Ông mô tả hình ảnh X-quang nhận được xuất hiện những tổn thương kính mờ ở cả hai phổi và bệnh nhân có triệu chứng sốt cao, ho khan, số lượng tế bào máu và số lượng tế bào lympho đều thấp.
Bác sĩ Handoko Gunawan. Ảnh: CNA. |
Tuy nhiên, bệnh viện mà bác sĩ Gunawan làm việc không được chỉ định để chữa trị Covid-19 nên ông không thể thực hiện xét nghiệm nhanh đối với bệnh nhân. Cho đến tận đầu tháng 3, việc xét nghiệm chỉ có thể được tiến hành tại một phòng thí nghiệm ở Jakarta cho cả nước.
Chuyên gia về phổi 79 tuổi chỉ định bệnh nhân đi xét nghiệm ở nơi khác, nhưng bệnh nhân quay lại nói rằng hai bệnh viện ông giới thiệu ở Jakarta lúc đó đều đã chật kín bệnh nhân, và anh ta chỉ được phân loại là người “theo dõi chặt chẽ” đối với Covid-19.
Bác sĩ Gunawan vẫn tiếp tục điều trị cho bệnh nhân mà không có đồ bảo hộ đúng chuẩn (PPE).
“Tôi là một chuyên gia về phổi. Đó là công việc của tôi”, ông nói.
“Tôi tiếp tục chăm sóc bệnh nhân nhiều nhất có thể. Một hành động mà nhiều người có thể nghĩ là ngu xuẩn và bất cẩn - bệnh rất dễ lây nhiễm. Nhưng anh ấy là bệnh nhân, và tôi vẫn tiếp tục điều trị cho bệnh nhân của mình”, ông nói.
Bệnh nhân sau đó đã tử vong và bác sĩ Gunawan không bao giờ có thể chứng minh rằng anh ta thực sự đã mắc phải virus corona chủng mới.
Ông tiếp tục gặp một số bệnh nhân khác có triệu chứng tương tự. Ông nghi ngờ họ cũng đã bị nhiễm virus nhưng không thể xét nghiệm Covid-19 vì không có thiết bị.
“Các bệnh nhân Covid-19 không ghi chữ ‘Covid’ trên trán. Chúng tôi điều trị cho một bệnh nhân và sau nhiều xét nghiệm, chúng tôi nhận ra đây rất có thể là Covid. Nhưng có lẽ đã quá muộn rồi, chúng tôi có thể đã bị lây bệnh,” ông nói.
Khi các trường hợp Covid-19 xuất hiện lần đầu tiên ở Indonesia, các bệnh viện không biết tất cả bệnh nhân nên được kiểm tra và phân loại ngay khi đến phòng cấp cứu, do đó các nhân viên y tế không được trang bị PPE, bác sĩ Gunawan nói.
“Vào thời điểm đó, các bệnh viện khó có thể tưởng tượng đến việc các nhân viên y tế cần phải mặc một bộ đồ bảo hộ trị giá 1 triệu rupiah (khoảng 61 USD) chỉ cho một lần sử dụng,” ông nói, và cho biết thêm đến bây giờ, quy trình bắt buộc đối với mọi dịch vụ y tế là phải trang bị PPE trong phòng cấp cứu.
Tính đến ngày 1/4, Indonesia đã ghi nhận tổng số 1.677 trường hợp, với 157 người tử vong.
“Tôi không phải là anh hùng”
Bác sĩ Gunawan cho biết ông chỉ được mặc đồ bảo hộ duy nhất một lần khi điều trị cho một bệnh nhân nghi nhiễm Covid-19.
Một bức ảnh chụp ông trong bộ đồ đã lan truyền trên mạng, với nhiều người ca ngợi ông như một anh hùng đã xả thân trên tiền tuyến chống dịch bất chấp tuổi tác.
Hình ảnh bác sĩ Handoko Gunawan trong bộ đồ bảo hộ chống COVID-19. Ảnh: Instagram |
Nhưng ông từ chối.
“Ôi không, tôi không phải là anh hùng. Anh hùng là những bác sĩ và nhân viên y tế đã qua đời trong đại dịch”.
“Các anh hùng là những y tá vừa chăm sóc bệnh nhân vừa khóc (vì sợ hãi) nhưng vì họ đã tuyên thệ trước khi vào nghề, họ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của mình”, ông nói.
“Tôi chỉ cổ vũ thôi”, ông nói thêm.
