“Chúng mày đã quên tao”- ông lão nghẹn ngào khi nhận ra giọng nói của tôi trong điện thoại. Ông lão tên đầy đủ là Valikov Fédor Mikhailovich - diễn viên sân khấu, điện ảnh. Chúng mày là tôi, là một số sinh viên Việt Nam ở trường Điện ảnh Moskva vào những năm cuối thập kỷ 80.
Năm 1984, phim tốt nghiệp của tôi cần vai nam người Nga lớn tuổi. Tại phòng lưu trữ lý lịch diễn viên Xưởng Gorki, tôi tìm thấy một hồ sơ thích hợp: đàn ông 70 tuổi, cao 1,65 m, nặng 58 kg. Tạng người nhỏ nhắn so với phương Tây khiến tôi thích thú, nhưng cái danh hiệu NSUT lại quá tầm với dự án tốt nghiệp. Thấy tôi ngần ngại, bà thủ thư trấn an: “Cô yên tâm, đó là ông lão tốt bụng”.
Quả nhiên. Không hề đường bệ, nghiêm trang như đáng ra phải thế, Phê-Đo xuất hiện trước tôi như lão nông tuềnh toàng, chất phác, thích hợp đến mức tôi ngỡ ông là nguyên mẫu. Bất ngờ hơn, ông hào hứng nhận lời cộng tác.
Bộ phim chỉ quay độ hai tuần, nhưng nhiều ngày tháng sau đó “bác Phê-Đo” đã trở thành quen thuộc với hầu hết đám sinh viên Việt Nam trong ngôi trường điện ảnh. Lấy tôi và nghệ thuật làm cầu nối, ông lão chủ động làm quen với tất cả mọi người. Công bằng mà nói từ diện mạo đến ngôn phong, Phê-Đo không hấp dẫn, thậm chí hơi lẩn thẩn, nhưng nhiệt tâm của ông thì khó ai phủ nhận.
Dạo ấy tình hình kinh tế Liên Xô đã khó khăn, người ta không chính thức từ chối bán cho dân nước ngoài - chủ yếu Việt Nam - vài chủng loại hàng hóa với số lượng lớn. Thế là “bác Phê-Đo” có dịp thể hiện khả năng, lòng tốt của mình.
Với tư cách dân bản xứ ông bắt đầu lùng sục khắp nơi, khuân về cho các cháu hàng đống những túi nhựa, bàn ủi, nồi áp suất... Rồi cũng ông, trong vai trò con buôn tự nguyện, mang “đẩy” hộ đám tôi đủ thứ hổ lốn. Vào cái thời chợ đen chui nhủi, để bán được món hàng cho các cháu, chắc chắn bác Phê- Đo phải kèm theo một phần danh giá của mình!
Khi xây dựng nhân vật ông già Ivan tốt bụng trong kịch bản, nhiều lần tôi chờn bút tự hỏi liệu trên xứ sở này nói riêng, và trần thế nói chung, có ai nhân ái đến thế không; xây dựng mẫu người như vậy có phi lý không. Hóa ra, ông lão Phê-Đo còn “phi lý” hơn nhiều. Thói đời trái khoáy: người ta sẵn sàng tin một cái ác vô độ nhưng trước một lòng tốt vô biên thì nghi hoặc.
Lũ tôi cũng đôi lần tự hỏi vì sao ông lão tận tâm với bọn mình đến thế. Chắc hẳn không chỉ vì những hoài niệm đẹp đẽ xa xưa về đất nước chiến tranh mà anh lính Hồng quân Phê-Đo vẫn lưu giữ. Càng không phải vì những lời cảm ơn, hay những món quà vặt hiếm hoi.
Thế thì chỉ còn cách lý giải: một cuộc sống già nua, cô độc, quấn quýt với chúng tôi cũng là một nhu cầu. Với cách lý giải so đo, sòng phẳng đó, tấm lòng kẻ cho lẫn lương tâm người nhận bỗng trở thành nhẹ nhõm, nhẹ đến mức dễ dàng theo gió cuốn đi.
Nhiều năm sau khi tôi về nước, bác Phê-Đo vẫn tiếp tục tới lui cùng đám cháu Việt Nam, tiếp tục mang đến cho họ niềm vui lẫn sự phiền toái. Trong những bức thư nguệch ngoạc của mình ông lão luôn khoe với tôi về những đứa cháu mới quen; ai nhờ ông việc gì, ai tặng quà sinh nhật cho ông...
Ông kể tất cả điều ấy bằng một giọng hân hoan, cuống quít, cứ như nhờ chúng, bởi chúng mà ông tồn tại. Không hiểu sao tôi bỗng linh cảm sự đổ vỡ, thường thấy ở những tình yêu thắc thỏm, đơn chiều. Thế sự đổi thay, địa dư cách trở, sinh kế và những nhu cầu mới đã đẩy bác Phê-Đo vào quá khứ - dù quá khứ không xa. Gần như không ai trong đám cháu Việt Nam liên hệ với ông, thảng hoặc lắm cũng chỉ là lời nhắc: “Tội nghiệp ông lão”.
Vào một ngày ký ức đột nhiên ùa tới, tôi cầm điện thoại gọi cho ông, phấp phỏng trước những dữ kiện có thể: có thể ông đã mất, có thể căn nhà nhỏ đã sang cho người khác... Trả lời tôi là một giọng thanh niên gắt gỏng: “Sau mười giờ đêm lão ta mới về!”. Đi đâu ông cụ tám mươi, đi đâu con người chân chất giữa thị trường xoáy lốc?
Nửa đêm. Ông lão gần như rú lên khi nhận ra giọng của tôi: “Ôi tao nhớ chúng mày kinh khủng!”. “Bác sống thế nào?”. “Mọi thứ đều ổn. Còn chúng bay, con L., thằng S. thế nào? Con H. đã lấy chồng chưa?”. “Bác có còn đến chơi với các cháu Việt Nam không?”. “Tao già rồi...”- giọng ông lão rười rượi.
Linh cảm của tôi đã thành sự thật. “Nhưng bác sống thế nào?”. “Đừng lo, mọi thứ đều ổn”. Mọi thứ đều ổn, cụm từ quen thuộc trước nay ông thường vẫn nói, ngay cả khi suýt ngất vì suy nhược, ngay cả khi móc tiền bù lỗ cho những con tính sai lầm. Bác Phê-Đo là thế: luôn che giấu sự thua thiệt, bất ổn để làm vui kẻ khác, cố chắt chiu những giá trị vô hình.
Cuộc đời chồng chất bao kỷ niệm, nhưng có những kỷ niệm mà khi nghĩ về nó ta không ghép được tính từ cụ thể. Như tôi giờ đây, bất luận mọi đổi thay, nghĩ về nước Nga là nghĩ đến bác Phê-Đo. Nghĩ về bác Phê-Đo là tôi nghĩ đến những cánh rừng thu hùng vĩ mà cô quạnh, đến những chuyến xe điện nặng nề nhưng mẫn cán, lặng lẽ đón đưa bao thế hệ con người...