trong 2 giờ tới.
Một cảnh diễn tập xử lý sự cố an ninh tại khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Ảnh: BVCC. |
"Bệnh nhân nếu đúng chỉ định sẽ không xếp vào khoa cấp cứu, nhưng các bệnh viện có khoa nhi hiện không mở ngoài giờ nên chúng tôi phải nhận", bác sĩ T. kể.
Anh T. dặn bé ngồi chờ để nhân viên y tế chuyên khoa tai mũi họng đến nội soi gắp xương. Khoảng 5 phút sau, khi bác sĩ này đang ngồi xem kết quả chụp phim CT, X-quang của những ca chấn thương khác thì một người xưng là bố bệnh nhi vào phòng la hét, không đồng ý chờ đợi.
Bác sĩ giải thích nhưng người này không chấp nhận, muốn chuyển bé đến bệnh viện nào có thể nội soi ngay lập tức. Bất ngờ ông này xông đến hành hung, đẩy bác sĩ vào tường, bóp cổ và quay clip.
Sau đó, bảo vệ bệnh viện tới can ngăn, còn bé gái kéo tay người bố nói đừng làm vậy. Người đàn ông tiếp tục đe dọa "sẽ không để yên" cho bác sĩ, rồi mới rời đi.
Trả lời Zing, nam bác sĩ cho biết hiện anh đã hết đau cơ vùng cổ nhưng vẫn mệt bởi tâm lý lo lắng. Bệnh viện đã cho anh tạm ngưng công việc để ổn định sức khỏe, tinh thần.
"Sự việc quá nhanh, trong chừng 10 phút kể từ khi bệnh nhân vào viện khiến tôi bất ngờ, hoảng loạn và không kịp phản kháng", bác sĩ T. chia sẻ.
Nhiều bác sĩ nghỉ làm vì bị hành hung
Theo bác sĩ này, một ca trực 8 tiếng của khoa cấp cứu sẽ có 4 người, tiếp nhận trung bình khoảng 100 ca bệnh, mỗi bệnh nhân phải khám ít nhất 2 lượt. Số lượng bệnh nhân lớn nên ekip trực phải làm việc liên tục.
Anh hiểu tâm lý người nhà bệnh nhân đến cấp cứu thường sốt ruột, lo lắng cho người thân nên hối thúc nhân viên y tế. Nhưng bác sĩ sẽ dựa vào tình trạng từng người bệnh để ưu tiên.
Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Anh Dũng thăm hỏi người bệnh đang điều trị tại khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhân dân Gia Định chiều 29/7. Ảnh: BVCC. |
Bác sĩ T. chia sẻ đã gắn bó với ngành y từ khi mới ra trường dù lương không cao, nhiều áp lực. Anh hạnh phúc khi cứu được những ca ngưng tim, ngưng thở, bị thương nặng từ cửa tử trở về. Tuy vậy, nam bác sĩ cũng chạnh lòng khi lần lượt chứng kiến đồng nghiệp nộp đơn nghỉ việc vì áp lực lớn.
Có những nhân viên y tế bị người nhà bệnh nhân đập xuống bàn, đấm vào mặt chảy máu. Tuy vậy, sau khi nhận được lời xin lỗi, phần lớn trong số họ chọn bỏ qua, không làm lớn chuyện vì không muốn ồn ào.
Lần này, bác sĩ T. muốn sự việc được giải quyết dứt điểm để bảo vệ an toàn cho mình và cả đồng nghiệp.
"Mỗi lần bị hành hung là một lần tôi muốn nộp đơn xin nghỉ việc. Nếu sau sự việc lần này nhân viên ngành y vẫn không được bảo vệ, chắc tôi sẽ rời đi. Tôi không muốn mỗi khi đi làm, gia đình phải lo lắng tôi sẽ bị đánh hay mắng mỏ", theo chia sẻ của nam bác sĩ.
Gặp và thăm hỏi bác sĩ T. sau khi anh bị hành hung, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Anh Dũng động viên và khẳng định ngành y tế sẽ kiểm tra, rà soát lại các quy định để bảo vệ an toàn cho người bệnh và nhân viên y tế.
Sở Y tế cũng yêu cầu Thanh tra Sở tiếp tục phối hợp với công an điều tra, làm rõ hành vi Cố ý gây rối, hành hung bác sĩ trong khi đang làm nhiệm vụ và xử lý nghiêm theo quy định.