Áo nói
Ông già kể cuộc đời ông có hai chiếc áo... kỳ cục. Đó là chiếc áo bà ba trắng một túi đã khiến ông muộn phiền, mắc cỡ suốt tuổi niên thiếu. Vì sao mắc cỡ? Vì áo bà ba nam học sinh khi đó đều hai túi, mẹ ông nghèo mua vải thiếu nên chỉ đủ may một túi cho con. Ông nói ông rất giận mẹ, căm ghét áo mỗi khi bị bạn bè trêu chọc. Chỉ khi mẹ đột ngột mất đi vì bạo bệnh thì chiếc áo mới đột nhiên trở thành kỷ niệm da diết của đời ông.
Chiếc áo kỳ cục thứ hai là áo len cao cổ mà tay... ngắn! Đó là món quà người vợ trẻ tự tay đan cho chồng trước ngày ông lên tàu đi tập kết, nhưng do đan chưa giỏi, thời gian gấp rút nên vợ ông (đành) kết thúc lưng chừng! Suốt mười năm xa nhau chiếc áo “kỳ cục” vẫn bên ông mỗi mùa đông lạnh lẽo. Ông nói trong mỗi thứ kỳ cục đều cất chứa một câu chuyện...
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Pixabay/Pexels. |
Ăn nỗi đau
N. à, trong nhiều chuyện um sùm xảy ra gần đây trên nước Pháp, tự dưng tôi muốn kể bạn nghe chuyện này. Chuyện rằng đầu năm 2006 tại xã Bagneux ngoại ô Paris, có thanh niên Do Thái tên Ilan Halimi mất tích. Ba tuần sau người ta tìm thấy xác Ilan ngoài phố với da thịt bị cắt nát, kể cả bộ phận sinh dục.
Điều tra cho biết thủ phạm là một băng đảng thanh niên ở địa phương. Bọn chúng - do Youssouf gốc Côte d’Ivoire cầm đầu - đã thông qua một cô gái, dụ Ilan vào chung cư khảo tiền vì cho rằng “dân Do Thái đều giàu”.
Suốt ba tuần Youssouf và đồng bọn đã tra tấn, tùng xẻo chàng trai làm công cho cửa hàng điện thoại đến chết. Chính cô gái này - sau khi chứng kiến sự dã man của đồng bọn - đã báo cho cảnh sát. Youssouf bị bắt khi trốn về Côte d’Ivoire.
N. ơi, nhưng điều tôi muốn kể bạn nghe không phải câu chuyện ghê tởm đó, mà là bản tin trên báo Le Monde ngày 24/2. Bản tin viết rằng trong lễ cầu nguyện cho Ilan chiều 23/2 có tổng thống Chirac đến tham dự tại nhà thờ Do Thái ở Paris, người ta thấy lặng lẽ một phụ nữ Hồi giáo trùm khăn trắng che kín mặt.
Người phụ nữ đó là Fatouma, mẹ kẻ sát nhân. Fatouma nói với báo chí bà đến đây để xin lỗi cha mẹ Ilan; và, theo bản tin, do không đủ tiếng Pháp, Fatouma diễn tả sự chia sẻ bằng câu nói: “Tôi muốn ăn nỗi đau đớn của họ” (je veux manger leur douleur).
N. ơi, chính câu nói này mới là điều tôi muốn kể. Với báo chí, đơn giản đây chỉ là chi tiết nhỏ, rằng người đàn bà đó không tìm được từ tiếng Pháp thích đáng để miêu tả cảm xúc, nhưng theo tôi, người mẹ đó đã nói ra một từ thích đáng cho tâm trạng đau đớn.
Cùng nhớ lại đi N.: trong cuộc đời đâu phải một lần chúng ta đối diện với nỗi đau của người thân. Mỗi lần đứng trước nỗi đau thắt tim - bất lực như vậy, hẳn bạn, hẳn tôi đều thèm được san sớt, ôm nuốt nỗi đau đó về cho mình.
Có chữ nào hay hơn chữ “ăn” để tận tả khát khao chia sẻ? Câu chuyện tội ác bỗng bồi hồi rớt lại trong tôi hình ảnh phụ nữ trùm khăn và một từ ngữ của trái tim. Cuộc đời vẫn đẹp khi chúng ta còn cảm giác muốn “ăn” nỗi đau của người khác.