Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Làn sóng vỡ nợ cản đường phục hồi kinh tế của Trung Quốc

Hàng loạt vụ vỡ nợ của các doanh nghiệp Nhà nước Trung Quốc làm dấy lên mối lo ngại về hệ thống tài chính và đà phục hồi sau dịch Covid-19 của quốc gia này.

Lan song vo no anh 1

Ngày càng nhiều doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc tuyên bố không thể trả nợ. CNN nhận định đó là vấn đề nghiêm trọng đối với hệ thống tài chính đất nước, đe dọa cản đường phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc và toàn cầu sau đại dịch.

Theo Fitch Ratings, từ tháng 1 đến tháng 10 năm nay, các doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc không thể thanh toán tổng cộng 40 tỷ NDT (6,1 tỷ USD) trái phiếu. Con số này bằng khoảng hai năm trước đó cộng lại.

Vấn đề ngày càng trở nên tệ hại trong vài tuần gần đây. Một loạt công ty lớn, bao gồm Brilliance Auto Group - đối tác của BMW, nhà sản xuất chip điện thoại thông minh hàng đầu Tsinghua Unigroup và Yongcheng Coal and Electricity, đồng loạt tuyên bố phá sản hoặc vỡ nợ vào tháng trước.

Làn sóng vỡ nợ làm chao đảo thị trường tỷ dân. Giá trái phiếu giảm mạnh, lãi suất tăng vọt. Tình trạng hỗn loạn thậm chí còn lan sang thị trường chứng khoán. Cổ phiếu của các doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc lao dốc mạnh.

Lan song vo no anh 2

Hàng loạt doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc tuyên bố phá sản hoặc không trả được nợ. Ảnh: Reuters.

Cản đường phục hồi

Đây là vấn đề đáng báo động trên một vài khía cạnh. Trước hết, mối quan hệ chặt chẽ giữa các doanh nghiệp quốc doanh và chính quyền địa phương Trung Quốc khiến họ trở thành "ván cược an toàn" trong những thời điểm khó khăn. Tuy nhiên, khi Bắc Kinh bỏ mặc các doanh nghiệp này vỡ nợ, giới đầu tư bắt đầu hoảng sợ.

Thêm vào đó, thành công của khu vực doanh nghiệp Nhà nước rất quan trọng đối với hệ thống tài chính Trung Quốc. Theo dữ liệu của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) và hãng môi giới Huachuang Securities, các công ty này đóng góp vào khoảng 1/3 GDP, chiếm hơn 50% tín dụng ngân hàng và 90% trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường Trung Quốc.

"Sự bảo đảm của Nhà nước là bức tường quan trọng nhất chống lại cuộc khủng hoảng tài chính. Giờ, chúng ta chứng kiến những dấu hiệu cho thấy sự tín nhiệm đang bị xói mòn", CNN dẫn lời ông Logan Wright, Giám đốc nghiên cứu thị trường Trung Quốc tại Rhodium Group, bình luận.

Trước đây, Bắc Kinh hiếm khi để các doanh nghiệp Nhà nước sa sút. Thông qua mối quan hệ với những công ty này, chính quyền Trung Quốc muốn nắm quyền kiểm soát chặt chẽ với nền kinh tế. Nhưng giờ đây, Bắc Kinh sẵn sàng để mặc một số doanh nghiệp yếu kém sụp đổ.

Tuy nhiên, CNN nhận định hàng loạt vụ vỡ nợ trái phiếu sẽ khiến hệ thống tài chính nước này trở nên dễ tổn thương hơn. "Các nhà chức trách muốn siết chặt kỷ luật với các công ty có rủi ro cao. Tuy nhiên, họ không thể biết được đâu là mức độ rủi ro tín dụng có thể tạo sự lây lan rộng hơn", ông Wright nhấn mạnh.

Lan song vo no anh 3

Nhà sản xuất chip điện thoại thông minh hàng đầu Tsinghua Unigroup là một trong số những doanh nghiệp nhà nước mới nhất không thể trả nợ trái phiếu. Ảnh: Nikkei Asian Review.

Vị chuyên gia tại Rhodium Group cũng cảnh báo rằng cú trượt dốc này có thể khiến thị trường tài chính Trung Quốc căng thẳng, đồng thời làm giảm tín dụng khả dụng và thanh khoản. Dữ liệu của PBOC chỉ ra nguồn tiền cho trái phiếu nước này đã sụt giảm mạnh trong tháng 11.

Những vấn đề này sẽ kéo theo nguy cơ trật bánh đà phục hồi của nền kinh tế thứ hai thế giới. Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 1,9% trong năm nay. Tuy tốt hơn hầu hết quốc gia trên thế giới, đây vẫn là tốc độ tăng trưởng thấp nhất của Trung Quốc trong vòng hơn 40 năm.

Ông Julian Evans-Pritchard, chuyên gia kinh tế cao cấp của Capital Economics, cảnh báo rằng nỗ lực kiểm soát các khoản vay rủi ro "sẽ đè nặng lên tốc độ tăng trưởng của tín dụng phi ngân hàng".

