Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ba yếu tố khiến bão Yagi có thể tàn phá kinh hoàng

Cường độ bão rất mạnh, đổ bộ trực tiếp đất liền nước ta, vùng mây rộng cả nghìn km là những yếu tố khiến bão YAGI có vùng ảnh hưởng rộng lớn và mức độ tàn phá nghiêm trọng.

Chi tiết hành trình bão Yagi tiến vào đất liền Theo TS. Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, sau khi bão Yagi vào Biển Đông, đã tăng 4 cấp và sẽ mạnh thêm.

Vào 4h sáng nay (4/9), tâm bão trên vùng biển phía đông khu vực Bắc Biển Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (103-117 km/h), giật cấp 13. Như vậy chỉ trong một ngày sau khi vào Biển Đông, bão YAGI đã mạnh lên 3 cấp.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, trong hai ngày tới, bão YAGI di chuyển ổn định theo hướng tây và tiếp tục mạnh lên nhờ điều kiện mặt biển ấm và đứt gió yếu trên Biển Đông. Đến khoảng sáng mai (5/9), bão tăng thêm 2 cấp, đạt cường độ cấp 13, giật cấp 16.

Đến ngày 6/9, khi tiến gần đảo Hải Nam của Trung Quốc, bão đạt cường độ lớn nhất. Vào 4 giờ sáng ngày 6/9, tâm bão cách đảo Hải Nam 230 km về phía đông với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, giật cấp 17.

Khi đi qua đảo Hải Nam tiến vào vịnh Bắc Bộ trong ngày 6/9, bão có thể đổi hướng tây tây bắc và suy yếu một cấp do ma sát vào địa hình của đảo. Dự báo đến 4 giờ sáng ngày 7/9, tâm bão trên vịnh Bắc Bộ với cường độ cấp 13, giật cấp 16. Đây vẫn là một cường độ rất mạnh, có sức tàn phá kinh hoàng.

Trong hai ngày sau đó, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc, cường độ giảm dần đi vào đất liền các tỉnh miền Bắc nước ta, có thể gây mưa gió dữ dội cho một khu vực rộng lớn khắp miền Bắc và các tỉnh từ Thanh Hoá đến Thừa Thiên Huế.

Theo ông Vũ Anh Tuấn - Phó trưởng phòng dự báo thời tiết của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, bão YAGI hội tụ nhiều yếu tố khiến sức tàn phá rộng lớn và nguy hiểm. Bão tăng cấp nhanh và liên tục, từ lúc vào Biển Đông đến khi đạt cực đại, bão YAGI có thể tăng tới 6 cấp.

Phạm vi gió mạnh của bão cũng rất rộng và tăng theo mức độ tăng cấp của bão, thể hiện rõ nhất qua việc vùng nguy hiểm của bão mở rộng theo hướng di chuyển của cơn bão. Ngoài ra, các ổ mây dông mạnh có thể xuất hiện trước khi bão ảnh hưởng, gây gió giật mạnh và mưa rất lớn.

Do ảnh hưởng của bão YAGI, hôm nay vùng biển phía đông của khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 8-10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11-13, giật cấp 16, biển động dữ dội, sóng biển cao 2-4 m, vùng gần tâm bão 4-6 m.

Từ ngày 5-6/9, bão YAGI có thể đạt cấp bão rất mạnh trên vùng biển phía Bắc của khu vực Bắc Biển Đông, gió mạnh có thể lên tới cấp 14, giật cấp 17 ở vùng gần tâm bão, với sóng biển cao tới 7-9 m, có thể đánh chìm các tàu trọng tải lớn.

Bão YAGI hình thành từ một áp thấp nhiệt đới ngoài khơi của Philippines, mạnh lên thành bão vào đêm 1/9 và đi vào Biển Đông vào sáng 3/9. Trước khi vào Biển Đông, bão tàn phá khu vực miền Bắc và miền Trung của Philippines, gây mưa lớn, gió giật mạnh, khiến ít nhất 11 người thiệt mạng.

Đây được nhận định là cơn bão rất mạnh hoạt động trong Biển Đông năm nay. Dự báo của Hải Quân Mỹ cho thấy, bão có thể tiệm cận cấp siêu bão với cường độ đạt tới cấp 15-16, các đài Hồng Kông, Nhật Bản dự báo cấp mạnh nhất cấp 13-14.

Chuyên gia dự báo khả năng bão số 3 mạnh lên thành siêu bão

Theo TS. Nguyễn Ngọc Huy (Huy Nguyen), bão Yagi sẽ sớm đạt cấp độ Cuồng Phong vào tối mai (4/9) và không loại trừ khả năng mạnh lên thành cấp SIÊU BÃO vào 6/9.

Hai kịch bản bão số 3 đổ bộ

Theo chuyên gia, bão số 3 khả năng đạt cực đại cấp 14, giật cấp 17 trên khu vực bắc Biển Đông. Khi bão đổ bộ vào đất liền, hoàn lưu của bão sẽ rộng, dọc theo các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung bộ.

Thông báo khẩn về bão số 3 Yagi

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Thừa Thiên-Huế (TT-Huế), bão số 3 có thể đạt cấp bão rất mạnh trên khu vực biển Đông, rất nguy hiểm.

Hơn 600 trang Việt Nam - Lãnh thổ và các vùng địa lý đã bao quát toàn bộ cảnh quan và đặc điểm cụ thể từng vùng ở Việt Nam trên nhiều góc nhìn như tự nhiên, khí hậu, đất đai, sông ngòi, dân cư, đặc trưng kinh tế. Đây được xem là tác phẩm kinh điển về địa lý Việt Nam của giáo sư Lê Bá Thảo.

https://tienphong.vn/ba-yeu-to-khien-bao-yagi-co-the-tan-pha-kinh-hoang-post1669545.tpo

Nguyễn Hoài/Tiền Phong

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm