Theo Nikkei Asian Review, cách đây 5 năm, trước cáo buộc bán hàng giả qua Internet từ cơ quan quản lý Trung Quốc, gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba Group Holdings không ngần ngại chống trả.
Alibaba công khai thách thức kết quả điều tra và đệ đơn khiếu nại trưởng bộ phận phụ trách điều tra. Cuộc tranh chấp kết thúc chỉ sau vỏn vẹn một tuần, cơ quan quản lý phải rút lại báo cáo. Kỷ nguyên của "Big Tech Trung Quốc" bắt đầu sau khi Alibaba phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) trên sàn giao dịch chứng khoán New York hồi năm 2014.
Trong khoảng thời gian này, dường như chính quyền Bắc Kinh không có động thái gì để cản đường các đại gia Internet Trung Quốc. Nhóm doanh nghiệp này sở hữu những dịch vụ phát triển, tiếp cận hàng trăm triệu người dùng và giúp nâng cao uy tín của Trung Quốc trên trường quốc tế.
Nhưng thời thế đã thay đổi sau nửa thập kỷ. Các tập đoàn Internet lớn nhất Trung Quốc hiện mở rộng sang hầu hết lĩnh vực, từ vận tải đến tài chính. Tuy nhiên, không giống trước đây, Bắc Kinh bắt đầu siết chặt giám sát những tập đoàn hàng đầu.
Mới đây, Ant Group của tỷ phú Jack Ma bị các quan chức Bắc Kinh buộc hủy IPO đột ngột. Ảnh: Reuters. |
Tình thế thay đổi
Sự "dại dột" khiến tỷ phú sáng lập Alibaba trả giá đắt. Chỉ một khoảng thời gian ngắn sau khi Jack Ma ví các ngân hàng truyền thống như "tiệm cầm đồ" và khuôn khổ quy định tài chính hiện hành chẳng khác gì "câu lạc bộ của những người già", đợt IPO của Ant Group đột ngột bị hoãn.
Màn chào sân của Ant Group lẽ ra có thể trở thành đợt IPO lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, theo nguồn tin của Nikkei Asian Review, chính lãnh đạo Trung Quốc đã ra lệnh cho các cơ quan quản lý điều tra Ant Group. Sau đó, chính quyền Bắc Kinh đề xuất những quy định quản lý tài chính mới và triệu tập Jack Ma.
Giới quan sát nhận định cú đánh vào Ant Group báo hiệu rằng một kỷ nguyên mới của các quy định quản lý Big Tech Trung Quốc đang đến gần. Hôm 10/11, Tổng cục Quản lý thị trường Trung Quốc (SAMR) công bố dự thảo dài 22 trang với chủ trương ngăn chặn hành vi độc quyền của các nền tảng Internet lớn. Kể từ đó đến nay, cổ phiếu của Alibaba, Tencent, Meituan và JD.com đồng loạt lao dốc 9-17%.
Không dừng lại ở đó, hôm 14/12, Tencent Holdings bị SAMR phạt 500.000 NDT (khoảng 76.000 USD). Nguyên nhân là công ty không xin phép cơ quan quản lý khi công ty con China Literature mua lại hãng giải trí và truyền thông Trung Quốc New Classics Media hồi năm 2018.
Alibaba cũng phải chịu phạt số tiền tương tự do các khoản đầu tư vào chuỗi cửa hàng bách hóa Intime Retail từ năm 2014 đến 2018.
Các gã khổng lồ công nghệ lớn của Trung Quốc phát triển thần tốc và triệt tiêu tính cạnh tranh trên thị trường. |
Theo phó giáo sư Victor Shih tại Đại học California, các quan chức Trung Quốc từ lâu đã lo ngại về những công ty công nghệ lớn của nước này. "Giờ đây, cơ quan quản lý đã quyết định đưa sức mạnh vào các cuộc kiểm soát gắt gao đối với Internet để chứng minh ai mới là người nắm quyền ở Trung Quốc", ông nhận xét.
Suốt một tháng qua, các cơ quan Trung Quốc đã đưa ra hàng loạt quy tắc mới nhằm điều chỉnh hành vi của những công ty Internet trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ tài chính đến truyền thông. Có thể kể đến các hành vi phản cạnh tranh, tiếp thị quá mức trên những nền tảng phát trực tiếp và thu thập dữ liệu cá nhân bất hợp pháp thông qua các ứng dụng di động.