"Điều đó không làm chệch hướng phục hồi kinh tế của Trung Quốc một sớm một chiều. Tuy nhiên, đà tăng gần đây nhờ các chính sách kích thích kinh tế sẽ bị suy yếu", ông cảnh báo.

Kịch bản khó tránh

Trên thực tế, những khoản nợ của các doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc đã được tích lũy trong nhiều năm. Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, Bắc Kinh chi hàng nghìn tỷ USD để hỗ trợ khu vực này.

Tuy nhiên, những khoản đầu tư kể trên không tạo ra lợi nhuận tốt như mong đợi. Trong một cuộc họp tại Bắc Kinh hồi tháng 5, ông Ning Gaoning - Chủ tịch tập đoàn hóa chất nhà nước Sinochem Group - thừa nhận rằng doanh nghiệp quốc doanh thường kém cạnh tranh hơn doanh nghiệp tư nhân và tạo lợi nhuận đầu tư thấp hơn.

Trong cuộc khủng hoảng vì dịch Covid-19, Trung Quốc mạnh tay nới lỏng các hạn chế về tài chính. Đầu năm nay, giới chức trách thừa nhận rằng những quyết định này sẽ làm gia tăng các khoản nợ xấu.

Theo cơ quan xếp hạng Trung Quốc Pengyuan International, các doanh nghiệp quốc doanh đã huy động khoảng 8.500 tỷ NDT (1.300 tỷ USD) trái phiếu trong ba quý đầu năm nay. Để so sánh, khu vực tư nhân chỉ có khoảng 857 tỷ NDT (131,2 tỷ USD).

Lan song vo no anh 4

Các doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc đã tích lũy nợ trong nhiều năm. Ảnh: Reuters.

Trong khi đó, những khoản vỡ nợ đã tăng đáng kể. Nomura ước tính vào giữa tháng 11, tổng giá trị các khoản vỡ nợ trái phiếu trên thị trường Trung Quốc đại lục chạm ngưỡng 178 tỷ NDT (27 tỷ USD). Đáng nói là doanh nghiệp quốc doanh chiếm đến 43% trong số đó, tăng 13% so với mức trung bình của những năm gần đây.

"Chúng ta có thể chứng kiến nhiều vụ vỡ nợ như vậy trong những năm tới", các nhà phân tích của Nomura cảnh báo.

Trong khi đó, Bắc Kinh đang làm nhiều cách để xoa dịu thị trường. Tháng trước, PBOC bơm 1.000 tỷ NDT (153 tỷ USD) vào thị trường nhằm giảm bớt áp lực thanh khoản và xoa dịu các nhà đầu tư.

Trong một cuộc họp gần đây, Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc kêu gọi các chính quyền địa phương Trung Quốc đề phòng trường hợp tệ nhất bằng cách tăng cường hệ thống cảnh báo để phát hiện rủi ro hệ thống và đảm bảo thanh khoản.

Chúng ta có thể chứng kiến nhiều vụ vỡ nợ như vậy trong những năm tới

- Hãng dịch vụ tài chính toàn cầu Nomura

Đồng thời, ông cảnh báo các doanh nghiệp quốc doanh rằng Bắc Kinh sẽ "không khoan nhượng với những vụ vỡ nợ chiến lược", đề cập đến các doanh nghiệp cố tình trốn tránh nghĩa vụ nợ mà họ đủ năng lực tài chính để thanh toán.

Theo giới phân tích, việc giải cứu các doanh nghiệp quốc doanh yếu kém không khác gì đi vào ngõ cụt. Không chỉ hoạt động kém hiệu quả, những công ty này cũng chỉ sử dụng 10% lực lượng lao động.

Tuy nhiên, quá nhiều vụ vỡ nợ xảy ra có thể gây nguy hiểm đối với ổn định tài chính và đà phục hồi trong ngắn hạn. Các nhà phân tích tại Goldman Sachs cảnh báo những thất bại quy mô lớn trong lĩnh vực này sẽ tràn sang hệ thống ngân hàng.

"Chính quyền địa phương đã cố gắng giảm bớt 'đảm bảo ngầm' trên thị trường. Tuy nhiên, họ đang cố thực hiện mục tiêu một cách có trật tự", các nhà phân tích của Goldman Sachs viết.

"Nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang trong quá trình phục hồi sau dịch Covid-19. Điểm mấu chốt là chính phủ cần cố gắng hạn chế những rủi ro đó", các chuyên gia nói thêm.

Đâu sẽ là thị trường chứng khoán hấp dẫn nhất châu Á năm 2021?

Theo Bloomberg, khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi từ đại dịch, các nhà đầu tư có thể đổ tiền vào cổ phiếu công nghệ Hàn Quốc và giúp thị trường này nóng hơn bao giờ hết.

Thảo Cao

Bạn có thể quan tâm