Theo Guardian, khoảng 1,5 tỷ người đang phải đối mặt với sự thiếu hụt nước nghiêm trọng hoặc hạn hán, do sự kết hợp của biến đổi khí hậu, nhu cầu sử dụng nước tăng cao và quản lý nguồn nước kém.
Các hoạt động nông nghiệp ở nhiều khu vực trên thế giới cũng bị ảnh hưởng bởi tình trạng này.
Hôm 26/11, Liên Hợp Quốc cảnh báo rằng hàng tỷ người sẽ phải đối mặt với nạn đói và tình trạng thiếu hụt lương thực kéo dài do thất bại trong việc bảo tồn nguồn nước cũng như không thể giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu.
Ông Qu Dongyu, Tổng giám đốc Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO), cho rằng: "Chúng ta phải hết sức nghiêm túc với cả tình trạng khan hiếm nước và tình trạng thiếu nước vì đó là thực tế mà tất cả chúng ta đang phải đối mặt".
Theo định nghĩa, khan hiếm nước (water scarcity) là sự mất cân bằng giữa cung và cầu đối với các nguồn nước ngọt, còn thiếu nước (water shortage) là việc có ít mưa hơn.
Nông dân Palestine đưa đàn cừu đi tìm nguồn nước. Liên Hợp Quốc dự báo việc thiếu nước có thể dẫn đến bất ổn xã hội, thậm chí là các cuộc chiến tranh ở khu vực Trung Đông và một số nơi khác trên thế giới. Ảnh: FAO. |
"Tình trạng thiếu nước và khan hiếm nước trong nông nghiệp cần phải được giải quyết mạnh mẽ và ngay lập tức", ông Qu nói thêm.
Tổng giám đốc FAO cũng cho rằng các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc, bao gồm xóa đói và cải thiện khả năng tiếp cận nước sạch, vẫn nằm trong tầm tay nhưng chúng ta cần phải làm nhiều hơn nữa để cải tiến các hoạt động canh tác trên toàn cầu, cũng như quản lý một cách công bằng các nguồn tài nguyên.
Báo cáo về Tình trạng Lương thực và Nông nghiệp 2020 của FAO cho thấy 50 triệu người châu Phi ở khu vực hạ Sahara đang sống ở những nơi gặp hạn hán nghiêm trọng, gây tác động khủng khiếp đến đất canh tác và đồng cỏ. Hơn 1/10 diện tích đất canh tác có mưa trên thế giới phải hứng chịu hạn hán thường xuyên.
Nông nghiệp dựa vào nước mưa chiếm tới 60% sản lượng cây trồng toàn cầu và 80% diện tích đất canh tác, phần còn lại sử dụng nguồn nước từ các hệ thống tưới tiêu. Tuy nhiên các hệ thống này không phải là câu trả lời cho hạn hán, vì hơn 60% diện tích đất canh tác dựa vào tưới tiêu đang bị thiếu nước.
Việc tưới tiêu không đúng cách có thể gây lãng phí nước, làm cạn kiệt các nguồn tài nguôn không thể tái tạo, như các tầng nước ngầm dưới đất.
FAO cảnh báo việc sản xuất lương thực cần phải thay đổi một cách căn bản để giảm phát thải khí nhà kính và ngăn chặn khủng hoảng khí hậu.