"Giờ đây, những gì mà các nền tảng Internet lớn phải đối mặt là sự thắt chặt quy định từ mọi phía", ông Scott Yu, luật sư chuyên về vấn đề chống độc quyền của hãng luật Zhong Lun, bình luận.
Trên thực tế, chính quyền Trung Quốc vốn rất nương tay với các công ty độc quyền, vốn thống trị từ ngành đóng tàu đến viễn thông. Nguyên nhân là những công ty độc quyền dễ quản lý hơn một thị trường cạnh tranh lộn xộn. Trong khi đó, tính cạnh tranh của họ cũng sẽ trở nên cao hơn trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, sự nổi lên chóng mặt của các Big Tech Trung Quốc khiến Bắc Kinh lo ngại và buộc phải thay đổi.
"Quá lớn để thất bại"
Theo giáo sư Zhu Ning tại Học viện Tài chính Tiên tiến Thượng Hải, nhiều công ty Internet Trung Quốc mở rộng nhanh chóng nhờ nguồn vốn khổng lồ. Đáng nói là ảnh hưởng của chúng đã lớn đến mức có thể làm lung lay các chính sách của chính phủ.
Các công ty như Alibaba, Tencent và Baidu có tổng cộng hơn 1 tỷ người dùng. Chúng đều mở rộng ồ ạt sang những lĩnh vực kinh doanh mới thông qua hàng loạt thương vụ mua lại. Các "tay chơi" mới như Pinduoduo (thương mại điện tử), Meituan (giao đồ ăn), JD.com (thương mại điện tử), Didi Chuxing (gọi xe) và Bytedance (video ngắn) cũng có hướng đi tương tự.
"Những đại gia trong nền kinh tế Internet không chỉ thống trị lĩnh vực của riêng chúng, mà còn dễ dàng mở rộng phạm vi hoạt động sang các lĩnh vực khác, thống trị nhiều ngành công nghiệp hơn bằng cách tận dụng dữ liệu người dùng", ông Yu, luật sư tại Bắc Kinh, giải thích.
Trong đó, ngành công nghiệp fintech (tài chính công nghệ) là một trong những lĩnh vực gây tranh cãi bậc nhất. Các công ty Internet có thể cung cấp dịch vụ ngân hàng với giá rẻ, chỉ cần bỏ tỷ lệ vốn nhỏ và ít bị kiểm soát chặt chẽ như ngân hàng truyền thống.
Những công ty này khẳng định với big data (dữ liệu lớn), chúng có thể đảm bảo ngăn chặn rủi ro hệ thống đối với lĩnh vực tài chính. Tuy nhiên, sự mở rộng chóng mặt của các công ty trên khiến cơ quan quản lý ngân hàng Trung Quốc lo ngại.
Tận dụng dữ liệu người dùng, các đại gia Internet không chỉ thống trị lĩnh vực của riêng họ, mà còn dễ dàng mở rộng phạm vi hoạt động sang những lĩnh vực khác. Ảnh: Reuters. |
Tại một diễn đàn hôm 8/12, ông Guo Shuqing, Chủ tịch Ủy ban Quản lý Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc, cảnh báo rằng một số công ty công nghệ đã trở nên "quá lớn để thất bại". Nguyên nhân là thị trường thanh toán vi mô mà chúng thống trị liên quan đến đáng kể đến lợi ích cộng đồng.
"Ngành công nghiệp fintech dẫn đến nhiều hiện tượng và vấn đề mới. Cần phải thực hiện các biện pháp kịp thời và có mục tiêu để ngăn ngừa những rủi ro hệ thống mới", ông nhấn mạnh. Hầu hết công ty Internet coi dịch vụ tài chính là một mục tiêu dễ đạt nhưng đem lại lợi nhuận lớn. Ngay cả công ty dịch vụ gọi xe Didi và Sina cũng bắt đầu cung cấp các khoản vay trực tuyến.
Tính đến tháng 6, Alipay - ứng dụng thanh toán của Alibaba - đã có hơn 700 triệu người dùng hoạt động hàng tháng (MAU). Trong khi đó, WeChat Pay của Tencent có hơn 800 triệu MAU trong năm 2019. Theo Tencent, tới tháng 1/2020, hơn 79,4% cửa hàng nhỏ đến trung bình tại Trung Quốc đang sử dụng dịch vụ thanh toán của tập đoàn.
