Theo dữ liệu của Trading Economics, giá dầu thô Brent (chuẩn toàn cầu) đã tăng vọt từ dưới ngưỡng 90 USD/thùng hôm 19/10 lên 94,1 USD/thùng, đánh dấu mức cao nhất trong gần một tuần.
Hôm 18/10, giá dầu Brent có thời điểm giảm mạnh xuống dưới mốc 89 USD/thùng.
Trong khi đó, giá dầu WTI chuẩn Mỹ tăng mạnh từ gần 83 USD/thùng hôm 19/10 lên 87,4 USD/thùng ngày 20/10.
Theo giới quan sát, giá dầu tăng cao do nguồn cung thắt chặt hơn và thông tin Trung Quốc cân nhắc cắt giảm thời gian cách ly đối với du khách. "Lực mua vẫn lấn át lực bán trên thị trường dầu, ngay cả khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cố gắng hạ nhiệt giá nhiên liệu", ông Edward Moya - nhà phân tích thị trường cấp cao tại hãng tư vấn Oanda (có trụ sở ở Mỹ) - bình luận với Zing.
Biến động của giá dầu thô Brent tiêu chuẩn toàn cầu trong vòng 24 giờ qua. Giá đã vượt ngưỡng 94 USD/thùng, đánh dấu mức cao nhất trong gần một tuần. Ảnh: Trading Economics. |
Thất bại của Mỹ trong việc kìm giá dầu
"Giá dầu đã bật tăng phần nào sau báo cáo về tồn trữ dầu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA). Giá tiếp tục tăng hơn nữa sau nỗ lực thuyết phục các công ty dầu của Tổng thống Biden", ông Moya nói thêm.
Cụ thể, ông Biden cho rằng các công ty năng lượng Mỹ "không nên dùng lợi nhuận của mình để mua lại cổ phiếu hay trả cổ tức". Thay vào đó, họ nên sử dụng những khoản lời kỷ lục này để thúc đẩy khai thác và lọc dầu.
Lực mua vẫn lấn át lực bán trên thị trường dầu, ngay cả khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đã "tất tay" để hạ nhiệt giá nhiên liệu
Ông Edward Moya - nhà phân tích thị trường cấp cao tại hãng tư vấn Oanda (có trụ sở ở Mỹ)
Hôm 19/10, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố kế hoạch xả thêm 15 triệu thùng dầu từ kho dự trữ chiến lược nhằm hạ nhiệt giá nhiên liệu tại Mỹ. Động thái này sẽ hoàn thành đợt xả kho 180 triệu thùng dầu được phê duyệt từ mùa xuân.
Tuy nhiên, động thái của ông chủ Nhà Trắng đã không thể kìm đà tăng dữ dội của giá dầu. Bởi theo dữ liệu chính thức, vào tuần trước, dự trữ dầu chiến lược của Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ giữa năm 1984. Trong khi đó, các kho dữ trữ dầu thương mại cũng giảm nhiều hơn dự kiến.
"Nỗ lực hạ nhiệt giá dầu của Mỹ vào ngày hôm qua thất bại. Đó là bằng chứng cho thấy Washington đã đánh mất sức ảnh hưởng của mình trên thị trường dầu toàn cầu", ông Brennock bình luận.
Ngoài ra, theo ông Stephen Brennock tại PVM Oil, giá dầu đi lên trong bối cảnh Trung Quốc được cho là đang xem xét nới lỏng những biện pháp chống dịch đối với khách đến.
Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới - đã áp dụng các biện pháp chống dịch gắt gao trong năm nay. Điều này gây gián đoạn nghiêm trọng đối với các hoạt động kinh tế và kinh doanh, kéo tụt nhu cầu nhiên liệu.
Hôm 20/10, Bloomberg đưa tin Bắc Kinh đang cân nhắc giảm thời gian cách ly đối với du khách nhập cảnh từ 10 ngày xuống còn 7 ngày.
Tương lai khó đoán
Trong khi đó, lệnh cấm của Liên minh châu Âu (EU) đối với dầu thô và các sản phẩm từ dầu của Nga có thể khiến nguồn cung toàn cầu bị thắt chặt hơn nữa. Việc OPEC+ (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa và liên minh) cắt giảm sản lượng mục tiêu cũng đẩy giá dầu lên cao.
Hồi đầu tháng 10, OPEC+ đã nhất trí cắt giảm sản lượng dầu 2 triệu thùng/ngày kể từ tháng 11, mức lớn nhất kể từ năm 2020. Trước đó, Saudi Arabia từng cảnh báo rằng nhóm có thể cắt giảm sản lượng do giá dầu lao dốc, thị trường liên tục trồi sụt trong nhiều tháng qua.
Nhưng trên thực tế, triển vọng của nhu cầu dầu toàn cầu vẫn chưa ổn định. Hôm 14/10, IEA đã cắt giảm dự báo đối với nhu cầu cầu trong năm nay và năm sau. Tổ chức này cảnh báo về một cuộc suy thoái tiềm ẩn của nền kinh tế toàn cầu.
Theo các dự báo mới của Bloomberg Economics, nền kinh tế Mỹ chắc chắn sẽ rơi vào suy thoái trong vòng 12 tháng tới. Lạm phát dai dẳng, việc thắt chặt các điều kiện tài chính và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất đang làm gia tăng nguy cơ suy thoái.