Tuyên bố từ chức được Thủ tướng Anh Liz Truss đưa ra ngày 20/10 bên ngoài văn phòng làm việc tại số 10 phố Downing. Ảnh: Reuters. |
Hôm 20/10, truyền thông Anh đưa tin Thủ tướng Liz Truss tuyên bố từ chức. Bà trở thành nhà lãnh đạo có nhiệm kỳ ồn ào và ngắn ngủi nhất lịch sử nước Anh với những chính sách kinh tế làm chao đảo thị trường tài chính.
Việc bà Truss từ chức được cho là sẽ làm gia tăng tình trạng bất ổn vốn đã làm lung lay nước Anh kể từ sự kiện Brexit. Đất nước đang phải xoay xở với khủng hoảng chi phí sinh hoạt và một cuộc suy thoái kinh tế cận kề.
"Tôi đã không thể hoàn thành nhiệm vụ khi được đảng Bảo thủ lựa chọn", bà Truss nói từ bên ngoài văn phòng làm việc tại số 10 phố Downing. Sau tuyên bố của bà, thị trường tài chính đã thở phào nhẹ nhõm.
Những chính sách gây tranh cãi
"Bà Truss đã bị hoài nghi không thể bám trụ ghế thủ tướng sau những ồn ào xoay quanh kế hoạch ngân sách nhỏ. Và giờ đây, Anh một lần nữa phải chờ xem ai sẽ là thủ tướng tiếp theo", ông Craig Erlam - chuyên gia phân tích thị trường cấp cao có trụ sở ở London - nhận định với Zing.
"Tôi không rõ ai có thể cải thiện tình hình của đất nước vào thời điểm này. Nhưng dường như chúng ta không nên quá kỳ vọng vào một kết quả tích cực", ông nói thêm.
Các chính sách được Chính phủ ngắn ngủi của bà Truss đưa ra đã phản tác dụng vào thời điểm lạm phát tăng vọt và tăng trưởng giảm tốc.
Kế hoạch kinh tế được công bố hôm 23/9 của bà bao gồm cắt giảm thuế và khuyến khích đầu tư để thúc đẩy tăng trưởng.
Các kế hoạch kinh tế được chính quyền bà Truss đưa ra đã đẩy đồng bảng Anh xuống mức thấp kỷ lục so với đồng USD. Ảnh: Reuters. |
Theo Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng thời điểm đó, London sẽ chi 200 tỷ bảng Anh để giảm thuế và hỗ trợ chi phí điện, khí đốt cho hộ gia đình và doanh nghiệp trong vòng 6 tháng. Ông cũng tuyên bố về "một kỷ nguyên mới" tập trung thúc đẩy tăng trưởng. Giữa tháng này, ông Kwarteng đã rời ghế bộ trưởng sau gần 6 tuần tại nhiệm.
Các chính sách mới bị chỉ trích rằng sẽ đẩy lạm phát lên cao hơn nữa, làm tổn hại ngân sách nhà nước, khiến đồng bảng bị bán tháo và gây áp lực lên ngân hàng trung ương.
Giới đầu tư còn lo ngại Anh không thể gánh vác những khoản cắt giảm thuế mạnh tay. Điều này có thể đẩy chi phí thế chấp lên cao, giáng đòn vào người dân và các doanh nghiệp vốn vẫn đang xoay xở phục hồi sau đại dịch.
Tài chính của Anh vốn đã căng thẳng vì những chương trình chi tiêu khẩn cấp trong thời kỳ đại dịch, giá năng lượng tăng vọt do xung đột Nga - Ukraine và các chi phí liên quan đến cuộc bỏ phiếu Brexit.
Đồng bảng phục hồi
Sau khi sa thải ông Kwarteng, bà Truss đã bổ nhiệm cựu Bộ trưởng Nội các Jeremy Hunt làm tân Bộ trưởng Tài chính Anh. Ông Hunt ngay lập tức đảo ngược gần như toàn bộ kế hoạch thuế và ngân sách của Thủ tướng Liz Truss, bao gồm loại bỏ hầu hết khoản cắt giảm thuế, trợ cấp năng lượng và lời hứa không cắt giảm chi tiêu công của bà.
Ông nhấn mạnh Chính phủ cần tăng thuế và giảm chi tiêu công để ổn định chính trị và tăng cường niềm tin của nhà đầu tư. Ông Hunt cũng thừa nhận có "nhiều quyết định khó khăn" cần được đưa ra trước khi công bố kế hoạch tài khóa trung hạn vào ngày 31/10.
Đồng bảng Anh đã tăng vọt lên 1,133 USD đổi 1 bảng Anh sau tuyên bố từ chức của bà Truss, rồi nhanh chóng giảm về 1,12 USD đổi 1 bảng Anh.
Biến động của đồng bảng Anh so với USD trong vòng một tháng qua. Ảnh: Trading Economics. |
Hồi cuối tháng 9, đồng tiền của Anh có lúc được giao dịch mức 1,0382 USD đổi 1 bảng Anh, ngưỡng thấp chưa từng có, sau khi Chính phủ Anh tuyên bố cắt giảm thuế để thúc đẩy tăng trưởng.
"Đồng bảng Anh phục hồi sau khi Thủ tướng Anh tuyên bố từ chức. Bà đã thực hiện chiến dịch với tầm nhìn về một nền kinh tế tăng trưởng cao trên nền tảng thuế thấp, nhưng kế hoạch này phản tác dụng", ông Edward Moya - nhà phân tích thị trường cấp cao có trụ sở ở Mỹ - nhận định với Zing.
"Tình trạng bấp bênh tại Anh sẽ không sớm biến mất, cho đến khi chúng ta biết ai là người lãnh đạo tiếp theo của đất nước và cách làm mà họ chọn là gì", vị chuyên gia nói thêm.