"Các nhà quản lý cũng lo ngại rủi ro tài chính lan nhanh sang những lĩnh vực khác", giáo sư Zhu Wuxiang tại Trường Kinh tế và Quản lý của Đại học Thanh Hoa, bình luận.
Lo ngại bất ổn
Nền kinh tế kỹ thuật số của Trung Quốc đã tạo ra hàng triệu việc làm mới, từ kỹ sư phần mềm đến nhân viên giao hàng. Tuy nhiên, sự phát triển chóng mặt của ngành công nghiệp này cũng làm tăng nguy cơ xáo trộn xã hội.
Theo giới chuyên gia, mục tiêu đạt hiệu quả của các công ty Internet không phải lúc nào cũng trùng với mục tiêu ổn định của chính quyền Bắc Kinh.
Chẳng hạn, hồi năm 2018, hơn 15 triệu người dùng ứng dụng chia sẻ xe đạp Ofo đã không thể lấy lại tiền đặt cọc do startup này rơi vào cuộc khủng hoảng tiền mặt. Còn với nền tảng cho thuê căn hộ trực tuyến Danke Apartment, xung đột xảy ra sau khi những người thuê nhà bị đuổi khỏi nhà vì công ty không trả tiền cho chủ nhà.
Trong khi đó, hàng chục triệu nhà đầu tư mất trắng tiền tiết kiệm sau sự sụp đổ của những chương trình cho vay ngang hàng từng mọc lên như nấm vài năm trước. Đáng chú ý nhất là vụ việc công ty cho vay trực tuyến Ezubo hồi năm 2016, khiến các nhà đầu tư thiệt hại 50 tỷ NDT (7,5 tỷ USD). Hai nhà sáng lập sau đó bị kết án tù chung thân.
Các xe đạp chia sẻ bị bỏ không sau sự sụp đổ của hàng loạt ứng dụng chia sẻ xe đạp. Ảnh: Getty Images. |
Những vụ việc này là lời nhắc nhở rằng nếu không được kiểm soát, các công ty Internet có thể gây ra rắc rối quy mô lớn. "Internet giống một công cụ phân phối lại nguồn lực và của cải trong nền kinh tế thực. Nó không tạo ra mà làm gián đoạn", chuyên gia kinh tế Andy Xie tại Thượng Hải bình luận.
Chẳng hạn, Ye Jianqing, chủ một công ty sản xuất kính râm ở Ôn Châu, tiết lộ đã mất 30-40% khách hàng do các nhà cung cấp nhỏ chuyển sang trực tuyến.
Trung Quốc muốn các công ty công nghệ đủ mạnh để cạnh tranh với những công ty như Google, Facebook, Uber. Nhưng đồng thời, mục tiêu cuối cùng của họ vẫn là sự ổn định
- Chuyên gia Kendra Schaefer
Một minh chứng khác là nhiều công ty Internet tung ra dịch vụ mua hàng theo nhóm, cho phép một nhóm cư dân trong khu chung cư mua hàng tạp hóa và đồ tươi sống với giá chiết khấu. Tuy nhiên, xu hướng này sẽ gây ảnh hưởng đến các công việc có thu nhập thấp ở thành phố, chẳng hạn nhân viên bán hàng trong siêu thị.
Theo chuyên gia Kendra Schaefer của Trivium, ngoài mối lo ngại về sự bất ổn trong nước, Bắc Kinh còn đưa ra những quy định mới nhằm thúc đẩy các công ty Internet trên trường quốc tế.
"Trung Quốc không giấu tham vọng trở thành siêu cường công nghệ trong các lĩnh vực như blockchain, AI, big data... Giới chức trách Bắc Kinh đã nhận thức được rằng họ không thể đạt mục tiêu đó nếu không có nền tảng vững chắc về nguyên tắc quản trị dữ liệu", bà nói thêm.
Theo bà Schaefer, Trung Quốc muốn trao quyền cho các công ty công nghệ và giúp chúng đủ mạnh để cạnh tranh với những công ty như Google, Facebook, Uber. "Nhưng đồng thời, mục tiêu cuối cùng của họ vẫn là sự ổn định", bà nói thêm.