Gia đình bác sĩ Gunawan đã ngăn cản ông tiếp tục điều trị cho các bệnh nhân nghi ngờ nhiễm Covid-19 vì ông có thể bị lây bệnh.
"Họ đã rất lo lắng. Họ biết rằng có nguy cơ cao nhưng tôi đã tuyên thệ khi trở thành bác sĩ. Tôi không muốn gạt đi lời thề đó như thế”.
Bác sĩ Gunawan có bốn người con và năm đứa cháu, đứa nhỏ nhất đang học tiểu học.
“Tôi đã nói, ‘Hãy để Chúa định đoạt mọi thứ. Nếu Chúa ban cho tôi sức khỏe, một ngày nào đó chúng ta có thể đoàn tụ. Nhưng nếu không, thì đó là cuộc sống thôi”.
Ông cho biết tất cả các bác sĩ và nhân viên y tế đều đang điều trị cho các bệnh nhân bất chấp rủi ro cao, một số người thậm chí không có đủ đồ bảo hộ, đơn giản vì họ phải làm công việc của họ.
“Nhiều y tá run sợ khi phải gặp những bệnh nhân nghi nhiễm Covid-19,” bác sĩ Gunawan, người làm việc cho ba bệnh viện tư ở Jakarta cho biết.
“Họ nói với tôi, ‘Nhưng bác sĩ ơi, tôi còn con nhỏ.’ Rồi sau đó, họ để mặc cho Chúa định đoạt”.
Lính cứu hoả phun thuốc sát khuẩn các tuyến đường chính ở Jakarta, Indonesia ngày 31/3. Ảnh: Reuters.. |
Từ bác sĩ thành bệnh nhân
Một ngày giữa tháng ba, bác sĩ Gunawan cảm thấy không khỏe. Ngay lập tức, ông được đưa đến một bệnh viện chỉ định điều trị Covid-19 ở Jakarta và cách ly.
“Tôi nghi mình nhiễm Covid-19,” ông nói. “Tôi bị ho, sốt cao và khó thở. Tôi hay buồn nôn và cũng nôn mửa”.
Ông đã được điều trị Covid-19 và được kê đơn nhiều loại thuốc, từ thuốc chữa cúm gia cầm đến thuốc sốt rét.
Trong tám ngày ở bệnh viện, ông được xét nghiệm nhanh hai ngày một lần, chụp X-quang và xét nghiệm máu mỗi ngày.
“Thật khó chịu”, ông nói.
Bác sĩ Gunawan ở cùng phòng cách ly với một bệnh nhân khác rất nặng.
Bác sĩ Handoko Gunawan điều trị COVID-19 trong bệnh viện 8 ngày. Ảnh: CNA. |
“Anh ấy cứ gào thét. Anh ấy không ăn được, nôn mửa và bồn chồn,” ông nhớ lại.
Khi nhận kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính, ông đã được xuất viện và cách ly 14 ngày tại nhà. Vì vẫn bị ho, ông phải giữ khoảng cách an toàn với con cháu cho đến giữa tuần sau.
“Tôi không thể ôm hôn các con mình. Tôi thực sự muốn ôm các cháu nữa”, ông nói.
Khi hết thời hạn cách ly, bác sĩ, ngoài Covid-19 ra cũng mắc bệnh tiểu đường, không được phép đi làm trở lại.
Ông cho biết đã có một quy định mới được Hiệp hội Y khoa Indonesia đưa ra không cho phép các bác sĩ trên 65 tuổi điều trị bệnh nhân COVID-19.
Bác sĩ Gunawan cho biết thay vào đó, ông sẽ dành thời gian chia sẻ kinh nghiệm của mình với đồng nghiệp và bạn bè.
Ông kêu gọi mọi người ở nhà và thực hành cách ly xã hội.
"Hãy cẩn thận. Covid-19 có ở khắp mọi nơi. Bạn không biết liệu người bạn gặp có bệnh hay không, vì vậy hãy giả sử mọi người bạn gặp đều nhiễm”.
Khi nhận kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính, bác sĩ Gunawan đã được xuất viện và cách ly 14 ngày tại nhà. Ảnh: CNA. |
“Đây là cách để đối phó với đại dịch. Mọi người đều có Covid-19 trừ khi được chứng minh âm tính. Cách tốt nhất để đối phó với nó là ở nhà,” ông nói.
Đối với những người được chẩn đoán mắc Covid-19, bác sĩ Gunawan khuyên họ không được nản lòng.
“Bạn có thể hồi phục”, ông nói.